Nguy cơ mất VSATTP tại các cơ sở sản xuất đá viên

Vũ Trang| 30/09/2016 10:27

Hiện nay, nhu cầu sử dụng đá viên của người dân ngày càng tăng, nên kéo theo hoạt động sản xuất, mua bán đá cũng diễn ra nhộn nhịp. Thế nhưng, nhận thức của chủ cơ sở sản xuất cũng như người tiêu dùng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với mặt hàng đá viên xem ra vẫn còn nhiều hạn chế.

ADQuảng cáo

Quy trình lọc nước trước khi sản xuất đá viên tại một cơ sở sản xuất đá trên địa bàn huyện Đắk Mil

Hàng ngày, mỗi quán ăn, giải khát lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh phải tiêu thụ từ vài chục kilôgam đến vài tạ đá viên, chưa kể đến những quán tạp hóa lấy đá về bán lẻ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, hầu hết các chủ hàng, quán đều không biết rõ loại đá viên mà họ đang sử dụng được sản xuất từ đâu, chất lượng ra sao.

Anh N.V.H, chủ một quán cà phê trên đường Tôn Đức Thắng (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết: “Trung bình mỗi ngày quán sử dụng khoảng 60kg đá viên và thường chọn mua của cơ sở lớn. Nhìn bề ngoài thấy đá sạch, còn chất lượng thế nào, có bảo đảm VSATTP hay không thì mình không thể biết được”.

Một chủ quán cà phê khác cũng vô tư cho biết: “Bây giờ có đá viên, đá cây để bán hàng là tốt rồi. Với lại, quan trọng là mình bán loại nước gì, có  bảo đảm VSATTP hay không, chứ đá thì không quan trọng. Đông cứng như thế đến người còn chết chứ nói gì đến vi khuẩn...”.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thì hàng năm, Chi cục thường tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra để kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất đá viên trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, việc chấp hành các quy định về bảo đảm VSATTP của các cơ sở còn rất hạn chế.

Tại Cơ sở sản xuất nước đá Hoàng Vũ ở xã Nam Đà (Krông Nô), qua kiểm tra, Chi cục phát hiện nhiều sai phạm như không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, không có hồ sơ công bố sản phẩm, không có phiếu xét nghiệm nguồn nước.

ADQuảng cáo

Theo người chủ thì cơ sở đang trong quá trình thay thế hệ thống cũ và lắp đặt 2 hệ thống máy sản xuất đá viên mới, không tiến hành sản xuất nên không để ý theo dõi hồ sơ. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Chi cục đã phát hiện trong kho lạnh có khoảng 100 kg đá viên, nhưng cơ sở không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số đá.

Còn tại Cơ sở sản xuất nước đá Bình Lâm (Krông Nô), vào thời điểm kiểm tra, cơ sở vẫn chưa có giấy phép kinh doanh ngành nghề sản xuất nước đá viên. Bên cạnh đó, do không tìm hiểu kỹ các quy định về sắp xếp hàng hóa thực phẩm nên cơ sở không có sự tách biệt khu vực sản xuất đá viên. Tương tự, nhiều cơ sở sản xuất đá viên trên địa bàn còn mơ hồ trong việc chấp hành các quy định về VSATTP.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, việc sản xuất đá viên vẫn chủ yếu được làm tự phát. Xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương mà các hộ kinh doanh tự lắp đặt hệ thống thiết bị rồi đưa vào sản xuất đá viên. Chỉ đến khi có sự kiểm tra của các cơ quan chức năng thì các cơ sở mới biết đến các quy định cần thiết về sản xuất mặt hàng thực phẩm này.

Trong các đợt kiểm tra, hầu hết các cơ sở đều cho rằng, nước đá của mình đã được xử lý qua hệ thống máy lọc nên bảo đảm VSATTP. Thế nhưng, chủ cơ sở không biết rằng các mẫu nước dùng để sản xuất nước đá cần phải được xét nghiệm định kỳ, bởi có nhiều mẫu nước mặc dù đã được lọc nhưng nhiều chỉ số sinh hóa của nước vẫn không bảo đảm.

Ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Trong quá trình kiểm tra, đoàn cũng kết hợp tuyên truyền cho chủ cơ sở một số quy định cần thiết đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nói chung và cơ sở sản xuất nước đá viên nói riêng. Đối với một số thủ tục cần thiết trước khi đưa vào sản xuất nước đá viên, đoàn kiểm tra cũng đề nghị chủ cơ sở liên hệ trực tiếp với Chi cục ATVSTP để được hướng dẫn.

Hiện nay, cùng với việc tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát, Chi cục đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức cho chủ cơ sở, người tiêu dùng về vấn đề bảo đảm VSATTP đối với các loại đá viên. Chi cục cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên tìm mua đá viên tại các cơ sở sản xuất đá viên sạch, đá được bảo quản, vận chuyển đúng quy trình, có địa chỉ và nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...

Theo quy định của Bộ Y tế, nguồn nước sản xuất đá phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại QCVN 01:2009/ BYT về chất lượng nước ăn uống, được xử lý qua hệ thống lọc và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím. Các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh... của hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều bằng inox, không bị gỉ sét theo thời gian.

Quy trình sản xuất nước đá khép kín hoàn toàn tự động, không có sự tiếp xúc trực tiếp với bàn tay con người. Nước đá dùng liền phải được đóng gói trong bao bì kín và ghi nhãn theo đúng quy định về nhãn hàng hóa; sản phẩm nước đá dùng liền sản xuất, kinh doanh phải được công bố hợp quy…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ mất VSATTP tại các cơ sở sản xuất đá viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO