Phụ nữ Bu Đắk cần mẫn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Y Sơn| 13/07/2020 11:02

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang có nguy cơ mai một tại nhiều thôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, tại bon Bu Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil), phụ nữ M'nông vẫn miệt mài bên khung cửi để giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

ADQuảng cáo

Về bon Bu Ðắk vào những ngày đầu tháng 7, những vườn cà phê, hồ tiêu dọc hai bên đường bê tông dẫn vào bon lá xanh mướt, chi chít quả, dường như đã dần hồi phục khi vượt qua đợt khô hạn khốc liệt vừa qua. Sau khi chăm sóc xong vườn rẫy cũng là lúc phụ nữ M'nông ở trong bon dành nhiều thời gian hơn để dệt nên những tấm thổ cẩm truyền thống.

Ðồng bào M'nông bon Bu Ðắk lựa chọn những cuộc len vừa ý để kéo sợi tạo ra các hoa văn thổ cẩm truyền thống

Tranh thủ buổi tối sau một ngày làm việc vất vả, chị H'Bhem (40 tuổi), ngồi bên khung cửi chia sẻ, "Từ nhỏ tôi được mẹ dạy cho cách kéo sợi, nhuộm màu, dệt túi vải, khăn địu... rồi khó dần lên là dệt chăn, quần áo truyền thống. Cứ như vậy, cho đến nay tôi đã thành thạo nghề dệt thổ cẩm và giữ gìn nghề truyền thống cho đến bây giờ. Dù mệt mỏi với công việc đồng áng hàng ngày là vậy, nhưng với niềm đam mê của mình, sau mỗi bữa cơm tối tôi thường nán lại bên góc nhà để dệt thổ cẩm rồi mới đi ngủ".

Không chỉ tự tay dệt nên những tấm thổ cẩm theo đơn đặt hàng của các tổ chức, đơn vị và cá nhân người dân, chị còn tranh thủ dạy lại nghề dệt cho con cháu với mong muốn thế hệ sau tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình. Chị rất mừng khi 2 người con gái của chị là H'Tuyên (lớp 7) và H'Huyên (lớp 9) đã tích cực học theo và dệt thành thạo các loại thổ cẩm đơn giản như túi sách, khăn địu, váy... Hiện tại, tranh thủ thời gian con được nghỉ hè chị tiếp tục chỉ dạy cho hai người con gái đầu biết những họa tiết, hoa văn khó mới và bắt đầu dạy con gái út 6 tuổi của mình.

Khi thấy chúng tôi tò mò việc kéo sợi, tạo hoa văn trên thổ cẩm, nhờ am hiểu nghề, chị H'Bhem tận tình giải thích từng bộ phận của khung dệt. Dụng cụ dệt thổ cẩm gồm có nhiều bộ phận rời, là những thanh gỗ dài dùng để luồn sợi dọc và dập sợi ngang. Tùy theo từng loại sản phẩm mà người thợ mắc sợi vào khung ngắn hoặc khung dài. Khi dệt, người phụ nữ phải ngồi xuống sàn nhà, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung. Tất cả các đầu nối của sợi dệt được gộp lại, buộc vào một chỗ chắc chắn. Khi dệt, người thợ dùng chân và lưng của mình để căng sợi.

ADQuảng cáo

Cũng với ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, bà H'Ðoan (56 tuổi) đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm hơn 40 năm. Bà tâm sự để làm ra được sản phẩm thổ cẩm đẹp phải tốn rất nhiều thời gian, công sức; đòi hỏi người dệt phải kiên trì, khéo léo. Sản phẩm thổ cẩm làm ra vừa để sử dụng trong gia đình, làm quà tặng trong các dịp cưới hỏi, mừng nhà mới, quà lưu niệm của khách gần xa khi có dịp vào bon thăm hỏi người thân.

Thông thường để dệt nên một tấm thổ cẩm phải mất mất từ 15 - 20 ngày, với giá bán từ 1,5 - 2 triệu đồng/bộ đồ truyền thống nam, nữ. Phụ nữ trong bon cho hay, giá trị kinh tế của một bộ thổ cẩm hiện không cao nhưng vì lòng yêu nghề truyền thống nên nhiều chị em vẫn quyết tâm bám khung cửi, truyền dạy cho con em trong bon để gìn giữ nghề.

Bà H'Ðoan (56 tuổi), ở bon Bu Ðắk, xã Thuận An miệt mài với nghề dệt thổ cẩm

Tại bon Bu Ðắk, ngoài chị H'Blem, bà H'Ðoan hay bà H'Ngưl (85 tuổi) ..., còn có nhiều phụ nữ khác đam mê với nghề dệt thổ cẩm truyền thống; trong đó có hơn 10 người trên 60 tuổi vẫn miệt mài dệt thổ cẩm hàng ngày. Bon hiện có hơn 50 khung dệt, có gần 100 phụ nữ dân tộc M'nông biết dệt thổ cẩm; trong đó có hơn 70% trong số này là lớp trẻ, từ 14 - 30 tuổi. Thổ cẩm không chỉ được sử dụng trong gia đình, mà đối với nhiều chị em phụ nữ nghề dệt thổ cẩm còn giúp họ có thêm thu nhập hàng tháng, giúp trang trải cuộc sống thay vì chỉ có thu nhập từ trồng cà phê, hồ tiêu.

Chàng trai, cô gái M'nông bon Bu Ðắk trong trang phục thổ cẩm truyền thống

Anh Y Lót, Trưởng bon Bu Ðắk, xã Thuận An (Ðắk Mil) chia sẻ: "Hiện tại, đa số các bạn trẻ đều đi học, làm công nhân tại các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, TP.Hồ Chí Minh nên nhiều lớp trẻ không được tiếp cận với nghề dệt thổ cẩm, dẫn tới nghề này đối diện với nguy cơ bị mai một. Nhưng mà sau này muốn cái nghề này sẽ tồn tại lâu dài, tôi mong muốn các cấp chính quyền địa phương, ngành văn hóa thường xuyên mở các lớp dạy thổ cẩm, đồng thời giúp đỡ người dân thành lập hợp tác xã để thổ cẩm chị em làm ra được thị trường biết đến.”

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ Bu Đắk cần mẫn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO