Những người con Đất Tổ trên quê hương Đắk Nông

Văn Tâm - Mỹ Hằng| 25/04/2015 09:49

Mặc dù vào Ðắk Nông lập nghiệp đã lâu nhưng những người con ở quê hương Phú Thọ luôn gìn giữ được truyền thống, cội nguồn, đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, góp phần làm giàu trên quê hương mới.

ADQuảng cáo

Bà con người Phú Thọ ở xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) luôn hỏi han, động viên nhau trong cuộc sống. Ảnh: Gia Bình

Vượt khó làm giàu

Chúng tôi đến thăm một số hộ dân sinh sống tại thôn 6, xã Đắk Búk So (Tuy Đức), nơi từ nhiều năm nay, bà con từ miền đất Phú Thọ đến sinh sống chọn đặt bàn thờ Tổ để cùng nhau bái vọng về đất Tổ Vua Hùng. Cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình anh Bùi Văn Phượng cũng đến nơi đây lập nghiệp đã gần 20 năm.

Những ngày đầu đến vùng đất mới, anh Phượng đã không ngừng nỗ lực để bám trụ gây dựng sự nghiệp. Theo anh Phượng, cái khó ban đầu là sớm phải thích nghi với thời tiết, đất đai mà anh còn phải học hỏi tập quán canh tác, trồng trọt, chăn nuôi của địa phương nơi đây.

Từ năm 2005, nhận thấy cây khoai lang Nhật Bản phù hợp với đất đai địa phương và mang lại giá trị kinh tế cao, anh đã cải tạo lại đất đai của gia đình và mỗi vụ trồng từ 1-1,5 ha khoai lang. Từ ngày chuyên tâm vào trồng khoai lang, kinh tế gia đình anh khá giả hẳn lên.

Anh Phượng cho biết: “Còn nhớ những năm đầu cây khoai lang xuất hiện tại Đắk Búk So, mỗi vụ tôi trồng trên 1 ha khoai. Nhờ đất mới, chẳng phải chăm sóc, phân bón nhiều, có năm thời tiết thuận lợi, năng suất khoai đạt đến 13 – 14 tấn/ha. Đều đặn nhiều năm liền, giá mua tại vườn từ 16.000 – 17.000 đồng/kg. Chỉ cần vậy, gia đình tôi đã thoát nghèo ngay từ những năm đầu “bén duyên” với cây khoai lang và đến nay đã trở thành hộ có cái ăn, cái để”.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Lâm ở thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu và trở thành gương sáng cho bà con noi theo. Theo lời anh Lâm kể thì năm 1998, anh rời xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) vào Ðắk Nông lập nghiệp. Mặc dù cuộc sống trên vùng đất mới có nhiều khó khăn nhưng được sự giúp đỡ của bạn bè, chính quyền các cấp nên gia đình anh đã dần dần ổn định, phát triển.

Thời gian gần đây, ngoài chăm sóc 2 ha cà phê, 5 sào tiêu, 6 sào cao su, anh còn mở thêm cửa hàng kinh doanh các mặt hàng tạp phẩm, phân bón, nông cụ sản xuất… Việc kinh doanh ngày càng thuận lợi, tạo dựng được uy tín tại địa phương. Nhờ đó, hàng năm, gia đình anh đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động với mức lương hơn từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Dù xa quê nhưng trong lòng anh luôn nhớ về quê cha, đất Tổ nên hàng năm đều luôn đóng góp, ủng hộ quê hương.

Anh Nguyễn Văn Lâm ở thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) làm giàu từ trồng cà phê và tiêu. Ảnh: Văn Tâm

Anh Lâm cho biết thêm: “Dù ở đâu, làm gì thì tôi luôn nhớ về quê hương, đất Tổ, nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Vì vậy, ngoài mở mang công việc làm ăn của gia đình, tôi luôn hỗ trợ, giúp đỡ những người còn khó khăn hơn mình để cùng nhau phát triển”.

Năm 1990, ông Nguyễn Hữu Đức hiện ở thôn 9, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) rời Phú Thọ vào Đắk Nông lập nghiệp. Sau bao nhiêu năm làm lụng vất vả, hiện tại, gia đình ông đã có một cơ ngơi với 4 ha cà phê và 10 ha cao su đang kỳ kinh doanh, trừ chi phí, mỗi năm thu về hơn 1 tỷ đồng. Ngoài việc làm giàu cho bản thân thì ông Đức luôn chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện giúp đỡ đồng hương cùng làm ăn bằng cách cho vay không lấy lãi và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 5 triệu đồng/tháng/người.

Theo ông Đức thì có được cơ ngơi như hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì còn có sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con trên địa bàn. Đã làm kinh tế thì bước đầu ai cũng khó khăn cả, nhưng phải biết vượt qua nó như thế nào mới là điều quan trọng.

ADQuảng cáo

Với sự nỗ lực vươn lên trong làm ăn, trung bình mỗi năm gia đình ông Nguyễn Hữu Đức thu về hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: Mỹ Hằng

Tương tự, anh Đoàn Đình Tứ ở thôn 6, xã Nam Dong (Chư Jút) từ Phú Thọ vào Đắk Nông năm 1998, bắt đầu khởi nghiệp bằng nhiều việc như phụ hồ, hái cà phê thuê…Sau đó, anh Tứ quyết định tìm cho mình một nghề để ổn định cuộc sống, và đã chọn học nghề tại một cơ sở sửa chữa xe máy lớn ở TP. Hồ Chí Minh.

Với tư chất thông minh cùng với sự kiên trì học hỏi nên chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã trở thành thợ sửa xe máy có tay nghề cao. Kết thúc khóa học, mặc dù được ông chủ mời ở lại làm với mức lương khá cao, nhưng anh quyết định về Đắk Nông lập nghiệp. Năm 2005, cơ sở sửa chữa xe gắn máy Đình Tứ được thành lập.

Với lòng yêu nghề và nghị lực của tuổi trẻ, anh đã dần vượt qua khó khăn ban đầu đưa cơ sở ngày càng phát triển, không những bản thân ổn định cuộc sống mà còn tạo việc làm cho một số bạn trẻ khác ở địa phương. Hiện cơ sở sửa xe máy của anh có 5 thợ với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

Đoàn kết, giữ gìn truyền thống tốt đẹp

Nặng tình với quê hương nên sau khi đặt chân đến Ðắk Nông, những người con Phú Thọ đã liên lạc cùng nhau thành lập các điểm sinh hoạt hội đồng hương ở nhiều huyện, thị xã như Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Song, Chư Jút, Krông Nô, thị xã Gia Nghĩa… Mỗi điểm sinh hoạt quy tụ số lượng thành viên lên đến hàng trăm người. Đơn cử, tại thị xã Gia Nghĩa, những người con đất Tổ đã thành lập hội đồng hương và quy tụ được hơn 200 hội viên.

Cứ đến ngày Giỗ Tổ thì hội đồng hương cùng tổ chức cúng, dâng hương, hoa, bánh chưng, bánh dày tưởng nhớ các Vua Hùng. Mọi người cùng nhau thắp hương và báo cáo những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua.

Từ nhiều năm nay, trong chương trình hoạt động, hội đồng hương của các gia đình đến từ tỉnh Phú Thọ tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng khuyến khích, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Phát huy truyền thống của quê hương, những năm qua, các hội viên đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình bằng những thành tích đáng tự hào qua các hoạt động phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khuyến học khuyến tài, nhân đạo từ thiện, xây dựng đời sống văn hóa… Vào các buổi sinh hoạt, gặp mặt định kỳ, các hội đồng hương luôn tổ chức kể chuyện về Vua Hùng, những chiến công hào hùng của dân tộc, hát xoan... góp phần phát huy bản chất tốt đẹp của những người con được sinh ra trên Ðất Tổ.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Hội trưởng Hội đồng hương Ðất Tổ thị xã Gia Nghĩa giải bày: “Dù đi đâu, làm gì, chúng tôi luôn nhớ mình là con cháu của Ðất Tổ Hùng Vương, nơi có Ðền Hùng thiêng liêng-nguồn cội của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng sống tốt và không ngừng rèn luyện để giữ vững truyền thống quý báu của cha ông, dân tộc. Việc tu bổ, tôn tạo Ðền Hùng là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân mà trước hết là của con dân Phú Thọ. Xa quê, nhưng với tình cảm, trách nhiệm của mình, Hội đã vận động các thành viên đóng góp ít nhiều để gửi về xây dựng Ðền Hùng, gọi là tấm lòng của những người con Ðất Tổ”.

Ông Lê Hữu Nghệ, Hội trưởng Hội đồng hương Phú Thọ ở xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) cho biết: “Hàng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thì bà con Phú Thọ hiện đang sinh sống trên địa bàn xã lại tề tựu đông đủ để thắp nhang, cúng lễ tưởng niệm các Vua Hùng. Đối với những người xa quê như chúng tôi thì đây là dịp để gặp gỡ, hàn huyên tâm sự, hỏi han nhau những vui buồn trong cuộc sống cũng như những kỷ niệm của tuổi thơ ở quê nhà”.

Còn ông Nguyễn Văn Chiến, Hội trưởng Hội đồng hương Phú Thọ ở thị xã Gia Nghĩa cũng nói: Việc tổ chức lập bàn thờ làm lễ cúng, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng là một việc làm truyền thống của Hội. Thông qua đó, chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu làm gì thì làm, nhưng cũng phải luôn nghĩ và hướng về quê hương. Bởi vì, đó không chỉ là quê hương của người Phú Thọ mà còn là nguồn cội của tất cả những người con đất Việt, hết sức thiêng liêng. Việc tưởng nhớ các Vua Hùng đều xuất phát từ cái tâm, cái tình của người con đối với cội nguồn dân tộc. Ngày 10/3 âm lịch luôn là ngày hội trong tim của mỗi người Phú Thọ. Chúng tôi gặp nhau để sum vầy, trò chuyện cho bớt nhớ quê hương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người con Đất Tổ trên quê hương Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO