Gắn bó với nghề may áo dài bằng đam mê, sáng tạo

Thanh Nga| 02/12/2019 11:26

Áo dài là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, nên luôn khơi gợi cho những thợ may có đam mê thêm nhiều sáng tạo. Nhiều thợ may áo dài không chỉ xem đây là nghề để kiếm sống mà còn góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp tà áo dài của dân tộc.

ADQuảng cáo

Đến với nghề vì tình yêu với áo dài

Chị Đỗ Ánh Hồng, chủ hiệu may áo dài Ánh Hồng ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) gắn bó với nghề từ lúc mới 19 tuổi và đến nay đã mở tiệm hơn 15 năm.

Chị Hồng chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp THPT, vì biết được năng lực của con và khả năng kinh tế của gia đình nên mẹ tôi đã định hướng cho tôi theo học nghề may. Hồi đó, tôi có 2 sự lựa chọn là học may com-lê và áo dài. Vì áo dài là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt và tôi rất thích áo dài nên đã chọn học may áo dài”. 

Chị Đỗ Ánh Hồng (bên phải) tư vấn cho khách hàng chọn vải may áo dài

Tình yêu và “thủy chung” với nghề nên chị luôn học hỏi, tìm hiểu các mẫu mới và sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Vì vậy, hiệu may của chị Hồng ở đường Lê Thánh Tông tuy nhỏ nhưng luôn đông khách.

Trong thời gian qua, chị Hồng đã dạy nghề cho nhiều học viên và nhiều người có tay nghề cao đã ở lại tiệm làm việc.

Theo chị Hồng, để may chiếc áo dài đẹp thì quan trọng là khâu chọn chất liệu, màu sắc vải phù hợp vóc dáng từng khách hàng. Người thợ phải đo các số đo vừa vặn, cắt vải thật khéo. Đặc biệt, đường chỉ may áo dài phải đều đặn, thật “mướt” thì khi mặc mới tôn dáng vẻ dịu dàng, đằm thắm và hài hòa của người phụ nữ.

ADQuảng cáo

Sống được với nghề

Theo chị Hồng, chi phí để mở hiệu may không quá lớn, chủ yếu đầu tư vào việc mua các mẫu vải để khách hàng dễ dàng chọn lựa, nhưng để tiệm may phát triển chính là chất lượng, tạo được uy tín. Khách hàng tại hiệu may của chị Hồng rất đa dạng, từ cán bộ, công chức, nhân viên công sở, giáo viên cho tới các bà, các mẹ, các chị làm nông, buôn bán…

Ngoài những mẫu áo dài truyền thống thì tiệm may của chị Hồng còn có sự cách tân cho phù hợp với xu hướng chung của thị hiếu chị em hiện nay. Để thu hút nhiều khách hàng, chị nghiên cứu, cập nhật nhanh các kiểu dáng, họa tiết áo dài đang thịnh hành và đặt phụ kiện đi kèm như thêu áo, kết cườm, kết hợp với thổ cẩm… theo yêu cầu của khách.

Không chỉ có thu nhập cao, chị Đỗ Ánh Hồng (bên phải) còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các chị em 

Nhờ kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cùng uy tín, nên hiệu may của chị Hồng luôn thu hút được nhiều khách hàng, với thu nhập khá sau khi trừ chi phí. Chị Hồng khẳng định: Với nghề may áo dài nếu có duyên, đam mê nghề là sống được với nghề. Không chỉ tạo việc làm cho bản thân, chị đang cộng tác với 6 thợ may chuyên nghiệp với thu nhập làm thêm từ 3- 5 triệu đồng/tháng.

Chị Vi Thị Phượng chia sẻ thêm: Công việc ở hiệu may rất đều, mỗi ngày tôi may ráp được khoảng 2-3 bộ áo dài tùy vào kiểu dáng, nên thu nhập  khá ổn định.

Với sức hấp dẫn đặc biệt, chiếc áo dài truyền thống vẫn luôn được chị em ưa chuộng. Ngày nay, áo dài được chị em mặc trong các dịp lễ, tết và các sự kiện như cưới hỏi, tiệc tùng, cùng với các thời trang hiện đại như váy… Đó chính là “mảnh đất” không chỉ giúp nhiều thợ may sống được với nghề may mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn bó với nghề may áo dài bằng đam mê, sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO