Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Phan Tuấn thực hiện| 23/01/2015 09:45

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ/TTg (Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ với mục đích đưa khoa học công nghệ về nông thôn, góp phần tạo bước đột phá về đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động khu vực nông thôn. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh-Xã hội xung quanh việc thực hiện đề án tại tỉnh ta.

ADQuảng cáo

PV: Bà có thể cho biết, sau 5 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh ta đã đạt được những kết quả  gì nổi bật?

Bà Nguyễn Thị Hương: Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển được 17 cơ sở dạy nghề, với 209 cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề vững chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều cơ sở dạy nghề đã được nâng cấp, xây mới trụ sở, phòng học, xưởng thực hành, mua sắm các trang thiết bị máy móc, đồ dùng dạy học để đáp ứng ngày một tốt hơn cho nhiệm vụ dạy nghề. Phương thức đào tạo cũng được tổ chức đa dạng từ tại chỗ cho đến lưu động ở vùng sâu, vùng xa, giúp người học giảm chi phí ăn ở, đi lại trong quá trình học tập…

Vì vậy, sau 5 năm (2010-2014) thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 25.734 người, với tổng kinh phí gần 55 tỷ đồng. So sánh với kế hoạch 11 năm thực hiện đề án của địa phương đã được phê duyệt thì đạt 54,10%, với 25.734/47.560 người.

Qua thống kê, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề bình quân từ 60-72% trong tổng số người được học nghề hàng năm. Mặt khác, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề cũng được tăng dần qua các năm, từ 21,5% năm 2011 tăng lên 27,75% ước thực hiện năm 2015.
PV: Trong quá trình thực hiện đề án 1956, tỉnh ta còn gặp phải những khó khăn gì?

Bà Nguyễn Thị Hương: Trên thực tế, do điều kiện của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nên nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương để đào tạo và mua sắm thiết bị dạy nghề.

Còn nguồn ngân sách của địa phương chủ yếu là hỗ trợ giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản… Vì vậy, hiện nay, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến khó khăn cho công tác tuyển sinh và đào tạo theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, ở các cơ sở đào tạo nghề chủ yếu đào tạo được những nghề hiện có, còn những nghề xã hội cần thì chưa đáp ứng được đầy đủ.

ADQuảng cáo

PV: Vậy sau 5 năm thực hiện Đề án 1956 thì tỉnh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm gì?

Bà Nguyễn Thị Hương: Trước hết, việc tổ chức thực hiện Đề án 1956 phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người lao động; trong đó, phải xác định được nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm.

Muốn được như vậy thì công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề phải được quan tâm đúng mức để làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là đối với bộ phận thanh thiếu niên. Về phía các cán bộ làm công tác tuyên truyền phải thông hiểu chính sách, pháp luật, nắm được thông tin về thị trường lao động để tư vấn thông tin học nghề và tư vấn việc làm sau học nghề cho người lao động.

Mặt khác, việc triển khai Đề án 1956 cần phải được lồng ghép, gắn kết với Chương trình xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, sao cho công tác đào tạo nghề xuất phát từ yêu cầu sản xuất, kinh doanh và phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Mục tiêu và giải pháp để triển khai có hiệu quả chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn tiếp theo là gì?

Bà Nguyễn Thị Hương: Trong giai đoạn tiếp theo, công tác đào tạo nghề của tỉnh sẽ được gắn liền với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề. Trong đó, đào tạo nghề phải gắn với tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập của lao động nông thôn, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, góp phần xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển theo hướng bền vững.

Cụ thể, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ đào tạo nghề cho 22.700 lao động; trong đó, liên kết đào tạo cao đẳng cho 1.100 người, trung cấp nghề cho 1.900 người, sơ cấp nghề và dạy thường xuyên dưới 3 tháng là 18.700 người…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng phấn đấu trong giai đoạn này sẽ xây dựng được 1 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề cũng như đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng các trung tâm dạy nghề và các cơ sở có chức năng dạy nghề và phải có ít nhất 2 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu.

PV: Xin cảm ơn bà!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO