Những người con Đất Tổ chí thú làm ăn, vươn lên

Hoàng Thanh| 01/04/2020 09:10

Tại xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) hiện có hơn 60 hộ dân, với gần 250 khẩu là người gốc Phú Thọ. Xa quê hương, đến Đắk Nông lập nghiệp, bà con phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, một lòng hướng về Đất Tổ.

ADQuảng cáo

Đùm bọc, giúp nhau vượt qua khó khăn

Những ngày đầu tháng 3 âm lịch, chúng tôi có dịp đến với thôn 9, xã Quảng Tín là địa phương có nhiều người dân quê Phú Thọ sinh sống, làm ăn từ nhiều năm qua. Dù không hẹn trước nhưng chúng tôi đã gặp được ông Lê Hữu Nghệ (SN 1951) là Hội trưởng Hội đồng hương Phú Thọ xã Quảng Tín. Ông đã kể rất nhiều về những nỗ lực của những người dân quê gốc Phú Thọ trong quá trình xây dựng quê hương mới.

Bàn thờ Quốc Tổ uy nghi, luôn là nơi người dân trong vùng tới thắp nhang, bái vọng

Theo ông Nghệ, vào những năm 1980 của thế kỷ trước, tại vùng đất Quảng Tín có 11 hộ dân ở Phú Thọ di cư theo kế hoạch vào xây dựng quê hương mới. Thông qua họ, những năm 1990, nhiều hộ dân khác ở Phú Thọ cũng vào theo, trong đó có gia đình ông Nghệ. Thời ấy, vùng đất Quảng Tín còn rất hoang vu, hầu hết các hộ dân đều phải phát rẫy, đốt cây nhiều năm mới có đất canh tác. Do không có đường giao thông đi lại nên mặc dù chỉ cách quốc lộ 14 chưa đầy 10 km nhưng để đi chợ mua lương thực, nhu yếu phẩm phải mất hơn nửa ngày.

Dù khó khăn là vậy, các hộ dân không nản chí, luôn động viên, đùm bọc nhau vượt qua khó khăn. Người đến trước chỉ người đến sau cách trồng cây, làm rẫy, vào ngày mùa thì đổi công cho nhau. Đến năm 2005, ông Nghệ cùng với một số người lớn tuổi ở xã Quảng Tín đã thống nhất thành lập Hội đồng hương Phú Thọ. Được sự nhất trí của chính quyền địa phương, Hội đồng hương đã bầu ra ban cán sự gồm 5 người có uy tín, ông Lê Hữu Nghệ được bầu làm hội trưởng. Sau khi thành lập, Hội đồng hương đã xây dựng quỹ riêng để thuận tiện hơn trong các hoạt động của cộng đồng.

Ông Nghệ và ông Thông thường xuyên lau dọn bàn thờ Tổ để người dân đến thắp nhang, vọng bái

Ông Nguyễn Văn Thông (SN 1960), Hội phó Hội đồng hương Phú Thọ xã Quảng Tín cho biết: “Chúng tôi xây dựng quỹ để dùng vào việc hiếu hỷ, thăm nom những người ốm đau, tặng quà cho thanh niên nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc và các cháu vượt khó học giỏi. Khi quỹ nhiều lên chúng tôi đã cho những gia đình khó khăn vay để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nguồn quỹ của Hội đã đạt trên 400 triệu đồng”.

ADQuảng cáo

Từ sự hỗ trợ của Hội đồng hương, nhiều hộ đã vượt qua được khó khăn. Đơn cử như gia đình ông Hà Đình Thập. Theo ông Thập, khi mới vào định cư, gia đình chưa có gì, vốn làm ăn thiếu. Được Hội đồng hương cho vay mấy chục triệu đồng, gia đình ông đã đầu tư vào chăn nuôi, mua cây giống. Nhờ lấy ngắn nuôi dài nên chỉ hơn 3 năm, kinh tế gia đình đã tạm ổn. Sau đó, ông đã trả quỹ hội để giúp đỡ những người khác khó khăn hơn mình.  

Ông Nghệ cho biết thêm, với hơn 60 hộ dân quê gốc Phú Thọ tại địa bàn hiện nay không còn hộ nghèo. Nhiều người trở thành hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi điển hình ở địa phương, có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm từ cà phê và điều như các ông: Nguyễn Hữu Đức, Bùi Văn Thi, Đinh Văn Luyện…

Luôn thành kính, hướng về nguồn cội

Ông Lê Hữu Nghệ tâm sự: “Là những người con Đất Tổ, chúng tôi rất tự hào và thể hiện niềm tự hào bằng việc chí thú làm ăn, đẩy lùi đói nghèo và nuôi dạy con cái trưởng thành, trở thành những người có ích trong xã hội. Từ nhu cầu của bà con, hằng năm vào ngày Giỗ Tổ, chúng tôi đều có những hoạt động để tỏ lòng thành kính, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ các bậc tiền nhân”.

UBND xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) cấp 1.500 m2 tại thôn 9 để Hội đồng hương Phú Thọ xây dựng nơi thờ tự

Trước đây, vào dịp Giỗ Tổ, các gia đình quê gốc Phú Thọ ở xã Quảng Tín chỉ trang hoàng bàn thờ trong nhà, thắp nhang, sau đó đi thăm hỏi nhau. Sau khi Hội đồng hương được thành lập, hoạt động hướng về quê cha, Đất Tổ được chú trọng, tổ chức bài bản hơn, nhất là 3 năm trở lại đây. Điển hình, từ năm 2019, Hội đồng hương được UBND xã cho mượn một phòng học mầm non tại thôn để làm nơi lập bàn thờ Quốc Tổ. Hội đồng hương đã tổ chức nhiều hoạt động như văn nghệ, hát xoan, gói bánh chưng, bánh dày, đồ xôi… dâng lên Quốc Tổ. Đáng mừng là cuối năm 2019, UBND xã cũng đã đồng ý cấp cho Hội đồng hương 1.500 m2 đất ngay sau nhà văn hóa thôn để xây đền thờ Vua Hùng.

Ông Lê Hữu Nghệ còn cho biết thêm, theo dự kiến, năm nay Hội đồng hương Phú Thọ tại xã Quảng Tín sẽ tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ long trọng hơn các năm trước để kỷ niệm 15 năm thành lập Hội. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của chính quyền địa phương, Hội đã dừng tất cả các hoạt động để tránh tập trung đông người. Ngày Giỗ Tổ 10/3 âm lịch, Ban cán sự Hội chỉ thắp nhang bái vọng, các gia đình lần lượt tới viếng, sau đó ai về nhà nấy không tổ chức ăn uống, tập trung đông người như các năm trước.

Ông Nguyễn Văn Thông tâm sự: “Chúng tôi khấn cầu Quốc Tổ phù hộ, sớm dập tắt “giặc” Covid-19, để người dân cả nước, thế giới yên tâm làm ăn. Mặc dù không được tụ họp nhưng chúng tôi luôn bảo ban nhau chú trọng phát triển kinh tế, nuôi dạy con, cháu cho thật tốt, đó là lòng thành hướng về Đất Tổ. Trong năm nay, Hội đồng hương sẽ huy động, xây dựng nơi thờ tự khang trang để năm 2021 ngày Giỗ Tổ sẽ được tổ chức thật long trọng”. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người con Đất Tổ chí thú làm ăn, vươn lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO