Phòng, chống tai nạn đuối nước

T.B| 22/04/2016 08:58

Thời gian qua, tình trạng học sinh bị đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trung bình cứ mỗi ngày Việt Nam có khoảng 20 trẻ bị đuối nước. Cũng theo WHO, đuối nước làm 372.000 người chết mỗi năm tại các quốc gia và là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và thanh niên trên thế giới.

ADQuảng cáo

Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê thì đuối nước là yếu tố gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trong lứa tuổi từ 5 - 14. Đuối nước và gần đuối nước thường xảy ra ở nhà, nhưng cũng thường ở gần các khu vực ao, hồ và sông ngòi. Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy,  hơn 50% trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời do trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối... do không có người lớn đi kèm. Những con số đau lòng này đang khiến Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp mười lần các nước phát triển.

Để tăng cường công tác phòng, tránh đuối nước cho trẻ em, học sinh, cần chú trọng thực hiện các biện pháp sau: Khuyến cáo trẻ em, học sinh không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước; Chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi; Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục; Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.

ADQuảng cáo

Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: Cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… để người bị đuối nước bám vào, người trên bờ kéo vào. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

Sơ cứu người đuối nước

Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách: Đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy. Sau đó tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp - 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống tai nạn đuối nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO