Quản lý, bảo tồn hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô: Cần chú trọng bảo đảm môi trường và bảo vệ hiện trạng

Mỹ Hằng| 19/05/2016 09:21

Xác định tầm quan trọng của hệ thống hang động đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên công tác gìn giữ, bảo vệ, khoanh vùng khu vực này đã được tỉnh quan tâm, có những chỉ đạo cần thiết.

ADQuảng cáo

Cụ thể, Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1366-CV/TU, ngày 11/2/ 2015 về việc “Quản lý bảo tồn, tôn tạo khai thác hệ thống hang động núi lửa thuộc vùng Krông Nô”. UBND tỉnh cũng ra Công văn số 1045/UBND-TH, ngày 13/3/2015 chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản.

Cửa hang số 3, hang động núi lửa ở Krông Nô. Ảnh: Ngọc Tâm

Ngoài ra, để học tập kinh nghiệm các nước trong việc xây dựng công viên địa chất toàn cầu và tăng cường quảng bá, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, vào tháng 9/2015, tỉnh đã cử đoàn tham dự Hội nghị Công viên địa chất Châu Á - Thái Bình Dương San’in Kaigan, lần thứ 4, tại Nhật Bản.

Tại đây, các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia công viên địa chất quốc tế đã ủng hộ tỉnh Đắk Nông trong việc triển khai lộ trình xây dựng công viên địa chất Krông Nô nhằm bảo tồn di sản và phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

ADQuảng cáo

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành Đề án “Điều tra, đánh giá di sản địa chất xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” để đánh giá giá trị, xác lập được đầy đủ các di sản phân bố trong khu vực Krông Nô cũng như các khu vực kế cận.

Cùng với khảo sát, đo vẽ chi tiết và đánh giá độ an toàn của các hang động thuộc hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô phục vụ cho việc đầu tư, phát triển du lịch thì ngành Văn hóa xúc tiến xây dựng hồ sơ, trình duyệt công nhận Công viên địa chất quốc gia, hướng tới Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực Krông Nô. Tại các hội chợ, triển lãm du lịch, ngành Văn hóa cũng tăng cường giới thiệu những hình ảnh cũng như những tài liệu cần thiết về hang động núi lửa khu vực Krông Nô để du khách được biết, tìm hiểu.

Riêng về góc độ địa phương, UBND huyện Krông Nô đã tiến hành phối hợp với các ngành chức năng liên quan tập trung tuyên truyền bảo vệ hiện trạng của khu vực núi lửa. Người dân không được tự ý vào hang động để bắt dơi, cũng như chặt phá, khai thác các loại cây rừng ở xung quanh khu vực này. Tại các cửa hang C1, C2, C3... đều được gắn các tấm biển cảnh báo “Cấm vào, khu vực hang động đang khảo sát”.

Tuy nhiên, theo đoàn nghiên cứu của Bảo tàng địa chất Việt Nam thì qua đợt khảo sát mới đây, điều băn khoăn, lo lắng nhất là tình trạng bãi rác lộ thiên với quy mô lớn bốc mùi hôi thối nằm trên tuyến đường từ thị trấn Đắk Mâm vào xã Buôn Choáh đã ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như các tiêu chí xây dựng nên công viên địa chất. Bởi theo quy định của UNESCO thì bảo đảm môi trường xung quanh khu vực hang động núi lửa và công viên địa chất là vấn đề rất quan trọng.

Trước đây, đoàn nghiên cứu cũng đã trình bày trước các cấp chính quyền của tỉnh Đắk Nông về vai trò của môi trường, nhưng đến nay, bãi rác vẫn chưa được di dời và có phương án xử lý hiệu quả. Vào tháng 10 tới, tổ chức UNESCO sẽ tiến hành khảo sát, nếu bãi rác không được di dời thì danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho hệ thống hang động núi lửa ở khu vực Krông Nô khó mà được thiết lập. Đó là chưa kể thời gian gần đây, các hang động trong khu vực cụm thác Đray Sáp-Gia Long trải dài đến xã Buôn Choáh đang bị xâm hại, nhất là gỡ lấy các thạch nhũ trong nền hang.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, bảo tồn hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô: Cần chú trọng bảo đảm môi trường và bảo vệ hiện trạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO