Tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Hoàng Hoài| 20/10/2014 10:54

Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh chú trọng thực hiện. Với những cách làm phù hợp, thiết thực, nhiều chị em đã thoát nghèo, có thêm điều kiện, có hội để vươn lên trong cuộc sống.

ADQuảng cáo

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh thì chỉ tính từ đầu năm đến nay, để giúp chị em phát triển kinh tế thì các cấp Hội đã vận động hội viên giúp bằng nhiều hình thức như: cho vay vốn không lấy lãi, ngày công, hỗ trợ cây, con giống, phân bón các loại…với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.

Mô hình trồng hoa của gia đình chị Phan Thị Hường, ở tổ dân phố 5, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil)

Cùng với việc phối hợp giải ngân nguồn vốn vay ngân hàng thì các cấp Hội còn chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình dành cho phụ nữ. Trong tháng 8 vừa qua, Quỹ cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tỉnh chính thức được thành lập, đi vào hoạt động.

Đây là quỹ thuộc Dự án “Tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh” và hiện đã giải ngân được trên 22,7 tỷ đồng cho 2017 lượt chị vay. Quỹ cơ hội được xem như là một “ngân hàng nhỏ” nhằm đồng hành cùng chị em dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế.

Cùng với đó, việc duy trì, củng cố các nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm, nhóm phụ nữ hùn vốn cũng được chú trọng. Cũng trong thời gian qua, các cấp Hội cũng phối hợp mở được 176 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho hội viên. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cũng được triển khai thực hiện dựa trên nhu cầu của hội viên, phụ nữ.

Cụ thể, các cấp Hội đã tổ chức được 4 lớp tuyên truyền về Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” và “Dạy nghề cho lao động nông thôn” tại các huyện Tuy Đức, Đắk Mil, Đắk Song cho 200 cán bộ, hội viên phụ nữ. Trong khuôn khổ Đề án 1956, đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh được 8 lớp với 220 học viên với các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn như cắm hoa, may công nghiệp và hiện đã có 25 chị tự tạo việc làm sau học tập.

ADQuảng cáo

Điển hình như tại Đắk R’lấp, theo bà Lê Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN huyện thì ngoài việc tuyên truyền, vận động chị em tự giúp nhau về vốn, con giống, kỹ thuật thì các cấp Hội còn duy trì hoạt động có hiệu quả 125 câu lạc bộ “Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Buôn bán vừa và nhỏ”. Theo đó, khi tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ, chị em không chỉ góp vốn, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong phát triển kinh tế mà còn cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống, tìm ra nguyên nhân đói nghèo.

Qua đó, chị em hiểu được rằng, cùng với sự giúp đỡ của tổ chức, xã hội thì chính bản thân cần phải nỗ lực vươn lên,  chủ động vượt qua khó khăn thì mới giúp mình làm chủ cuộc sống. Đáng mừng, không chỉ có phụ nữ nông thôn mà phụ nữ ở các đơn vị hành chính, lực lượng vũ trang cũng đã duy trì và phát triển nhiều mô hình  giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, làm chủ cuộc sống.  

Còn theo bà Nguyễn Thị Sang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Nô thì để tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả của cuộc vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp Hội cơ sở cũng tích cực vận động hội viên xây dựng các mô hình như: tiết kiệm 5000 đồng/người/tháng, nuôi heo đất, nhóm tín dụng tiết kiệm…

Đến nay, tổng số tiền tiết kiệm được gần 1,8 tỷ đồng để giúp nhau trong lao động sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên phụ nữ làm chủ hộ để có biện pháp giúp đỡ cụ thể cũng như khích lệ  tham gia mô hình “3 trong 1” (3 hộ khá giúp 1 hộ nghèo). Điều đáng mừng, từ đầu năm đến nay, huyện đã thành lập được 52 mô hình “3 trong 1”, trong đó có 65 hộ đăng ký thoát nghèo trong năm 2014.

Bước đầu, các hộ này đã nhận được sự giúp đỡ của các thành viên bằng nhiều hình thức như vốn, cây, con giống, vàng, ngày công. Các cơ sở hội còn dựa vào thực lực để có những cách thức giúp đỡ phù hợp như thành lập các nhóm tín dụng tiết kiệm; tổ hùn vốn bằng tiền và vàng…để giúp chị em mua sắm công cụ phục vụ sản xuất…Các mô hình như dọn dẹp nhà cửa, tiết kiệm sửa nhà…cũng được duy trì và nhân rộng, thu hút đông đảo chị em tham gia, tạo sự phấn khởi trong cuộc sống.

Phụ nữ xã Nam Đà (Krông Nô) vươn lên từ nghề trồng hoa và rau xanh

Hay như ở thị xã Gia Nghĩa thì Hội phụ nữ các phường Nghĩa Trung, Nghĩa Thành thì phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh phát triển mô hình tổ hợp tác nuôi gà nhằm tạo điều kiện giúp hội viên, phụ nữ trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi. Hội LHPN thị xã còn phối hợp giới thiệu việc làm cho 145 phụ nữ đi làm việc tại các doanh nghiệp, trường học trên địa bàn, với mức lương khá, giúp chị em ổn định cuộc sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO