Người dân vẫn chưa "mặn mà" với dịch vụ công trực tuyến

Lương Nguyên| 16/05/2018 09:27

Thời gian qua, việc đưa Cổng dịch vụ công trực tuyến chính thức đi vào hoạt động là một nỗ lực lớn của tỉnh trong hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (từ mức độ 1 đến mức độ 4) vẫn còn nhiều hạn chế, khiến người dân trên địa bàn tỉnh chưa thực sự “mặn mà”.

ADQuảng cáo

Nhiều tiện ích

Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Việc triển khai dịch vụ này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng tại một địa chỉ truy cập duy nhất. Khi sử dụng dịch vụ này, người dân, doanh nghiệp có thể thông qua mạng internet kiểm tra, giám sát về tình trạng giải quyết hồ sơ. Hệ thống cũng cho phép các cơ quan hành chính nhà nước phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng xuyên suốt, nhất quán theo tinh thần “một cửa liên thông”.

Nhiều người dân vẫn đến Trung tâm Hành chính công tỉnh để giao dịch trực tiếp thay vì giao dịch trực tuyến

Theo qui định, dịch vụ công trực tuyến đã, đang được triển khai qua 4 mức độ.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là dịch vụ đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời hạn, phí và lệ phí thực hiện dịch vụ.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện sẽ được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

ADQuảng cáo

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Khi sử dụng dịch vụ này, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí đi lại khi làm các thủ tục hành chính liên quan.

Nhưng ít người sử dụng

Thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí là những tiện ích mà dịch vụ công trực tuyến mang lại. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn vẫn chưa mấy “mặn mà” với dịch vụ này.

Theo quy định, thủ tục đăng ký cấp lại giấy phép lái xe mô tô đã được đăng ký giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Thay vì ở nhà nộp hồ sơ trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, anh Phan Mạnh Cường, ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) vẫn đến Trung tâm Hành chính công làm thủ tục đăng ký. Anh Cường chia sẻ: “Tôi vẫn biết có dịch vụ này rồi, nhưng với tâm lý “chắc ăn” nên tôi đến trực tiếp tại đây để làm. Bởi vì, nhiều lúc sợ thực hiện thủ tục trên mạng sẽ bị thất lạc hồ sơ, khi đó liên lạc với cán bộ chuyên trách sẽ khó khăn, lại mất nhiều thời gian hơn nữa”.

Cũng như anh Cường, hiện nay, còn có rất nhiều hộ dân khác vẫn chưa “mặn mà” với dịch vụ công trực tuyến vì nhiều nguyên do khác nhau. Anh Nguyễn Văn Hưng, ở thị trấn Đức An (Đắk Song) phân trần: “Chúng tôi ngại sử dụng dịch vụ này, vì thực sự chưa quen, cũng như không thông thạo máy móc cho lắm. Tốt nhất là cứ lên tại Trung tâm giao dịch. Vì khi giao dịch trực tiếp tại đây, có khó khăn, vướng mắc gì là cán bộ trung tâm giải đáp, hướng dẫn tại chỗ luôn”.

Qua tìm hiểu, ngoài nguyên nhân người dân vẫn giữ thói quen cũ là đến trực tiếp cơ quan để giải quyết thủ tục hành chính, công tác tuyên truyền sử dụng dịch vụ chưa được sâu rộng cũng là lý do khiến số lượng người dân tham gia vào dịch vụ còn thấp. Chưa kể, trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, một số thủ tục yêu cầu đính kèm file liên quan khi nộp hồ sơ trực tuyến, nhưng việc số hóa các tài liệu liên quan của công dân, doanh nghiệp chưa sẵn sàng. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin chưa thực sự đồng bộ cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc gửi và nhận thông tin.

Qua thống kê của Trung tâm Hành chính công tỉnh, trong hơn  3 tháng triển khai Hệ thống dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2, Trung tâm tiếp nhận hơn 7.000 hồ sơ đăng ký giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, chỉ có trên 110 hồ sơ đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến thuộc một số lĩnh vực như: thông báo khuyến mại, kiểm dịch động vật... Điều đáng nói, trong số hồ sơ đăng ký trực tuyến, chỉ có 3 hồ sơ có phát sinh trực tuyến (chiếm trên 3%).

Ông Ngân Thanh Hải, Trưởng Phòng Hành chính Tổng hợp (Trung tâm Hành chính công tỉnh) cho biết: "Thời gian qua, do nguồn nhân lực của Trung tâm còn hạn chế, chủ yếu tập trung cho nhiệm vụ chuyên môn, mà chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp việc sử dụng dịch vụ. Trong thời gian tới, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tâm lý yên tâm, tránh e ngại khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông qua các kênh thông tin khác nhau. Đơn vị đã đề xuất UBND tỉnh tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ. Nhiều dịch vụ khác như rà soát, hướng dẫn sử dụng dịch vụ trực tiếp tại nhà, trụ sở làm việc, tại các điểm truy cập mạng cho người dân, doanh nghiệp sẽ được Trung tâm phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân vẫn chưa "mặn mà" với dịch vụ công trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO