Nhân Ngày thế giới phòng, chống AIDS 1/12: Giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thái độ

Vũ Trang| 01/12/2016 09:36

Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 được triển khai trên toàn tỉnh, với chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc đại dịch AIDS ở Việt Nam” (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người đang điều trị ARV có tải lượng ổn định dưới ngưỡng lây nhiễm). Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu như thông điệp đề ra đang là vấn đề khó đối với ngành y tế địa phương.

ADQuảng cáo

Cán bộ y tế tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho người dân

Vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, hiện nay, tình trạng người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn tăng và diễn biến phức tạp. Trong khi đó, việc quản lý và điều trị cho các đối tượng nhiễm HIV còn gặp nhiều khó khăn. Sở dĩ như vậy là do nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế; hầu hết người nhiễm HIV trên địa bàn đều là người có nghề nghiệp tự do, thường xuyên thay đổi chỗ ở; sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV trong xã hội vẫn chưa được cải thiện.

Chị M.T.H ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) bị nhiễm HIV từ chồng hơn 4 năm trước. Trong suốt thời gian qua, chị tham gia điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV nên sức khỏe khá ổn định, nhưng chị lại rất lo sợ việc bị mọi người phát hiện tình hình bệnh của mình.

Chị H. chia sẻ: “Người thân trong nhà đều biết tình hình bệnh của tôi, nhưng luôn nhìn tôi với ánh mắt e dè. Người nhà đã như vậy, nếu hàng xóm, xã hội mà biết chắc tôi sẽ khó sống yên ổn tại địa phương, nên rất lo”.

Thực tế cho thấy, nhiều câu chuyện về những người nhiễm HIV chấp nhận phải đi rất xa nơi đang sinh sống để tìm đến các cơ sở chăm sóc và điều trị với những cán bộ y tế họ không hề quen biết, cốt sao tránh khỏi việc lộ thông tin với bà con, hàng xóm vẫn âm thầm diễn ra.

Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 104 trường hợp mới điều trị ARV thì chỉ có 40 trường hợp đăng ký điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Còn 64 trường hợp khác điều trị tại các cơ sở ngoài tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bình Phước, Gia Lai...

Rào cản lớn trong phòng, chống HIV

ADQuảng cáo

Chị Nguyễn Thị Kim Yến, chuyên trách Chương trình phòng, chống HIV/AIDS huyện Tuy Đức cho biết: “Tuyên truyền, vận động xóa bỏ kỳ thị là vậy, nhưng thực hiện thì rất khó. Việc kỳ thị đã làm người nhiễm HIV sợ bị tiết lộ thông tin, ngại tham gia điều trị cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người khác. Đây là rào cản lớn nhất để ngành y tế làm tốt công tác phát hiện, quản lý bệnh nhân nhiễm HIV tại cộng đồng”.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp) hiện nay, người có nguy cơ nhiễm HIV cũng không dám đến cơ sở y tế để xét nghiệm và nếu có làm xét nghiệm cũng không chia sẻ thông tin thật về tên tuổi, địa chỉ... Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện phát hiện mới 6 trường hợp nhiễm HIV. Nhưng khi xuống các địa bàn dân cư để xác minh, tư vấn họ tham gia điều trị thuốc kháng vi rút ARV thì chỉ rà soát được 3 trường hợp. Trung tâm không biết những trường hợp khác hiện đang ở đâu, có biết về tình trạng nhiễm HIV của bản thân không, có thực hiện các biện pháp phòng, tránh lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng không?...

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến ngày 23/11, toàn tỉnh phát hiện thêm 70 trường hợp nhiễm mới HIV. Như vậy, lũy tích người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn là 817 trường hợp. Điều đáng nói, lũy tích người nhiễm HIV bị mất dấu, không rõ danh tính và chuyển đi nơi khác 423 trường hợp, chiếm hơn 48,5%. Lũy tích người nhiễm HIV từng được điều trị ARV chỉ có 331 trường hợp, chiếm hơn 40%. 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức tư vấn cho người dân về phòng, chống HIV

Tăng cường tuyên truyền, vận động

Thực tế cho thấy, hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân chưa hiểu đúng về HIV/AIDS. Khi được hỏi, nhiều người dân vẫn còn mơ hồ về các con đường lây truyền HIV. Sở dĩ như vậy, một phần cũng do công tác thông tin, tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, chưa đến nơi đến chốn.

Tại hầu hết các địa bàn dân cư, cán bộ y tế phải phụ trách 3-5 chương trình nên thời gian dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa nhiều. Đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng cũng thường phải đảm nhận cả vai trò là nhân viên y tế, dân số, dinh dưỡng... nên việc tuyên truyền về HIV/AIDS chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn. Việc tuyên truyền, tư vấn về HIV/AIDS chưa được thực hiện thường xuyên mà chỉ lồng ghép vào một số chương trình mục tiêu y tế quốc gia, hoặc triển khai vào những tháng cao điểm trong năm nên chưa tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.

Bác sĩ Tăng Hải Hùng, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngoài các hoạt động can thiệp, chăm sóc, điều trị và dự phòng lây nhiễm, việc cần thiết trước mắt là phải tăng cường tuyên truyền, vận động để giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thái độ. Để làm được điều đó, cùng với ngành y tế còn rất cần sự vào cuộc của các ngành, địa phương và toàn xã hội. Có như vậy, việc phấn đấu thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020  mới thực sự hiệu quả, bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân Ngày thế giới phòng, chống AIDS 1/12: Giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thái độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO