Giảm nghèo nhưng chưa thật sự bền vững

Ngọc Dũng| 13/08/2020 06:28

Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, bằng việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Kết thúc giai đoạn triển khai chương trình, mặc dù tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn những bất cập, hạn chế.

ADQuảng cáo

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững bao gồm các dự án, chính sách giảm nghèo: Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư hạ tầng xã hội biên giới, xã đặc biệt khó khăn; thôn bon buôn đặc biệt khó khăn và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; Chương trình 30a đầu tư hạ tầng nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án hỗ trợ thông tin và truyền thông…

Kỳ 1: Nhiều chính sách giảm nghèo ý nghĩa

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020 đã góp phần tác động đến mọi mặt đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ triển khai đồng bộ chính sách của Trung ương và đặc thù của tỉnh nên những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo từng bước giảm đáng đáng kể.

Từ chính chính sách đặc thù của tỉnh, nhiều học sinh dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ sách, vở, đồ dùng học tập, hạn chế số lượng học sinh bỏ học hàng năm

Từ nguồn lực đầu tư của Trung ương

Theo báo cáo giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là 682.278 triệu đồng. Trong đó, nguồn kinh phí ngân sách Trung ương bố trí 484.817 triệu đồng; nguồn kinh phí ngân sách tỉnh bố trí thực hiện chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh 193.761 triệu đồng; nguồn kinh phí huy động đóng góp 3.700 triệu đồng; nguồn vay vốn tín dụng 2.793.000 triệu đồng.

Tính đến ngày 31/1/2020, kết quả giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, nguồn vốn sự nghiệp từ năm 2016-2018 giải ngân đạt 100% so với kế hoạch vốn. Năm 2019, tổng nguồn vốn 33.384 triệu đồng, đã giải ngân 31.808 triệu đồng, đạt 95% kế hoạch vốn.

Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển từ năm 2016-2018, tỷ lệ giải ngân đạt 100% so với kế hoạch vốn. Năm 2019, tổng nguồn vốn là 141.991 triệu đồng, đã giải ngân 98.139 triệu đồng, đạt 69,1% kế hoạch vốn, chuyển nhiệm vụ chi sang năm 2020 là 43.853 triệu đồng, tỷ lệ 30,9%.
Tuy Đức và Đắk Glong là hai huyện nghèo của tỉnh được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng để thoát nghèo trong giai đoạn 2018 - 2020 theo quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Theo đó, giai đoạn 2019-2020, hai huyện được đầu tư với tổng nguồn vốn 18.030 triệu đồng.

Nhờ đó, về hạ tầng, hai huyện được đầu tư xây dựng 39 công trình gồm 21 công trình giao thông, 2 công trình thủy lợi, 14 công trình trường học và 2 công trình nhà văn hóa cộng đồng. Hai huyện cũng được hỗ trợ xây dựng 6 dự án sinh kế; trong đó huyện Đắk Glong có 1.372 hộ dân được hưởng lợi và Tuy Đức có 5.152 hộ được hưởng lợi.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, các hộ nghèo còn được hỗ trợ vật tư, máy móc, phân bón, cây giống, tuyển sinh và đào tạo nghề, hướng nghiệp như: kỹ thuật chăn nuôi - thú y, kỹ thuật trồng trọt - bảo vệ thực vật, dệt thổ cẩm, sửa máy nông nghiệp... Từ Chương trình 30a, trong giai đoạn 2018 - 2020, huyện Đắk Glong thực hiện được 7 mô hình giảm nghèo cho 138 hộ nghèo, cận nghèo tham gia, với kinh phí hỗ trợ trên 2,6 tỷ đồng. Huyện Tuy Đức thực hiện được 24 mô hình trên địa bàn 6 xã với 291 hộ nghèo tham gia với kinh phí hỗ trợ trên 22 tỷ đồng.

Đến chính sách đặc thù của tỉnh

Ngoài các chính sách từ Trung ương, tỉnh cũng quan tâm ban hành nhiều chính sách đặc thù, hướng đến thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo. Cụ thể như Nghị quyết số 56 ngày 22/12/2016 của HĐND tỉnh về hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Theo đó, 4.233 lượt hộ được hỗ trợ lãi suất với dư nợ trên 109 tỷ đồng, số lãi được hỗ trợ là trên 10 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 551 lượt hộ được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với dư nợ trên 3,2 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ là trên 148 triệu đồng. 3.288 lượt hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất với dư nợ trên 96 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ trên 3,1 tỷ đồng.

Nghị quyết số 31 của HĐND tỉnh về hỗ trợ kinh phí học tập và cấp sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng đã góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Theo thống kê, qua 3 năm học từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2018-2019, toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 66 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đạt mục tiêu đề ra

Theo đánh giá, nhờ thực hiện các chính sách hỗ trợ từ Trung ương và đặc thù của tỉnh, các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ dân tộc thiểu số đã có cơ hội vươn lên, từng bước thoát nghèo. Bộ mặt nông thôn, hạ tầng, đời sống xã hội từng bước được nâng lên rõ rệt.

Theo nghị quyết HĐND tỉnh giao, tỉnh phấn đấu hàng năm giảm 2% hộ nghèo trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% so với năm trước. Qua thống kê, các chỉ tiêu này của tỉnh đã đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao.

Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 19,26%, đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 10,5%, nghĩa là giảm được 8,76%. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số từ 40,38% năm 2016 đến năm 2019 giảm xuống còn 24,15%. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ từ 54,4% năm 2016 đến năm 2019 giảm xuống còn 31,59%. 

>>Kỳ 2: Phải khắc phục nhanh những hạn chế, bất cập

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo nhưng chưa thật sự bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO