Mềm mại thổ cẩm Cơ Tu

Bài, ảnh: Thanh Nga| 13/02/2019 10:37

Trong những ngày tham gia Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại tỉnh Đắk Nông, các nghệ nhân nữ dân tộc Cơ Tu ở thôn Đroòng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang (Quảng Nam) đã có dịp thể hiện tài năng dệt thổ cẩm, được nhiều người đến xem, cổ vũ.

ADQuảng cáo

Nghệ nhân Zơrâm Thị Hải dệt chiếc khăn dùng cho đàn ông quàng cổ, khoác trên vai

Theo các nghệ nhân, trước đây họ chủ yếu dệt váy, áo, đồ dùng để phục vụ sinh hoạt cho gia đình nhưng từ khi thành lập tổ hợp tác, sản phẩm đã trở thành hàng hóa, phục vụ du lịch của địa phương.

Nghệ nhân Zơrâm Thị Hải cho biết: “Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống của chị em Cơ Tu nói chung và thôn Đroòng nói riêng. Từ khi còn nhỏ, các trẻ em gái được các bà, các mẹ truyền nghề, nên dệt thổ cẩm rất giỏi. Như bản thân tôi, từ khi 5 tuổi đã được bà, mẹ dạy cách luồn chỉ và đến 7 tuổi thì biết dệt những đồ dùng như khăn choàng, túi để sách vở. Năm 2012, địa phương thành lập tổ hợp tác thổ cẩm để giữ gìn, phát huy những nét đẹp của làng nghề đồng bào Cơ Tu và làm du lịch cộng đồng. Hầu hết chị em tham gia tổ hợp tác đều còn trẻ tuổi, hiện có 35 thành viên”.

Thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu được dệt từ những sợi chỉ và đây chính là “bí quyết”, tạo nên nét riêng làm cho sản phẩm mềm mại, mịn màng. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng nghệ nhân Zơrâm Thị Hải đã có 30 năm theo nghề dệt thổ cẩm. Theo chị, các trang phục được làm từ thổ cẩm của người Cơ Tu khi mặc vào trông uyển chuyển, đường nét nhẹ nhàng. Đến với Lễ hội, chị dệt chiếc khăn dài 6 mét, rộng 50 cm dùng cho đàn ông quàng cổ, khoác trên vai múa điệu “tung tung da dá” thường được biểu diễn ở các lễ hội của người Cơ Tu. Hiện chiếc khăn đã được khách hàng đặt hàng với giá 1 triệu đồng.

Nghệ nhân Thị Tiếp dệt chiếc váy để làm quà tặng trong đám cưới theo phong tục của đồng bào Cơ Tu

ADQuảng cáo

Nghệ nhân Thị Tiếp cũng vui vẻ chia sẻ về sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu. Theo chị, sợi chỉ trước đây được làm từ vỏ các loại cây hoặc bông gòn se lại nhưng nay ở các chợ có bán khá nhiều. Màu chủ đạo là đen và đỏ, các màu khác dùng để làm hoa văn, trang trí cho sản phẩm đẹp mắt. Ngoài ra, chị em có thể kết thêm hạt cườm vào các sản phẩm như váy, khăn, túi xách… trông đẹp mắt hơn. Sản phẩm thổ cẩm như váy, áo, túi xách, chăn, gối… vẫn được bà con Cơ Tu sử dụng hàng ngày. Vào dịp lễ, tết, bà con thường diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để đi chơi. Vì thế, sản phẩm thổ cẩm của tổ hợp tác sản xuất bán ra thị trường khá nhiều.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều địa điểm du lịch nên tổ hợp tác có những sản phẩm cách điệu, cách tân phục vụ du khách mua làm kỷ niệm khi đến Quảng Nam. Các sản phẩm được các công ty du lịch đặt hàng như túi xách, ví, quần áo trẻ em, khăn trải bàn, khăn quàng cổ, mũ, đồ chơi... Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm có điều kiện phát triển và tổ hợp tác luôn tìm tòi, tạo ra hoa văn, mẫu mã mới để phù hợp với thị hiếu của thị trường, du khách.

Đoàn nghệ nhân đồng bào Cơ Tu của tỉnh Quảng Nam múa điệu "tung tung da dá"  tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I

Nghệ nhân Thị Thu cũng tâm sự: “Lớn lên, mình lấy chồng sang thôn Đroòng có nghề dệt và được các bà, các chị truyền dạy. Mình rất vui bởi ước mơ từ nhỏ đã trở thành hiện thực. Ban đầu, mình thường dệt áo, váy để tặng các con khi chúng lập gia đình hoặc tặng bạn bè. Vào tổ hợp tác rất vui vì vừa thỏa niềm đam mê vừa có lợi ích kinh tế cho gia đình. Mỗi tháng, nếu siêng làm thì thu nhập từ dệt thổ cẩm cũng được khoảng vài triệu đồng, có thể trang trải cuộc sống”.

Theo các nghệ nhân, từ việc thành lập tổ hợp tác đã giúp bà con Cơ Tu ở Quảng Nam giữ gìn, phát huy được nghề dệt thổ cẩm, thích ứng với thị trường, ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mềm mại thổ cẩm Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO