Hai vợ chồng thương binh “ba cùng”

Hoàng Hoài| 17/01/2017 14:22

Ở thôn 3, xã Quảng Tín (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), nhiều người thường gọi vợ chồng thương binh Nguyễn Xuân Tịnh - Trần Thị Xuân Viên là vợ chồng “ba cùng” (cùng là thương binh, cùng vượt khó vươn lên trong cuộc sống và cùng làm công tác hội).

ADQuảng cáo

Gia đình vợ chồng thương binh Trần Thị Xuân Viên - Nguyễn Xuân Tịnh (bên trái) luôn là tấm gương sáng cho người dân noi theo

Năm 1972, khi cả nước đang sục sôi đánh Mỹ, cũng như nhiều bạn trẻ trong làng, hai người đã tham gia thanh niên xung phong. Năm đó, cô gái Xuân Viên được cử đi học y tá rồi về công tác tại Ban giao vận tỉnh Quảng Ngãi. Thời chiến, thuốc men thiếu thốn, băng gạc có hạn, trong khi các chiến sĩ bị thương nhiều, sau mỗi lần thay băng cho người bị thương, Xuân Viên lại gom giặt, luộc khử trùng rồi dùng tiếp.

Bao nhiêu năm trôi qua, bà Viên vẫn nhớ như in trong một lần đi tiếp nhận thương binh, cảnh tượng một chiến sĩ cánh tay bị bom hất văng ra một nơi, người thì một nẻo, máu bắn vào cả miệng bà, đến nỗi bây giờ nhớ lại vẫn chưa hết bàng hoàng. Khi người bị thương đau đớn, la hét, chửi bới, bà vừa xoa tay chân, vừa hát cho họ nghe để dịu cơn đau. Từ đó, tiếng hát của cô y tá Xuân Viên trở thành liều thuốc giảm đau đối với nhiều thương binh.

Còn ông Tịnh, năm 1972 đã là nhân viên kỹ thuật làm nhiệm vụ mở đường thuộc Ban giao vận tỉnh Quảng Ngãi. Trong một lần làm nhiệm vụ ở huyện Ba Tơ, ông bị thương ở đầu và chân với tỷ lệ mất sức 41% (thương binh hạng 3/4). Không biết là “duyên hay nợ”, cũng năm đó, bà Viên cũng bị thương trong khi làm nhiệm vụ (thương binh hạng 4/4).

Ông Tịnh cho biết: “Chúng tôi cùng làm trong một cơ quan, nhưng gặp gỡ không nhiều. Thời chiến, nhiệm vụ nào cũng gian khổ, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh, nên không ai nghĩ đến tương lai sẽ ra sao. Vậy mà, khi chúng tôi gặp rồi quen nhau, tình yêu đôi lứa trỗi dậy, giấc mơ về tổ ấm gia đình trở thành động lực để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục góp phần giải phóng quê hương”.

Năm 1975, hai người cưới nhau trong niềm hân hoan, chúc phúc của đồng đội. Chiến tranh kết thúc, ông bà tiếp tục ở lại Ban giao vận làm việc cho đến năm 1982, ông Tịnh nghỉ và hai năm sau bà Viên cũng nghỉ.

Sau khi nghỉ việc tại Ban giao vận, hai ông bà về quê làm kinh tế, đất ít, con đông, làm lụng cật lực mà cuộc sống vẫn không khấm khá lên được.

Năm 1993, cả gia đình lại dắt díu nhau vào TP. Hồ Chí Minh với giấc mơ thay đổi cuộc sống. Ở đây, bà làm nghề mua ve chai, bán sữa đậu nành; còn ông thì chạy xích lô, các con ngoài học còn bán vé số phụ giúp bố mẹ. Cần cù, chăm chỉ là vậy, nhưng cuộc sống nơi thành phố đắt đỏ, làm bao nhiêu cũng không đủ để trả tiền thuê nhà, chi phí cho con học hành.

ADQuảng cáo

Năm 1996, ông bà đưa ra quyết định cuối cùng là lên Đắk Nông làm kinh tế mới. Lúc đầu được cấp 7 sào đất, ông bà trồng rau, nuôi heo rồi làm thuê, cuốc mướn thêm để lấy ngắn nuôi dài. Vài năm sau, cuộc sống khá hơn chút đỉnh, có tích lũy, gia đình mua thêm hơn 2 ha rẫy để trồng cà phê. Dần dần, qua học hỏi thực tế, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cuộc sống gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Đến năm 2003, gia đình ông bà chuyển ra thôn 3 sinh sống, mua đất mặt đường để mở tiệm tạp hóa buôn bán. Bà Viên cho biết: “Bây giờ, hai vợ chồng tôi cũng già, vừa thương tật do chiến tranh vừa nhiễm chất độc da cam, nên sức khỏe không bảo đảm, chưa kể những lúc vết thương tái phát. Vì vậy, chúng tôi chuyển sang buôn bán tạp hóa, có mảnh đất vườn nhỏ thì lại chăn nuôi gà, heo, trồng rau trái…”.

Điều đáng nói, gia đình có 5 đứa con, dù thời nhỏ, cuộc sống khó, nhưng ông bà vẫn cố gắng nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện nay, các người con đều đã tốt nghiệp cao học, đại học, trung cấp và có công việc ổn định.

Buôn bán mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình hai vợ chồng thương binh

Để tìm niềm vui trong cuộc sống, ngoài thời gian lao động, ông bà còn tích cực tham gia công tác xã hội ở thôn. Bà Viên tham gia công tác phụ nữ, cộng tác viên y tế, dân số. Trong công tác dân số, bà thường xuyên cập nhật danh sách trẻ sinh ra, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở thôn để thuận tiện cho việc tuyên truyền, vận động. Cuốn sổ của bà về hoạt động y tế, dân số được ghi rõ ràng, rành mạch và có số điện thoại liên hệ. Gặp nhiều đến nỗi, bây giờ chỉ cần nói đặc điểm người nào đó trong thôn là bà biết ngay là ai, tên tuổi thế nào. Khi bệnh viện thông báo thôn có người bị sốt xuất huyết, bà nhanh chóng tìm thấy thông tin cá nhân, số điện thoại để phối hợp cán bộ y tế xuống tận gia đình kiểm tra, tuyên truyền dập dịch.

Đối với ông Tịnh thì tìm niềm vui trong hoạt động cựu chiến binh. Với vai trò là Chi hội trưởng cựu chiến binh thôn, ông Tịnh thường xuyên tuyên tuyền hội viên phát huy tinh thần gương mẫu để tô thắm thêm truyền thống người lính. Chi hội có 12 hội viên thì tất cả đều khá giả, ổn định, không có hội viên nghèo. Hầu hết, cựu chiến binh trong thôn đều gương mẫu, đoàn kết, giúp nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Ông Tịnh cho biết: “Trong mọi phong trào, hoạt động của thôn, chúng tôi luôn phát huy tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”, dám nghĩ, dám làm, tiên phong gương mẫu để bà con làm theo. Hơn nữa, qua tham gia hoạt động đoàn thể, cùng sinh hoạt, chúng tôi còn có tình đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó, thủy chung”.

Bà Viên từng được vinh danh là Phụ nữ tiêu biểu xuất sắc toàn quốc. Cả hai ông bà còn được tuyên dương là cựu chiến binh gương mẫu, thương binh làm kinh tế giỏi; 10 năm liên tục được công nhận gia đình văn hóa…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai vợ chồng thương binh “ba cùng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO