Khởi động xây dựng Đề án phòng chống bạo lực trên cơ sở giới

Nguồn TTXVN| 16/12/2014 08:44

Ngày 15/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn, khởi động xây dựng Đề án phòng chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020.

ADQuảng cáo

Các đại biểu nhận định bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái là một vấn đề mang tính toàn cầu, xảy ra ở mọi xã hội, trong đó có Việt Nam. Các hình thức bạo lực phổ biến gồm bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, mua bán người...

Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình cho thấy 58% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 60 đã từng kết hôn từng bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần. Mặc dù vậy, 50% nạn nhân là nữ giới chưa từng tiết lộ cho ai biết mình bị bạo hành; 87% nạn nhân chưa bao giờ viện đến sự trợ giúp của chính quyền hoặc các dịch vụ trợ giúp chính thức. Phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình mà còn có nguy cơ bị mua bán, lạm dụng, xâm hại tình dục ở các môi trường khác ngoài gia đình.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2012 đến quý 1/2013 đã có 550 vụ mua bán người được phát hiện với 1.080 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.

Nguyên nhân của bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ bất bình đẳng giới và vai trò lấn át của nam giới. Phụ nữ thường xuyên phải chịu những tổn thương về tình cảm, tinh thần, thể chất. Mặc dù trên cơ sở pháp lý phụ nữ được bảo vệ, nhưng trên thực tế vị thế của phụ nữ luôn thấp hơn nam giới do những mong đợi về giới còn phổ biến. Những nhân tố trên đã góp phần tạo nên một thực trạng là sự thống trị của nam giới và bạo lực đối với phụ nữ dường như là điều không thể tránh khỏi.

Phụ nữ tìm hiểu kỹ năng sống qua các sản phẩm truyền thông. Ảnh minh họa. (Nguồn: Dương Ngọc/TTXVN)

ADQuảng cáo

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều bước tiến trong xây dựng khung pháp lý và chính sách phòng chống bạo lực, bảo vệ nạn nhân; trừng phạt các hành vi bạo lực. Nhiều chiến lược, chương trình, chính sách can thiệp, mô hình được triển khai, nhưng vẫn còn tồn tại khoảng trống về cơ chế, chính sách, chương trình biện pháp can thiệp trong thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, vấn đề cần thiết hiện nay là phải xây dựng một chương trình tổng thể về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó làm rõ trách nhiệm giải trình, kết nối chặt chẽ với các bên liên quan nhằm xây dựng, triển khai các biện pháp can thiệp một cách tổng thể, đồng bộ, kịp thời.

Căn cứ vào bối cảnh thực tế tại Việt Nam và các khuyến nghị gần đây của Liên hợp quốc về việc xác định các nội dung ưu tiên cho công tác thúc đẩy bình đẳng giới, cụ thể như đề cập trong Kết luận của Phiên họp số 57-58, Ủy ban địa vị của phụ nữ Liên hợp quốc.

Đề án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2015. Kết quả của việc triển khai xây dựng Đề án sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới; đồng thời giúp Việt Nam hoàn thành cam kết đối với các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, CEDAW của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.

Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA tại Việt Nam Arthur Erken nhấn mạnh việc có một tầm nhìn xa về vấn đề bạo lực dựa trên cơ sở giới, bao gồm cả bạo lực gia đình là hết sức cần thiết để giải quyết bạo lực trên cơ sở giới ở mọi hình thức. Liên hợp quốc đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ của các đối tác phát triển trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Liên hợp quốc tiếp tục ưu tiên các nỗ lực để giải quyết vấn đề này trong những năm tới.

Tập trung thảo luận các biện pháp nhằm phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới có hiệu quả, các đại biểu cho rằng Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức; tiếp tục rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao nhận thức, xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi động xây dựng Đề án phòng chống bạo lực trên cơ sở giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO