Đuối nước trẻ em, trách nhiệm người lớn

Thanh Nga| 26/06/2019 09:25

Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tại Việt Nam hiện nay bình quân cứ mỗi ngày trôi qua có khoảng 10 trẻ em bị chết đuối. Đắk Nông là 1 trong 10 tỉnh có số trẻ em chết đuối cao nhất cả nước. Thực tế này đã và đang đặt ra cho các gia đình, nhà trường, xã hội cần phải quan tâm, có những giải pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong môi trường nước, góp phần phòng, chống đuối nước.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Đau lòng tai nạn đuối nước ở trẻ em

Năm nào tỉnh cũng phát động, kêu gọi toàn xã hội chung tay, góp sức chăm sóc, bảo vệ trẻ em, dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất. Thế nhưng, một điều đáng buồn, không kể đến các thương tích, tai nạn khác, tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước vẫn còn diễn ra hết sức đau lòng, nhức nhối.

Hồ Trung tâm ở thị xã Gia Nghĩa đã từng xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước thương tâm

Nhiều vụ đuối nước thương tâm

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ đuối nước làm 11 trẻ em tử vong, 4 em được cứu sống. Cụ thể, đầu tháng 4 vừa qua, cháu P.N.Đ (SN 2009) ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) bị đuối nước ngay tại ao nước trong rẫy của gia đình khi 2 anh em rủ nhau tắm, trong khi bố mẹ đi làm.  Cuối tháng 5 vừa qua, một nhóm học sinh rủ nhau xuống thác Năm Tầng, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) tắm và 3 em bị đuối nước, trong đó 2 em được cứu sống, 1 em tử vong.

Đáng nói, nhiều vụ đuối nước có nhiều trẻ em bị tử vong. Tháng 5/2018, cả 4 học sinh Trường THCS Đắk Búk So (Tuy Đức) tử vong khi rủ nhau ra đập thủy lợi. Sự việc thương tâm xảy ra khi một nhóm rủ nhau đi chơi chẳng may một em bị trượt chân và các em nhảy xuống cứu nhưng không thành. Tháng 4/2017, 3 học sinh THCS ra hồ Trung tâm (Gia Nghĩa) tắm và 2 em bị tử vong, 1 em nguy kịch nhưng được cứu sống.

Nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị đuối nước thì có nhiều. Nhiều trẻ em mặc dù bố mẹ bày vẽ, dặn dò kỹ lưỡng nhưng do sự hiếu động và chưa ý thức được tai nạn, nguy hiểm có thể xảy ra nên tìm cách trốn đi đến các ao, hồ, sông, suối để chơi, tắm, bắt cá… Tuy nhiên, do không biết bơi và thiếu kỹ năng về phòng, tránh đuối nước là nguyên nhân khiến có những vụ đuối nước không chỉ 1 em tử vong mà nhiều em cùng bị đuối nước do không biết xử lý hợp lý.

Ông Lý Xuân Phong, huấn luyện viên dạy bơi thuộc Phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao-Du lịch) cho biết: Trong thời gian qua, xảy ra tình trạng bị “đuối nước chùm” là do các em chưa có kỹ năng xử lý tình huống. Thứ nhất, một số các em biết bơi nhưng khi tham gia cứu hộ thì chưa có phương pháp cứu. Nếu cứ nhảy xuống thì các bạn bị đuối nước sẽ cầm áo, tóc, tay, chân của các em và nếu không có kỹ năng thì không xử lý được. Vì vậy, nếu không biết bơi hoặc biết bơi nhưng tự thấy không đủ sức lực để cứu thì các em không nên nhảy xuống để cứu mà quan sát trên bờ có các dụng cụ như cây, que...trong khoảng cách hợp lý ném xuống để người dưới nước có thể cầm và kéo lên. Thứ hai là đồng thời hô to để mọi người nghe và đến cứu, việc này giúp hạn chế tối đa việc “đuối nước chùm”.

Bố cứu hai con trai thoát đuối nước

ADQuảng cáo

Ngày 18/6 vừa qua là một ngày hạnh phúc vô bờ bến đối với anh Trịnh Xuân Thủy và chị Nguyễn Thị Minh ở thôn 3B, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) khi cả hai con trai của họ vừa thoát chết vì đuối nước và được Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho ra viện.

Anh Trịnh Xuân Thủy đến lập nghiệp và làm rẫy tại xã Quảng Sơn được 10 năm. Vợ của anh là chị Nguyễn Thị Minh và hai con trai sinh sống tại quê Nghi Lộc (Nghệ An). Nhân dịp nghỉ hè, chị Minh đưa hai con trai là Trịnh Xuân Tường Nguyễn 10 tuổi và Trịnh Nguyễn Nhật Huy 7 tuổi vào chơi với bố nhưng chẳng may xảy ra đuối nước.

Chị Minh kể: “Mẹ con tôi từ quê vào đến rẫy của gia đình. Ngay buổi chiều vào rẫy, các con rất thích đi xuống hồ câu cá nhưng tôi đã dặn không được xuống vì không biết bơi. Sáng hôm sau, tôi đi thăm người thân ở bệnh viện và vẫn dặn các cháu ở nhà không được xuống hồ kẻo đuối nước. Thế nhưng, ở nhà bố cho con đi câu cá, trong quá trình câu, các con làm rớt cần câu. Con trai lớn nhảy xuống tìm cần câu. Không thấy anh lên, em nhảy xuống cứu anh và cả hai đều bị đuối nước. Chồng của tôi biết bơi nên chúng tôi cũng có ý định vừa đưa các cháu vào nghỉ hè vừa để  bố dạy bơi nhưng chưa kịp học thì đã xảy ra chuyện”.

Chị Nguyễn Thị Minh và hai con trai thoát đuối nước nhờ người bố sơ cứu và đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, chăm sóc

Anh Thủy tâm sự: “Mặc dù cho các con đi câu cá, tôi vẫn quan sát  nhưng chỉ một chút lơ là, là bị đuối nước liền. Tôi đi nhặt rau có mấy phút đã không nghe tiếng hai con nói chuyện. Quay lại chỗ các con câu cá, tôi chỉ thấy quần áo chứ không thấy con. Gọi mấy tiếng không thấy chúng trả lời, tôi nhìn xuống thấy sủi tăm ở dưới hồ liền nhảy xuống vớt hai con lên. Lúc vớt lên bờ, chúng không nhúc nhích động đậy gì, lúc đó, tôi chỉ biết đặt các con nằm ngửa, đầu quay xuống dưới dốc và hô hấp cho chúng. Tôi dùng tay hô hấp lồng ngực và dùng miệng hút bùn trong miệng, mũi chúng ra rồi thổi hơi vào. Tôi cứ làm hết đứa này một lúc lại chuyển sang đứa kia. Sau đó, tôi gọi được vợ chồng anh hàng xóm xuống và giúp đưa các cháu đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông”.

Điều may mắn đối với gia đình anh Thủy, chị Minh đó là đến nay cả hai cháu đều đã an toàn nhờ người bố sơ sứu kịp thời và được các y, bác sĩ của bệnh viện cứu chữa. Chị Minh cho biết: “Nếu anh Thủy không biết bơi và không biết cách hô hấp thì chắc các con của tôi cũng không qua khỏi. Cháu Huy sau khi được bố hô hấp thì tỉnh dậy nhưng hoảng loạn. Cháu Nguyễn do bị đuối nước thời gian lâu và sức khỏe yếu nên sau khi vào bệnh viện bị hôn mê 2 ngày sau mới tỉnh. Sau 4 ngày ở viện và được các bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị mấy đứa con của tôi mới được về nhà”.

Không phải đứa trẻ nào gặp nạn cũng may mắn

Thực tế, trong cuộc sống không phải ai cũng may mắn như hai con trai của gia đình anh Thủy, chị Minh. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, 3 năm qua, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 trẻ em tử vong do bị đuối nước. Con số về trẻ em bị đuối nước đang ở mức đáng báo động và đây là điều hết sức đau lòng đối với các gia đình và xã hội. Ngoài nguyên nhân không biết bơi thì còn do điều kiện tự nhiên, sinh sống dễ xảy ra đuối nước. Bên cạnh hệ thống sông, suối, đập thủy điện, thủy lợi nhiều, đa số nông dân trồng cà phê, hồ tiêu nên trong vườn, rẫy đều đào ao, hồ trữ nước phục vụ nước tưới cho cây trồng.

Từ câu chuyện hai đứa trẻ không biết bơi và may mắn nhờ người bố cứu sống cho thấy, việc dạy bơi cho trẻ em là điều cần được các gia đình, các ngành, các cấp và xã hội quan tâm, triển khai bằng việc làm cụ thể. Chia tay gia đình chị Minh, tôi nhớ mãi câu chia sẻ của người mẹ may mắn này: “Do bận công việc nên thời gian qua vợ chồng tôi cũng chưa sắp xếp cho các con đi học bơi. Ngày nay, các bậc phụ huynh thường cho các con đi học võ, học kiến thức này nọ nhưng việc học bơi vẫn chưa được quan tâm. Tôi nghĩ, cách tốt nhất để phòng tránh đuối nước đó là dạy bơi cho trẻ em ngay từ khi còn là học sinh lớp 1. Sau việc này, tôi cũng phải sắp xếp thời gian để cho các con học bơi”.

>>Kỳ 2: Dạy bơi để phòng, tránh đuối nước ở trẻ em

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đuối nước trẻ em, trách nhiệm người lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO