Khởi sắc xã biên giới Thuận Hạnh

Phan Tuấn - Đức Hùng| 25/09/2019 10:23

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân xã Thuận Hạnh (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đã trải qua 30 năm lập nghiệp, biến vùng đất biên giới hoang vu, hẻo lánh trở thành một vùng giàu đẹp.

ADQuảng cáo

Đời sống của người dân được nâng cao

Năm 1986, thực hiện chủ trương xây dựng kinh tế mới, 615 hộ (với 2.891 nhân khẩu) ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đã đến huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Lắk cũ để sinh sống, lập nghiệp. Đến năm 1989 vùng đất mà những hộ gia đình đi làm kinh tế mới đã được thành lập xã Thuận Hạnh và nay thuộc huyện Đắk Song.

Những năm đầu khi đến lập nghiệp ở vùng kinh tế mới, người dân xã Thuận Hạnh gặp phải muôn vàn khó khăn. Cùng với việc dịch bệnh, không ít người dân trong lúc khai hoang đã phải đổ máu và nước mắt bởi bom đạn của chiến tranh còn sót lại. Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, người dân xã Thuận Hạnh đã từng bước biến vùng đất biên giới hoang vu, hẻo lánh ngày nào càng trở nên giàu đẹp, văn minh.

Người dân xã Thuận Hạnh chăm sóc phát triển cây hồ tiêu

Hộ gia đình anh Nguyễn Đức Tài, 35 tuổi, ở thôn thuận Hòa, đã tạo dựng cho mình cơ ngơi vững vàng, có tiền tỷ trong tay.

Anh Tài nhớ lại: “Năm 1986, lúc đó tôi mới 2 tuổi thì bố mẹ đã đưa tôi vào sinh sống ở vùng đất kinh tế mới xã Thuận Hạnh hôm nay. Sự phát triển, đổi thay của vùng đất này bản thân tôi hiểu và nhớ rất rõ. Ngày trước, khi mới vào, gia đình tôi chưa quen vùng đất mới, các thành viên trong gia đình đau ốm liên miên, thường xuyên thiếu cái ăn, cái mặc. Đặc biệt, xung quanh xóm giềng dịch sốt rét đã cướp đi tính mạng của nhiều người. Khó khăn thiếu thốn đủ bề, nhưng gia đình tôi nhận thấy đất đai ở đây vừa rộng, vừa màu mỡ nên quyết tâm bám trụ làm ăn. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, hiện nay, các thành viên trong gia đình đều xây dựng được nhà cửa khang trang, trở thành hộ khá giàu ở địa phương. Hiện nay, gia đình tôi đang phát triển được 3 ha cà phê xen canh hồ tiêu, sầu riêng, bơ... Trừ chi phí, mỗi năm gia đình có nguồn thu nhập trên 600 triệu đồng".

Với 3 ha cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... gia đình anh Nguyễn Đức Tài đã xây dựng được cơ ngơi tiền tỷ

Theo thống kê, đến nay, toàn xã Thuận Hạnh có 2.735 hộ, với 9.651 nhân khẩu. Năm 1989, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm trên 85% thì đến năm 2018 giảm xuống còn 4,9%. Để có được kết quả trên, Đảng ủy, UBND xã Thuận Hạnh đã giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng thế mạnh từng địa phương, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ...

Đến nay, người dân xã Thuận Hạnh đã phát triển được 1.877 ha cà phê, 2.636 ha hồ tiêu, 1.400 ha cây trồng ngắn ngày... Năm 2018, sản lượng cà phê nhân toàn xã đạt 4.670 tấn, tiêu hạt đạt 5.993 tấn, cây ăn quả đạt 4.000 tấn... Điều đáng phấn khởi nhất là 100%  người dân trong độ tuổi lao động ở xã Thuận Hạnh đều có việc làm ổn định, khoảng 20% số hộ gia đình có thu nhập trên 1 tỷ đồng/hộ/năm. Đặc biệt, toàn xã hiện có gần 200 xe ô tô cá nhân với trị giá mỗi chiếc từ hàng trăm triệu đồng trở lên...

ADQuảng cáo

Cùng với phát triển nông nghiệp, thương mại - dịch vụ cũng là thế mạnh của xã Thuận Hạnh

Kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp

Về xã Thuận Hạnh hôm nay, một điều rất dễ nhận thấy là hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng về tận thôn, xóm, bộ mặt nông thôn đã đổi thay tích cực, bà con phấn khởi sản xuất, làm ăn... Những khu vực biên giới như: thôn Thuận Nam, Thuận Thành, Thuận Bắc... trước kia là vùng sâu, vùng xa, nay đã phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ, nhộn nhịp như phố thị. Các tuyến đường chạy dọc biên giới, liên xã, liên thôn được đầu tư xây dựng, kết nối liên thông với nhiều địa phương.

Theo thống kê của UBND xã Thuận Hạnh, trải qua 30 năm thành lập, bên cạnh sự nỗ lực, tự thân vận động, địa phương còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Đảng và Nhà nước. Theo thống kê, từ khi thành lập đến nay, xã Thuận Hạnh đã được đầu tư trên 300 tỷ đồng để phát triển cơ sở vật chất. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là trên 200 tỷ đồng; nguồn vốn hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đóng góp của Nhân dân là trên 100  tỷ đồng.

Với nguồn lực trên, từ một vùng đất hoang sơ, đến nay, toàn xã Thuận Hạnh đã phát triển được 40 km đường nhựa, 40 km đường bê tông trục thôn, 19 km đường cấp phối, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, sản xuất của Nhân dân. Các trường học trên địa bàn xã đều được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu dạy và học cho con em trên địa bàn. Trạm y tế được xây dựng khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Các tuyến đường ở xã Thuận Hạnh đã được lắp bóng đèn chiếu sáng, làm khang trang thêm vùng quê biên giới

Ngoài ra, toàn xã Thuận Hạnh còn được Nhà nước đầu tư xây dựng 75 km đường điện trung và hạ thế. Đặc biệt, toàn xã đã được đầu tư xây dựng 4 hồ thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, phục vụ phát triển sản xuất của người dân... Khi đời sống được nâng cao, người dân xã Thuận Hạnh không trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của Nhà nước mà đã chung tay xây dựng "quê hương thứ hai" của mình trở thành vùng quê đáng sống.

Toàn xã đã đóng góp xây dựng được hơn 80 km hệ thống đèn chiếu sáng tại các trục đường trên địa bàn. Đêm đến, các tuyến đường ở xã Thuận Hạnh sáng rực ánh đèn điện như đô thị, diện mạo quê hương cũng vì thế mà dần đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được rút ngắn.

Theo bà Đoàn Thị Tốt, Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh, lúc mới thành lập, địa phương có xuất phát điểm thấp, hầu hết là hộ nghèo đi xây dựng kinh tế mới. Với ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt lên đói nghèo, hàng trăm hộ dân kinh tế mới đã biến vùng đất biên giới Thuận Hạnh hoang vu, hẻo lánh trở thành địa phương có nền kinh tế - xã hội phát triển mạnh, ổn định. Sau 30 năm đến với vùng đất mới, các thế hệ con em khác đã ra đời, nhưng đều có chung một ý tưởng với các bậc đi trước là xây dựng "quê hương thứ hai" của mình trở thành một miền quê văn minh, hiện đại, đáng sống. Hiện nay, xã Thuận Hạnh đã hoàn thành được 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và dự kiến sẽ hoàn thành hai chỉ tiêu còn lại trong năm 2019 này. “Kết quả hôm nay thể hiện sự đoàn kết trong Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn”, bà Tốt phấn khởi cho biết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc xã biên giới Thuận Hạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO