Du lịch địa chất - Đón đầu xu thế của thế giới

08/02/2018 09:05

Ngành công nghiệp du lịch trên thế giới đã phát triển hàng thế kỷ và bước những bước tiến xa trong việc đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ tối đa nhu cầu của khách du lịch. Trong khi, ngành du lịch ở Việt Nam chỉ mới phát triển trong khoảng 2 thập kỷ, chất lượng dịch vụ, sản phẩm còn đang nằm ở mức phát triển về mặt nội tại. Dù vẫn còn kém xa các nước trong khu vực nhưng sự hội nhập và giao lưu văn hóa đã giúp ngành du lịch Việt Nam có những bước tiến nhanh. Và du lịch địa chất đang là xu thế phát triển của thế giới.

ADQuảng cáo

Hang động núi lửa Krông Nô. Ảnh tư liệu

Năm 2017, Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách, tăng gần 130% so với cùng kì năm trước  (theo báo cáo Tổng cục du lịch 2017), việc lọt vào top 52 điểm đến của thế giới theo báo New York Times đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của Việt Nam đang dần tăng lên. Đây là những điểm thuận lợi cho những khu vực còn chưa nằm trong danh sách điểm đến của khách du lịch quốc tế, nhất là đối với tỉnh Đắk Nông. Khi mà mọi thứ còn chưa bị phá vỡ hệ thống thì việc bắt đầu xây dựng các sản phẩm du lịch theo đúng hướng, đúng chất lượng tại Đắk Nông là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch một cách bền vững.

Đặc tính của sản phẩm du lịch cũng tương đối giống với ngành thời trang, khách hàng luôn có nhu cầu sử dụng sản phẩm mới và có tính xoay vòng. Khi khách du lịch đã có cơ hội trải nghiệm tất cả các sản phẩm, họ lại có nhu cầu quay trở lại sử dụng các sản phẩm đơn giản nhất và mong muốn được hòa mình vào những câu chuyện trong chuyến đi.

Nhìn vào quá trình phát triển du lịch của các nước châu Âu, ta có thể thấy rõ các nhóm khách du lịch rất khác biệt nhau bằng cách nhìn vào các nhóm sản phẩm du lịch khác biệt theo từng đơn vị lữ hành. Cụ thể, những công ty lữ hành chỉ đưa khách du lịch đến những địa danh nổi tiếng để tham quan một cách chớp nhoáng; những đơn vị lữ hành chỉ khai thác các sản phẩm du lịch cao cấp, nghĩ dưỡng, và đặc biệt là những đơn vị lữ hành chỉ khai thác sản phẩm du lịch mạo hiểm và sản phẩm du lịch theo dạng vận động như đi xe đạp, leo núi, đi bộ,...

Các thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, các sản phẩm du lịch đơn giản và mang tính chất vận động được khách du lịch sử dụng trở lại cao gấp 3,5 lần so với các sản phẩm du lịch tham quan thông thường, đồng thời tính tác động đến môi trường và di sản ít hơn, phát triển du lịch theo hướng này cũng mang lại nhiều nguồn lợi cho cộng đồng hơn.

ADQuảng cáo

Đây cũng là cơ sở để mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO lựa chọn xu hướng phát triển du lịch bền vững này. Việc Đắk Nông lựa chọn phát triển mô hình phát triển du lịch theo các tiêu chí này hoàn toàn phù hợp với nội lực và tiềm năng sẵn có của tỉnh, mô hình đó có tên gọi chung là phát triển du lịch địa chất theo hướng bền vững.

Khác với các điểm đến khác của Việt Nam như Vịnh Hạ Long hay thủ đô Hà Nội,..., những điểm đến này vốn dĩ chứa đựng nhiều di sản nên dễ dàng thu hút khách du lịch thế giới nhưng cũng đối mặt với nhiều nguy cơ mất cân bằng về chất lượng và dịch vụ. Lợi thế của Đắk Nông chính là thiên nhiên, là những khu rừng thiêng còn sót lại, là những câu chuyện về sự hình thành trái đất như núi lửa, hang động, và những câu chuyện di sản văn hóa hàng ngàn năm còn nằm đâu đó trong những bản làng phố núi chờ thời điểm để hồi sinh.

Du lịch địa chất chính là đưa khách du lịch đến gần với thế giới quan hơn, đưa con người trở về nơi họ sinh ra để hiểu hơn về trái đất, kèm theo đó là bổ sung các kiến thức căn bản cần thiết để nâng cao ý thức gìn giữ môi trường, gìn giữ các di sản thiên nhiên cho các thế hệ sau.

Khu vực ranh giới của công viên địa chất núi lửa Krông Nô bao gồm các huyện Krông Nô, Chư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Ở mỗi nơi đều có những điểm di sản đặc sắc khác nhau như khu vực hang động núi lửa, các miệng núi lửa, các làng văn hóa dân tộc, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, các di sản văn hóa, các di tích lịch sử,....

Các món ăn du lịch tại đây cũng tương đối phong phú và đây là lúc chúng ta áp dụng các công thức để tạo nên các sản phẩm đạt chất lượng để phục vụ khách du lịch. Công thức mà chúng ta áp dụng chính là công thức đã thành công ở 127 công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở 35 quốc gia trên thế giới, trong đó có công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.

Việc đi tắt đón đầu vốn dĩ là một "con dao hai lưỡi", nhưng đối với dịch vụ du lịch, đó sẽ là một ngoại lệ nếu như tuân thủ các tiêu chí mà mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO đề ra.  Với định hướng chiến lược sản phẩm đúng đắn và các nỗ lực quảng bá đủ mạnh, Đắk Nông sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong một thời gian rất ngắn nữa. Có thể, đó sẽ là năm 2020 khi Đắk Nông được vinh dự trở thành công viên địa chất toàn cầu UNESCO, tất cả đều bắt đầu từ những nỗ lực hôm nay của toàn hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch địa chất - Đón đầu xu thế của thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO