Huy động mọi nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Hoàng Bảo thực hiện| 10/08/2022 08:43

Nhân Kỷ niệm 61 năm Thảm họa da cam tại Việt Nam (10/8/1961-10/8/2022), phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Viết Vân, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh về các hoạt động liên quan đến công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam (CĐDC).

ADQuảng cáo

PV: Thưa ông, thời gian qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC đã được các cấp hội triển khai, thực hiện như thế nào?

Ông Vũ Viết Vân: Trong những đối tượng khó khăn của xã hội thì nạn nhân CĐDC là người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Việc chăm sóc và giúp đỡ các nạn nhân là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, nhất là tổ chức hội. Vì vậy, các cấp hội luôn xác định, giúp đỡ nạn nhân là ưu tiên hàng đầu và thực hiện thường xuyên, liên tục.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các cấp hội cũng đã kêu gọi, vận động được trên 2,721 tỷ đồng chi cho việc thăm hỏi tặng quà cho 1.400 nạn nhân; làm 3 căn nhà tình nghĩa cho 3 nạn nhân ở huyện Đắk R’lấp, mỗi căn trị giá 180 triệu đồng... Tỉnh hội còn hỗ trợ cho 13 nạn nhân cao tuổi bị ốm nặng, mỗi người 3 triệu đồng; cấp 4 xe lăn cho 4 nạn nhân khó khăn về vận động…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tiếp tục duy trì các hoạt động hỗ trợ cho các nạn nhân, con em nạn nhân trong học tập, lao động sản xuất…

Mặc dù việc giúp đỡ của hội thời gian qua chưa thực sự nhiều, song đã phần nào giúp cho các gia đình nạn nhân có thêm niềm tin, động lực vào cuộc sống, bớt đi mặc cảm, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Đồ họa: Hoàng Hoài

PV: Hiện nay, công tác chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC gặp những khó khăn như thế nào, thưa ông?

ADQuảng cáo

Ông Vũ Viết Vân: Đắk Nông hiện có trên 1.200 nạn nhân CĐDC đã được giám định, đang hưởng chế độ hàng tháng và hơn 3.000 người phơi nhiễm chưa được giám định. Hầu hết nạn nhân CĐDC đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, thường xuyên bệnh tật, khó khăn về nhà ở. Trong khi đó, nguồn lực của hội ít nên chủ yếu thông qua kêu gọi, hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Không những vậy, hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác hội còn mỏng. Cán bộ hội ở cấp huyện và cơ sở không được hưởng phụ cấp như những tổ chức khác nên phần nào ảnh hưởng đến công tác kêu gọi, vận động. Mặc dù đã hướng đến tính bền vững, lâu dài nhưng việc hỗ trợ, giúp đỡ chưa được nhiều. Một phần do thiếu nguồn vốn hỗ trợ, phần do các nạn nhân thường xuyên ốm đau nên sử dụng, khai thác nguồn vốn, nguồn hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả…

PV: Vậy thời gian tới, công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân CĐDC sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Viết Vân: Với trách nhiệm của mình, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay, góp sức để chia sẻ với nạn nhân CĐDC với phương châm “Hướng về cơ sở, tất cả vì Nạn nhân da cam”.

Trong đó, hiện nay, Tỉnh hội đang vận động các nhà hảo tâm, cá nhân, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp… cùng đóng góp, ủng hộ để xây dựng một cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân CĐDC/dioxin, trẻ em mồ côi, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đây cũng là mong ước của nhiều gia đình nạn nhân. Bởi nhiều gia đình ba, bốn thế hệ đều là nạn nhân, nên khả năng chăm sóc các con, cháu không được đầy đủ.

Hội cũng cố gắng huy động mọi nguồn lực để giai đoạn 2021-2026, bảo đảm 100% nạn nhân có khó khăn về nhà ở được sửa chữa và làm mới;  không có nạn nhân đói, rét và các nạn nhân có điều kiện được hỗ trợ khám chữa bệnh, học nghề, việc làm, sản xuất một cách phù hợp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động mọi nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO