Cùng hướng về miền Trung thân yêu

Lê Phước| 23/10/2020 10:00

Những phần quà được người dân xã Nam Dong (Cư Jút) tự nguyện đóng góp để gửi ra miền Trung thân yêu với mong muốn góp phần gúp đồng bào sớm vượt qua hoạn nạn, ổn định cuộc sống, sản xuất.

ADQuảng cáo

Ngày 22/10, tại khu vực thôn 13, xã Nam Dong, không khí nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Những chiếc xe máy, xe tải nối đuôi nhau chở gạo, mì tôm, quần áo… đến trước nhà ông Trần Bình Trọng, Bí thư Chi bộ thôn 13. Người khuân, người vác, người bốc xếp hàng hóa ra vào nhà liên tục. Căn nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình ông Trọng đã trở thành điểm tiếp nhận, tập kết quà quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung.

Chị em phụ nữ thôn 13, xã Nam Dong chuẩn bị nguyên liệu làm bánh tét

Dưới bếp, một nhóm phụ nữ chừng 10 người đang xúm nhau chuẩn bị nguyên liệu làm bánh chưng. Người bóc hành, thái thịt, người vò gạo, rửa lá giong… Xen lẫn với công việc là những tiếng chuyện trò vui tươi như những ngày gói bánh chưng giáp Tết Nguyên đán.

Người lớn nhất trong nhóm phụ nữ là bà Đặng Thị Cúc, 81 tuổi. Nghe tin người dân trong thôn góp tiền của, góp gạo làm bánh ủng hộ miền Trung, bà Cúc đến nhà ông Trọng từ sáng sớm để phụ giúp. “Mình già rồi, không làm gì được nhiều thì đến bóc củ hành, rửa cái lá. Mình cũng động viên con cái, cháu chắt mình góp sức người, sửa của để ủng hộ đồng bào”, bà Cúc tâm sự.

Không khí gói bánh tét nhộn nhịp tại thôn 13, xã Nam Dong

Cạnh nhà ông Trọng, căn nhà liền kề của gia đình ông Hồ Văn Thìn, ở thôn 13, trở thành nơi tập kết nguyên liệu và gói bánh. Gần 20 người chia thành 2 nhóm nhỏ để triển khai gói bánh.

Bà Nguyễn Thị Thanh, 68 tuổi, chia sẻ: “Chúng tôi xum tụ với nhau để gói những chiếc bánh nghĩa tình, gửi về miền Trung. Những chiếc bánh chưng không chỉ đùm gạo, thịt, hành, đậu… mà còn góm ghém cả tình cảm của người dân Tây Nguyên chúng tôi đối với đồng bào thân yêu”.

ADQuảng cáo

Bà Nguyễn Thị Thanh, 68 tuổi đang góp sức gói những chiếc bánh tét nghĩa tình gửi về miền Trung

Cách khu vực gói bánh không xa, một nhà dân tự nguyện để toàn bộ khu vực hành lang của gia đình mình phục vụ việc nấu bánh. Trên những viên đá xếp vuông vắn làm kiềng, những nồi bánh lớn được đặt lên. Củi nấu bánh được một hộ dân cùng thôn dùng xe máy cày chở đến. Chỉ một chốc, một dãy bếp đã được chuẩn bị xong xuôi, bắt đầu đỏ lửa.

Theo ông Trần Bình Trọng, Bí thư Chi bộ thôn 13, hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ miền Trung, Nhân dân các dân tộc thôn 13 đã hưởng ứng tích cực. Người người tự nguyện đóng góp, nhà nhà tự nguyện đóng góp. Sau khi đông đảo người dân trong thôn 13 nói riêng và xã Nam Dong liên hệ đóng góp, các đoàn thể trong thôn đã thống nhất lấy 1 điểm làm nơi tiếp nhận, tập kết quà ủng hộ.

Người dân thôn 13, xã Nam Dong nấu bánh chưng, bánh tét

Ông Trọng cho hay: Chưa bao giờ việc ủng hộ đồng bào bị thiên tai lại nhận được sự đồng thuận cao như vậy. Trong thôn có 200 hộ dân thì tới ngày hôm nay đã có 130 hộ tham gia quyên góp tiền bạc và các phần quà gửi cho đồng bào miền Trung. Ngoài tiền mặt, hiện bà con đã tiếp nhận rất nhiều gạo, mì tôm, sữa… Ngày 23/10, bà con tập hợp và có 1 xe tải chở quà ra ủng hộ đồng bào miền Trung.

Cũng trong ngày 22/10, PV Báo Đắk Nông ghi nhận nhiều người dân vận chuyển gạo, mì tồm, quần áo… đến trụ sở hành chính của xã Nam Dong. Bà Phan Thị Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dong cho hay: Phát huy tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", những ngày qua, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Nam Dong đã liên hệ chính quyền địa phương nhờ chuyển các phần quà tới đồng bào miền Trung bị lũ lụt.

Nhiều phần quà được người dân đưa đến ủng hộ và tập kết tại thôn 13, xã Nam Dong

Tại một số thôn, người dân đã tự nguyện đóng góp, tập hợp quà tặng để chuẩn bị ra tận miền Trung để trao cho người dân bị lụt. Hiện tại, xã vẫn đang tiếp tục tiếp nhận các phần quà qua kênh của chính quyền địa phương và sẽ sớm chuyển những phần quà này ủng hộ miền Trung với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn của đồng bào trong những ngày lũ lụt vừa qua.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng hướng về miền Trung thân yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO