Người dân thôn 1, xã Đắk R’la chung sức đưa điện về

Hoàng Hoài| 01/09/2015 10:44

Không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, người dân ở thôn 1, xã Đắk R’la (Đắk Mil) đã mạnh dạn chung sức, chung lòng đóng góp công của đưa điện về để phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

ADQuảng cáo

Câu chuyện về nguồn điện của tất cả các gia đình ở thôn 1, công đầu phải kể đến anh Lưu Văn Thoại. Khi thấy đường điện do Nhà nước đầu tư cho thôn 5 tầng đi qua gần địa bàn thôn 1, anh nảy ra ý tưởng tự lắp máy biến áp.

Nghĩ là làm, anh đến Chi nhánh Điện lực Đắk Mil hỏi về thủ tục, điều kiện để lắp máy biến áp. Trở về, anh bàn với hàng xóm và rủ vài hộ gia đình xung quanh góp tiền mua máy. Lặn lội đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm cách quản lý, sử dụng điện, có những lần bị xóm giềng thẳng thắn bác bỏ ý kiến, thậm chí bị chê gàn dở, nhưng anh Thoại vẫn kiên trì giải thích và thực hiện bằng được ý tưởng của mình. Và kết quả, hiện nay, điện đã về được với bà con thôn 1.  

Theo lời kể của bà Hoàng Thị Liễu, một người dân trong thôn thì  những năm trước, gia đình bà có trên 1ha đất, cũng vì không có điện, nên chỉ trồng độc canh cây ngắn ngày, cuộc sống vì vậy cũng không khấm khá là bao.

Hai năm trở lại đây, qua sự vận động, phân tích của anh Thoại, gia đình bà đã mạnh dạn đóng 30 triệu đồng để cùng với các hộ gia đình khác mua máy biến áp về lắp đặt. Từ đó, không chỉ có điện chiếu sáng, nấu được cơm, xem được tivi mà bà còn chuyển đổi từ trồng hoa màu qua trồng tiêu do có điện để bơm nước tưới.

ADQuảng cáo

Hay như gia đình ông Hoàng Văn Năm có trên 2ha đất trồng tiêu và cà phê. Trước đây, khi chưa có điện, mỗi lần tưới, gia đình ông phải dùng máy nổ loại công suất lớn, đường ống dài mới đẩy nước từ hồ về rẫy. Mọi chuyện thay đổi từ khi ông và các hộ dân mạnh dạn tự góp tiền lắp máy biến áp và kéo điện về tận rẫy.

Chi phí để lắp máy biến áp, đặt trụ, mua dây điện khoảng 40 triệu đồng/hộ, số tiền lớn nhưng tính ra cũng chỉ xấp xỉ tiền đầu tư mua dầu máy cho 1 mùa tưới khi chưa có điện. Có điện về tận thôn, ông đã khoan được giếng nước phục vụ tưới.

Không chỉ phục vụ sản xuất, từ ngày có điện lưới, nhiều hộ gia đình mua sắm máy móc, vật dụng hiện đại phục vụ sinh hoạt, đời sống tinh thần cũng được nâng lên rõ rệt. Hiện cả thôn có đến 9 máy biến áp và các nhóm hộ tự quản lý, bảo quản đường dây, máy móc, nộp tiền điện đúng quy định.

Anh Lưu Văn Thoại cho biết: “Qua thực tế cho thấy, để có được nguồn điện ổn định, ngoài sự giúp đỡ của ngành điện thì bà con trong vùng đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng đóng góp kinh phí xây dựng. Bản thân tôi cũng chỉ đứng ra kêu gọi, vận động, làm vai trò tư vấn, hướng dẫn, góp một phần công sức cho công việc chung mà thôi. Tôi nghĩ rằng, khi làm việc gì thì cũng phải xuất phát từ tấm lòng và tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” chắc chắn sẽ thành công”.

Thôn 1 nằm cách xa quốc lộ và trung tâm xã, giao thông đi lại khó khăn, có trên 300 hộ dân sống rải rác ở các rẫy cà phê. Nếu đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia đòi hỏi kinh phí không nhỏ và chính quyền địa phương cũng chưa biết chính xác đến bao giờ mới thực hiện được. Vì vậy, việc người dân phát huy nội lực, đưa được điện lưới về tận thôn xóm, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, mang ý nghĩa hết sức thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân thôn 1, xã Đắk R’la chung sức đưa điện về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO