Ngành Thú y tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Trần Lê| 29/10/2014 09:18

Tháng 10, 11 hàng năm là thời điểm giao mùa, gia súc, gia cầm rất dễ mắc bệnh, do đó, ngành Thú y tỉnh đang tăng cường tiến hành các biện pháp nhằm giúp người dân duy trì và phát triển đàn.

ADQuảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, trong tháng 10, trên địa bàn thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), địa phương này đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng đối với 4 con bò của một hộ dân. Trước tình hình trên, đơn vị đã tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch không lây lan như tiêu độc khử trùng, tiêm thuốc phòng trị và yêu cầu chủ hộ không giết mổ, bán chạy gia súc. Cán bộ chuyên môn cũng tiến hành rà soát số lượng đàn gia súc trên địa bàn tiến hành tiêm vắc xin nên đến nay bệnh đã ổn định, không bùng phát thành điểm dịch.

Tuy nhiên, đây cũng cảnh báo về mối nguy cơ chung cho đàn vật nuôi, bởi thời tiết Đắk Nông đang vào giai đoạn giao mùa, gia súc rất dễ mắc bệnh bởi sức đề kháng thấp. Vì thế, ngành đang tích cực triển khai các biện pháp đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh như chuẩn bị hóa chất, nhân lực, phương tiện nhằm triển khai công tác tiêu độc, khử trùng, kiểm dịch sản phẩm các sản phẩm xuất, nhập tỉnh.

Cụ thể, các huyện, thị xã đã thực hiện phun được hơn 2.400 lít hóa chất tại các địa điểm dễ xuất hiện dịch bệnh như khu vực buôn bán, lưu trữ gia súc, gia cầm, cơ sở giết mổ, ấp nở, hộ chăn nuôi dân… Cùng với đó, trạm thú y, chính quyền các huyện cũng đã tiến hành rà soát, thống kê tổng đàn và tiến hành tiêm vắc xin đồng loạt cho đàn gia súc, gia cầm.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, công tác tiêm vắc xin gia súc vụ II/2014 đang được đẩy mạnh, tính đến ngày 23/10, toàn tỉnh đã tiêm được gần 5.800 liều vắc xin tụ huyết trùng, hơn 5.700 liều vắc xin lở mồm long móng trâu bò; gần 5.400 liều vắc xin tả và 5.200 liều tụ huyết trùng cho lợn.

Hoạt động kiểm dịch động vật tại các cửa ngõ ra vào của tỉnh giáp vơi các tỉnh bạn như Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Lắk cũng được siết chặt, nhằm đảm bảo không cho các mầm bệnh vật nuôi có thể xâm nhập, lây lan trên địa bàn Đắk Nông. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động hộ dân, cơ sở chăn nuôi, giết mổ tiến hành các biện pháp phòng dịch bằng những việc làm cụ thể.

Ông Hồ Sỹ Hồng, ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) hiện nuôi 15 con heo thịt, heo nái cho biết: “Để đàn heo phát triển ổn định, ngoài công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi, gia đình tôi luôn quan tâm đến việc vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng hai lần một tuần, hàng ngày rắc vôi bột trong chuồng, bổ sung thêm thức ăn tinh như cám, gạo, bột bắp. Nhờ đó, nhiều năm nay, gia đình tôi chưa để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ba tháng nay, giá lợn hơi và gia cầm tăng ổn định, gia đình đang tăng đàn để phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm".

Về vấn đề phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi những tháng cuối năm, ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng: “Với địa bàn rộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, mạng lưới thú y cơ sở còn mỏng bên cạnh hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tăng sẽ rất dễ lây lan dịch bệnh. Để phòng, chống dịch hiệu quả, trong thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh việc hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, mua con giống có kiểm dịch, nuôi nhốt, sử dụng các phụ phẩm, thuốc thú ý trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp - PTNT. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn và giám sát dịch bệnh đến từng hộ gia đình cũng sẽ được triển khai nhằm phát hiện nhanh, xử lý gọn. Những trường hợp vi phạm các quy định đều sẽ bị xử lý nghiêm minh, quyết tâm không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Thú y tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO