Rà soát, hỗ trợ lao động tự do bị mất việc do dịch Covid-19: Dù khó, các địa phương cũng đang nỗ lực hết sức

Vũ Trang| 20/05/2020 12:40

Thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang tiếp tục rà soát để chi hỗ trợ các nhóm đối tượng còn lại, nhưng thực tế cũng đang gặp khó khăn, lúng túng trong xác định đối tượng lao động tự do mất việc làm.

ADQuảng cáo

Nhiều tiêu chí ràng buộc

Theo đánh giá đến nay, tỉnh Đắk Nông đã cơ bản hoàn thành việc chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vào chiều 19/5, lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh đã trao đổi, chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ.

Cụ thể, phạm vi tác động của chính sách hỗ trợ liên quan đến nhiều đối tượng, lĩnh vực, yêu cầu về thời gian thực hiện ngắn, nên quá trình thực hiện còn lúng túng, nhất là trong việc xác định đối tượng thụ hưởng, quy trình, trách nhiệm của các cấp, ngành.

Bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia trao đổi về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai chính sách trên địa bàn xã

Theo bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia (TP.Gia Nghĩa), Nghị quyết 42 là chính sách nhân văn, chia sẻ với người dân trong lúc khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện nay, xã Đắk Nia đã hoàn thành việc chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Đây là nhóm đối tượng dễ thống kê và lập danh sách. Tuy nhiên, đối với các nhóm đối tượng còn lại, nhất là nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, việc rà soát, lập danh sách gặp khó khăn, lúng túng.

Cụ thể, trên địa bàn xã Đắk Nia có rất nhiều đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: người bốc vác theo mùa vụ, MC trong các đám cưới… đề nghị được hỗ trợ. Nhưng việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động tự do lại có nhiều tiêu chí, điều kiện ràng buộc nên địa phương đang xem xét có nên đưa vào diện được hỗ trợ hay không.

Ngoài ra, đối với những cơ sở bán tạp hóa kết hợp nước giải khát, trong thời gian cách ly xã hội, họ vẫn vi phạm quy định không tập trung đông người, bị chính quyền địa phương nhắc nhỏ và xử lý. Nhưng khi lập danh sách hỗ trợ, những cơ sở này vẫn làm đơn đề nghị hỗ trợ nên chính quyền địa phương cũng khá "băn khoăn" về việc xác định các đối tượng thụ hưởng.

Còn theo ông Trần Thanh Luyện, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Trung (TP.Gia Nghĩa), việc xác định đúng đối tượng lao động tự do đã khó, nhưng vấn đề xác định mức thu nhập của họ còn khó hơn, bởi không ai có thể xác định được thu nhập bình quân tháng trước khi mất việc làm là bao nhiêu. Người lao động kê khai thế nào, có trung thực hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức tự giác của người lao động. Vì vậy, khi xảy ra sai sót, trách nhiệm thuộc về người lao động, tổ dân phố hay UBND xã, phường?

Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ, Sở LĐ-TB&XH cũng nhận thấy một số vướng mắc khi nghiên cứu các quy định. Theo đó, các yêu cầu người được hưởng đều phải hội đủ tất cả điều kiện, nên sẽ có ít người được hưởng, mặc dù thực tế họ đều bị ảnh hưởng.

Cụ thể, nhóm lao động thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương thì điều kiện để họ được hỗ trợ là doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương sau khi đã kiểm tra, kiểm soát tất cả khoản tài chính của doanh nghiệp. Đối với nhóm hộ kinh doanh nhỏ lẻ, doanh thu không cao nên họ không có đăng ký thuế thì sẽ không có thông báo thuế để kèm theo khi đề nghị được hỗ trợ.

Ngoài ra, hướng dẫn chỉ nêu một số nghề như bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe… được hỗ trợ.

ADQuảng cáo

Nhưng trên thực tế, qua rà soát có nhiều lao động làm nghề thợ xây, phụ hồ, lao động thời vụ, giáo viên mầm non tại các cơ sở nhóm trẻ tư thục, làm vệ sinh trong các nhà trường, vệ sinh tại các phòng khám tư nhân… cũng là những người bị mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lại không rơi vào quy định cụ thể nào, nên đơn vị cũng như các địa phương không biết họ có thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ hay không?

Các địa phương đang nỗ lực để thực hiện việc hỗ trợ đến người lao động tự do một cách nhanh chóng và kịp thời nhất

Hỗ trợ những đối tượng giảm sâu thu nhập

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm thì Nghị quyết số 42 quy định rõ, gói an sinh xã hội chỉ hỗ trợ những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu. Như vậy, đối tượng lao động tự do đủ điều kiện đề nghị hỗ trợ phải là người bị mất việc làm, hiện không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo của thành phố, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, về ngành nghề được hỗ trợ, Quyết định 15 đã giao các tỉnh, thành phố quy định ngành nghề nào thực sự bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì UBND tỉnh quy định cụ thể, tùy vào nguồn ngân sách hỗ trợ của địa phương, nhưng không trái quy định tại Quyết định 15. Đối với nhóm giáo viên mầm non, trường tư thục, nhân viên cấp dưỡng sẽ được hỗ trợ nếu trường mầm non, tư thục đó hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh và luật Doanh nghiệp.

Còn đối với người lao động của địa phương làm việc tự do, cư trú ở nơi khác hoặc từ nơi khác đến địa phương đăng ký tạm trú thì cần có đơn và được xác nhận sẽ nhận hỗ trợ ở đâu, nhằm tránh trùng lắp nhận chế độ 2 lần ở hai địa phương tạm trú và thường trú. Trường hợp các cơ sở kinh doanh không tạm dừng hoạt động trong thời gian cách ly xã hội thì không được hỗ trợ.

Cũng theo ông Bình, để chính sách được thực hiện tốt đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, người đứng đầu chính quyền địa phương, MTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị-xã hội,  tổ trưởng tổ dân phố phải nêu cao trách nhiệm trong việc cùn rà soát, thẩm định, xét duyệt danh sách, không bỏ sót đối tượng được thụ hưởng. Việc xác định, phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng chế độ phải bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, chính xác, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực.

Phấn đấu đưa tiền hỗ trợ đến người dân sớm nhất

Theo Sở LĐ-TB&XH, đến nay, qua công tác rà soát, thống kê sơ bộ, toàn tỉnh đã xác định được 3.277 hộ kinh doanh cá thể; 3.970 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương; 1.149 lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp và 13.354 lao động không có hợp đồng lao động mất việc làm được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42, với dự kiến kinh phí hỗ trợ gần 25 tỷ đồng.

Ngoài các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 42, Sở cũng đề xuất phương án hỗ trợ cho những đối tượng, các tổ chức yếu thế, dễ bị tổn thương trong tình hình dịch Covid-19. Đến nay, các địa phương đã rà soát, thống kê được 5.047 người lao động, cơ sở gặp khó khăn để đề xuất hỗ trợ. Theo đề xuất, mức hỗ trợ cho những đối tượng, các tổ chức yếu thế, dễ bị tổn thương là 1 triệu đồng/người/tổ chức/cơ sở/tháng.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách. Đặc biệt, đối tượng lao động tự do là một trong những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch Covid-19, nên dù khó, các địa phương cũng đang nỗ lực hết sức để thực hiện một cách nhanh chóng và kịp thời nhất.

Trên cơ sở danh sách các địa phương rà soát bước đầu, đồng thời căn cứ hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 42, Sở LĐTB&XH sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục sàng lọc đối tượng. Khi thiết lập được danh sách chính thức, chính quyền cơ sở sẽ niêm yết công khai để mọi người dân cùng giám sát, bảo đảm chính sách hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát, hỗ trợ lao động tự do bị mất việc do dịch Covid-19: Dù khó, các địa phương cũng đang nỗ lực hết sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO