"Năm Thanh niên tình nguyện": Đã hoàn thành nhiều nội dung cơ bản

Hoàng Hoài thực hiện| 24/10/2014 09:42

Năm 2014 đã được chọn là “Năm Thanh niên tình nguyện” nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trên các lĩnh vực cũng như tạo sự chuyển biến về chất và lượng, hướng đến xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh. Để hiểu hơn về những kết quả các cấp Đoàn trong tỉnh đã đạt được trong Năm Thanh niên, phóng viên (P.V) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với chị H’Vi Ê Ban, Phó Bí thư Tỉnh đoàn xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

P.V: Năm Thanh niên tình nguyện, các cấp Đoàn trong tỉnh cơ bản đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, nội dung đã đề ra từ đầu năm. Vậy theo đánh giá thì kết quả nào là nổi bật nhất?

Chị H’Vi Ê Ban: Năm Thanh niên tình nguyện do Tỉnh đoàn phát động bao gồm 10 nội dung trọng tâm, trong đó, nhiều nội dung cơ bản đã hoàn thành đạt chỉ tiêu. Nổi bật nhất phải kể đến đó là “Chương trình Xuân biên giới và Tết hải đảo”.

Cụ thể, thông qua nhiều hoạt động huy động, kêu gọi khác nhau, toàn tỉnh đã trao tặng trên 700 suất quà; khám, cấp phát trên 500 cơ số thuốc cho người nghèo; hàng ngàn bộ quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho các đối tượng gia đình chính sách, người nghèo, dân tộc thiểu số, khuyết tật, học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Chính những hoạt động này không chỉ phát huy tinh thần đoàn kết, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên lối sống đẹp, có ích mà còn nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội.

P.V: Diễn ra trong 12 tháng với 10 nội dung, phần việc tương đối lớn, theo chị như vậy có tạo áp lực đối với tổ chức đoàn cơ sở không?

Chị H’Vi Ê Ban: Quả thực với 10 nội dung, phần việc đưa ra cũng phần nào tạo áp lực, khó khăn đối với cơ sở. Chính vì nhận thức được điều này, nên ngay từ đầu năm, Tỉnh đoàn đã chọn lựa những nội dung thích hợp nhất để cơ sở làm và dành những phần việc khó hơn cho đoàn cấp trên cơ sở. Trên cơ sở hướng dẫn chung thì mỗi cơ sở đoàn đều chủ động lựa chọn cách làm sao cho phù hợp với thực tiễn ở địa phương, nhất là huy động được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.

Hơn nữa, những nội dung công việc này trước đây Đoàn vẫn thường làm, chỉ có chăng trong năm 2014 có sự thay đổi về tên gọi mà thôi. Đối với nhiều hoạt động lớn thì Đoàn cơ sở chỉ đảm nhận về khâu con người, còn tất cả kinh phí, khâu tổ chức thì Đoàn cấp trên đảm nhận. Do đó, nói là nhiều, khó khăn, nhưng tôi nghĩ Đoàn vẫn có thể đảm đương được và thực tế đã chứng minh, tuy mới diễn ra được 2/3 chặng đường, song một số nội dung đã hoàn thành trước đích.

P.V: Xây dựng nông thôn mới cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà tuổi trẻ cần thực hiện trong năm 2014, vậy các cấp đoàn triển khai thực hiện chương trình này như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất?

ADQuảng cáo

Chị H’Vi Ê Ban: Chương trình Xây dựng nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí và thể hiện ở tất cả mọi lĩnh vực. Vì vậy, chúng tôi chỉ tập trung tuyên truyền cũng như triển khai cho Đoàn cơ sở thực hiện những tiêu chí có liên quan đến đoàn viên trước cũng như phù hợp với khả năng, sát với thực tiễn từng vùng miền, đối tượng chứ không dàn trải, cái gì cũng làm cho có. Như trong Năm Thanh niên này, các cấp Đoàn đã kêu gọi các nguồn lực để xây dựng nhà nhân ái, sửa chữa hệ thống điện sinh hoạt, nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn… tại một số xã thuộc xã điểm của tỉnh.

Điều đáng mừng, hiện nay, Tỉnh đoàn đã hoàn thành xong giai đoạn 1 để xin kinh phí của Trung ương Đoàn dự kiến khoảng 15 tỷ đồng, sang năm sau sẽ xây dựng 12 cây cầu nông thôn, giúp bà con ở các xã khó khăn thuận tiện, an toàn trong đi lại, nhất là các em học sinh đi học trong mùa mưa lũ, bên cạnh tiếp cận các nguồn vốn để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế gia đình thì các cấp Đoàn còn vận động thanh niên tích cực góp công, góp sức vào các hoạt động do địa phương tổ chức, thể hiện vai trò của tuổi trẻ trong thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới.

P.V: Được biết, vừa qua, Tỉnh đoàn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Năm Thanh niên tại các huyện, thị xã, vậy nổi lên là những khó khăn, hạn chế gì?

Chị H’Vi Ê Ban: Qua kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện tại các đơn vị thì khó khăn gặp phải là các vấn đề như: thiếu kinh phí hoạt động để tổ chức thực hiện các nội dung đã đề ra; một số địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện để Đoàn hoạt động, nếu không nói là để “tự bơi”, làm được gì thì làm, dẫn đến hoạt động yếu kém, cầm chừng. Các đội tuyên truyền theo chuyên đề như bảo vệ môi trường, pháp luật, ca khúc cách mạng…được thành lập, nhưng thiếu kinh phí hoạt động nên cũng chưa có gì nổi trội. Một người đóng nhiều vai khác nhau nên hiệu quả tuyên truyền, vận động chưa được như mong muốn.

P.V: Những tháng cuối năm và năm tiếp theo, Tỉnh đoàn đã có những kế hoạch nào để công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi đạt kết quả cao hơn?

Chị H’Vi Ê Ban: Để tổ chức Đoàn thực sự là môi trường giúp thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành thì trước tiên, Tỉnh đoàn sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, chạy đua về số lượng mà chất lượng không cao.

Thứ hai là các hoạt động, phong trào đoàn sẽ tập trung hướng về cơ sở để tạo môi trường thi đua trong mỗi tổ chức cũng như tạo điểm nhấn, dấu ấn của Đoàn. Thứ ba là xây dựng mối quan hệ rộng rãi nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài để tổ chức các hoạt động vì an sinh xã hội, vì cộng đồng như: xây dựng nhà bán trú dân nuôi, hệ thống nước sạch trong trường học, mở rộng Quỹ Tài năng trẻ…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Năm Thanh niên tình nguyện": Đã hoàn thành nhiều nội dung cơ bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO