Nghị lực của người đàn ông khiếm thị

Hưng Nguyên| 26/08/2015 10:45

Căn nhà gỗ của vợ chồng ông Nguyễn Duy Diệu (48 tuổi) trú tại thôn 7, xã Đắk Drô (Krông Nô) nằm khuất sau những căn nhà xây kiên cố trong thôn.

ADQuảng cáo

Khi chúng tôi đến, bà Lục Thị Sang (40 tuổi, vợ ông Diệu) vừa đi tái khám bệnh hở van tim về, còn ông Diệu đang làm ở ngoài vườn cà phê. Nghe có người hỏi, ông chậm rãi trở về nhà, bỏ những dụng cụ lao động một cách gọn gàng vào nơi cất giữ, rồi đến vòi nước rửa chân tay. Quan sát những hành động của ông, nếu không tinh mắt thì khó biết ông là người khiếm thị gần 20 năm nay.

Mặc dù bị khiếm thị, nhưng ông Diệu vẫn có thể lao động sản xuất, làm mọi việc trong nhà

Ông Diệu kể, năm 1996, trong một lần lên rừng cùng nhóm bạn, ông gặp tai nạn khi bị người đi săn bắn nhầm. Từ vụ tai nạn đó, sức khỏe ông sa sút hoàn toàn và trước mắt chỉ còn là bóng đêm.

Hai năm sau tai nạn, ông tìm cách vượt qua bất hạnh. Ông tưởng tượng tất cả những gì mình đã từng nhìn thấy khi sáng mắt, hỏi những người thân trong nhà đã có những thay đổi gì rồi từ từ lần mò, dò dẫm tập đi.

Sau những lần va đầu vào cửa, vấp phải các vật dụng trong nhà đến ứa máu, cuối cùng ông đã có thể đi lại được và biết được vị trí cất giữ các vật dụng trong nhà. Kinh nghiệm của ông là lấy cái gì ở đâu thì để lại ở đó, lần sau có thể lấy, tìm thấy được dễ dàng.

ADQuảng cáo

Nhưng bi kịch vẫn chưa buông tha gia đình ông, vài năm sau vợ ông đổ bệnh, đi bệnh viện được chẩn đoán là hở van tim, rối loạn thần kinh tim. Bác sĩ bảo bệnh này không nặng, có thể chữa lành nếu chịu khó điều trị, nhưng kinh tế gia đình khó khăn, không đủ tiền để chữa trị. Thế là, vợ chồng ông bảo nhau lúc nào đau quá thì vô viện nằm ít hôm, đỡ lại xin thuốc về, còn lo rẫy vườn, lo cho con cái đi học.

Trước hoàn cảnh khó khăn đó, năm 2012, thông qua chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”, gia đình ông được hỗ trợ 12 triệu đồng để có thêm nguồn vốn đầu tư nuôi heo, vịt. Với bản tính cần cù, chịu khó, việc chăn nuôi thuận lợi, giúp gia đình ông có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Hiện nay, khó khăn nhất của ông là làm những việc như phun thuốc, cắt chồi, làm cành cho cà phê trong vườn, phải nhờ người làm giúp. Còn hầu hết mọi việc trong nhà, ngoài rẫy, dù không thấy gì nhưng ông vẫn có thể cáng đáng một cách suôn sẻ.

Ông Diệu tâm sự: “Chưa thể thành thạo hết mọi việc nhưng phần lớn công việc tôi làm được như người bình thường, cho dù có khó khăn đôi chút”.

Hiện nay, gia đình ông Diệu đang nuôi 4 con heo thịt, 50 con vịt và chăm sóc gần 1.000 cây cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Nguồn thu nhập từ vườn tược, chăn nuôi đã giúp gia đình ông trang trải cuộc sống hàng ngày và chữa bệnh cho người vợ. Và như ông tâm sự, cho dù tật nguyền, nhưng ông không bao giờ cam chịu đầu hàng số phận mà luôn nỗ lực vươn lên, chiến thắng đói nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị lực của người đàn ông khiếm thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO