Đề phòng tai nạn đuối nước ở trẻ em: Chuyện không của riêng ai

Văn Tâm| 25/05/2016 10:50

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội thì từ năm 2010 đến hết quý I năm 2016, toàn tỉnh có 282 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trong đó chiếm trên 79% là tai nạn đuối nước. Tình trạng này cho thấy, tai nạn đuối nước ở trẻ em là vấn đề nhức nhối đối với cả xã hội.

ADQuảng cáo

Tỉnh Đắk Nông với địa hình phức tạp, có nhiều sông, suối, ao, hồ nước sâu nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em, học sinh. Trong khi đó, tình trạng trẻ em tự ý đi tắm khi không có người lớn giám sát còn diễn ra ở nhiều nơi. Đây chính là nguy cơ xảy ra các vụ trẻ em bị tai nạn đuối nước dẫn đến tử vong trong thời gian qua.

Thực tế cho thấy vấn đề phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh không chỉ tập trung vào những dịp hè mà cần phải được thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong năm. Qua ghi nhận ở một số nơi thì không chỉ các em nhỏ đến tắm vào giờ trưa, cuối giờ chiều mà nhiều nơi các em còn tranh thủ trên đường đi học rủ nhau xuống khe suối để tắm. Điều này cũng luôn là những nguy cơ rình rập đến tính mạng của các em.

Trên đoạn đường từ xã Đắk P’lao đến xã Đắk R’măng (Đắk Glong) có 3 con suối lớn, nhỏ chảy qua. Các con suối có chỗ nông sâu khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm là xa khu dân cư. Thế nhưng, trong những ngày vừa qua, khi đi qua đoạn đường này, chúng tôi đều chứng kiến dưới dòng nước luôn có khá đông các em nhỏ bơi lội, đùa nghịch. Vào những giờ trưa, có đoạn suối số trẻ tắm đông đến 15 – 20 em, chủ yếu là các em học sinh đi học buổi chiều tranh thủ xuống tắm.

Ông Vàng A Nhà, một người dân thôn 4, xã Đắk R’măng cho biết: “Hằng ngày, cha mẹ các cháu đều đi làm rẫy cả nên có nhiều cháu đi học sớm rủ rê nhau đi tắm suối mà không ai ngăn cản. Các con suối ở đây rất nguy hiểm, mùa khô ở lòng suối có nhiều hố sâu, mùa mưa nước chảy rất xiết nên tai nạn bất trắc luôn rình rập mỗi khi các cháu đến tắm”.

ADQuảng cáo

Tại các hồ thủy lợi bon Phi Mur, xã Quảng Khê; hồ tự nhiên, hồ thủy lợi tại xã Đắk Ha; các hồ thủy điện tại xã Đắk Som…, tình trạng trẻ em đến tắm hàng ngày khá nhiều. Theo UBND Đắk Glong, toàn huyện có 57 hồ, đập thì hầu hết các hồ đập đều chưa được rào chắn và lắp biển báo nguy hiểm.

Còn tại hồ thủy lợi Đắk M’hang, xã Nam Nung (Krông Nô), hằng ngày người dân các thôn, bon trong xã đều chứng kiến cảnh các em nhỏ, có em mới 4 – 5 tuổi theo anh chị đi tắm nhưng mọi người đều cho đó là việc bình thường mà không nghĩ đến hậu quả khi để các cháu tự do bơi lội ở khu vực nước sâu này.

Tương tự, tại thị trấn Ea T’ling, xã Trúc Sơn (Chư Jút), nhiều hồ nước hình thành từ việc khai thác đất để làm gạch nhưng chưa được hoàn thổ trả lại mặt bằng lại ở gần khu dân cư, nhưng không được rào chắn hoặc có rào sơ sài bằng một đoạn thân cây, dây thép gai rất nguy hiểm đối với trẻ em.

Theo ông Nguyễn Tiến Đoàn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội thì công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn. Bởi vì, một số địa phương hiện vẫn chưa có các sân vui chơi giải trí cho trẻ em. Do vậy, ngoài các giờ học hoặc các dịp hè, thời điểm này lại là mùa mưa, thời tiết nắng nóng nên các cháu thường rủ nhau đi tắm ở các ao, hồ nếu không có người lớn giám sát thì rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Để hạn chế thấp nhất tình trạng đuối nước ở trẻ em, chính quyền các địa phương, nhà trường và cả gia đình cần phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho trẻ em trong việc phòng tránh đuối nước. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng các biển cấm, biển báo tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để nâng cao ý thức, giúp các em tự bảo vệ chính mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề phòng tai nạn đuối nước ở trẻ em: Chuyện không của riêng ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO