Người lao động lại "ngược dòng phương Nam"

Thanh Hằng| 14/10/2021 09:20

Từ đầu tháng 10, người lao động tại Đắk Nông đã tính toán trở lại các tỉnh phía Nam sau thời gian dài về quê tránh dịch, với hy vọng dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn, công việc thuận lợi để sớm ổn định cuộc sống.

ADQuảng cáo

"Ngược dòng về Nam"

Sáng 11/10, anh Hoàng Văn Cường ở xã Ea Pô (Cư Jút) cùng một người bạn chạy xe máy từ Đắk Nông xuống lại Bình Dương. Khác với dòng người đang tiếp tục từ các tỉnh, thành phía Nam về quê, anh Cường và bạn lại chọn cách "ngược dòng về Nam", trở lại nơi làm việc để sớm ổn định cuộc sống của mình.

Anh Cường cho biết, tháng 7 vừa qua, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, anh rời Bình Dương để về Đắk Nông. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10, khi liên tục nhận những thông tin tích cực về dịch bệnh, anh quyết định trở lại với công việc.

“Bản thân tôi làm việc tại các công trình xây dựng, trước khi xuống, tôi đã liên hệ với công ty và được đồng ý đi làm trở lại. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương nơi tôi tạm trú còn cho biết, trong khoảng 3-5 ngày, chúng tôi sẽ được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19. Vừa có việc làm, vừa được tiêm vắc xin, tôi nghĩ thời điểm này là thích hợp để quay lại với công việc của mình”, anh Cường cho hay.

Sáng sớm 11/10, anh Cường đã đến Trung tâm Y tế huyện Cư Jút để thực hiện test nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2. Với giấy xác nhận âm tính, anh Cường có thể đi qua các chốt kiểm soát dịch để về đến nơi làm việc thuận lợi.

Tương tự, 3 ngày trước, anh Phan Văn Yên ở xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) đã quyết định trở lại Bình Dương để làm việc sau gần 3 tháng ở quê tránh dịch. Vốn là nhân viên một ngân hàng tại Bình Dương, anh Yên may mắn được đơn vị cũ tiếp nhận vào làm việc sau thời gian ngừng việc. Lý do chính để anh trở lại với công việc là dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tâm lý người lao động đã yên tâm, ổn định hơn.

Trao đổi qua điện thoại, anh Cường chia sẻ: “Hiện tại tôi đã quay trở lại làm công việc cũ. Nếu trong vài ngày tới, các ca bệnh tiếp tục giảm, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cao, tôi sẽ đưa thêm vợ và 2 con xuống. Thời gian từ nay đến cuối năm cũng không còn nhiều, hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát hoàn toàn, mọi người sẽ trở về cuộc sống bình thường trước dịch”.

Sáng 11/10, nhiều người lao động rời Đắk Nông để xuống lại nơi làm việc

Từ đầu tháng 10, trên một diễn đàn lớn dành cho người dân Đắk Nông (với số lượng tham gia hơn 23.000 người), nhiều người đã đăng tải các bài viết, hỗ trợ thông tin để người dân sớm trở lại công việc.

ADQuảng cáo

Theo chia sẻ, hiện nay chính quyền các địa phương đều tạo điều kiện tối đa để người lao động trở lại nơi làm việc. Người lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì chỉ cần kết quả test nhanh âm tính sẽ được đi qua các chốt kiểm dịch. Đặc biệt, tại tỉnh Bình Phước, người lao động sẽ được lực lượng cảnh sát giao thông bố trí xe dẫn đường, đưa đến đầu tỉnh Bình Dương.

Chị Lương Thị Xuân ở xã Nam Xuân (Krông Nô) cho rằng, từ nay đến cuối năm sẽ là quãng thời gian rất khó khăn để người lao động bắt nhịp lại với công việc như trước khi có dịch.

“Tôi dự kiến đến hết tháng 10 này sẽ xuống làm lại. Thực sự, tâm lý người lao động trước hết phải ổn định, có niềm tin thì mới tập trung đi làm được. Chỉ mong sao, công việc sẽ thuận lợi để cuối năm sắm sửa một cái Tết Nguyên đán đầy đủ”, chị Xuân nói.

Nắm nhu cầu để có phương án hỗ trợ

Theo thống kê của Sở LĐTB-XH, trong thời gian qua có khoảng gần 20.000 lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về địa phương do ảnh hưởng dịch Covid-19. Hiện nay, nhiều lao động muốn tìm kiếm một việc làm tại địa phương, một số khác quyết định sẽ quay trở lại nơi làm việc cũ sau khi dịch được kiểm soát. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở LĐTB-XH cùng các địa phương, sở, ngành liên quan chủ động rà soát, nắm thông tin, nhu cầu người lao động để có phương án hỗ trợ.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong thông tin thêm, trong thời gian qua địa phương tiếp nhận lượng lớn người lao động trở về. Trước mắt, địa phương sẽ hướng dẫn người dân làm hồ sơ để nhận hỗ trợ do ảnh hưởng từ đại dịch.

“Hiện tại, một số lao động được hỗ trợ việc làm tại quê nhà. Tuy nhiên, huyện có chủ trương là chính quyền các cấp cần tăng cường vận động, tuyên truyền người dân trở lại nơi làm việc sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đây là cách để người lao động bảo đảm đời sống, vừa thực hiện nhiệm vụ khôi phục sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng từ dịch bệnh”, ông Phương nêu quan điểm.

Trước đó, tại buổi họp bàn về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm với các đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện chỉ đạo chung trong việc khuyến khích người lao động trở lại nơi làm việc; tiến hành điều tra xã hội học, nắm bắt số liệu chính xác về nguyện vọng, nhu cầu của người lao động, nhất là lao động bị ảnh hưởng do Covid-19...

Được biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh tại các tỉnh phía Nam đang kêu gọi người lao động trở lại làm việc với những chính sách hỗ trợ, đãi ngộ hấp dẫn. Người lao động khi trở lại sản xuất sẽ được bảo đảm vị trí việc làm, mức lương. Một số đơn vị còn hỗ trợ để tiêm vắc xin phòng Covid-19 để người lao động yên tâm sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lao động lại "ngược dòng phương Nam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO