Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, cộng tác viên dân số

Vũ Trang| 08/07/2019 10:34

Với kinh nghiệm, sự năng động và lòng nhiệt huyết, đội ngũ cán bộ dân số cơ sở trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chính sách về dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ), góp phần tạo chuyển biến công tác dân số tại địa phương.

ADQuảng cáo

Nhân viên y tế-dân số xã Đắk Ha (Đắk Glong) đến tận nhà tuyên truyền, tư vấn về chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ

Nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động

Theo Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh, công tác dân số là hoạt động mang tính xã hội cao. Vì vậy, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, vai trò của cán bộ dân số ở cơ sở rất quan trọng. Họ là những người trực tiếp tiếp cận, tuyên truyền để người dân hiểu và thay đổi nhận thức, hành vi, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân số của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, ở những địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn, điều kiện thông tin qua các phương tiện truyền thông khó tiếp cận, nguồn kinh phí chi cho hoạt động truyền thông còn hạn chế, nên việc tuyên truyền, tư vấn tại hộ gia đình thông qua cán bộ dân số cơ sở là giải pháp khả thi nhất.

Để đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên dân số hoạt động hiệu quả thì việc tập huấn nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền, vận động luôn được quan tâm hàng đầu. Tại các địa phương, việc tập huấn được thực hiện hàng năm với nội dung bao gồm các kiến thức về công tác DS/KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng truyền thông, vận động người dân, cách thu thập thông tin và ghi chép…

Bên cạnh đó, mỗi khi triển khai đề án, mô hình mới về dân số, đội ngũ này lại được đào tạo sâu hơn. Chẳng hạn, với mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, họ sẽ được bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng tư vấn, chăm sóc sức khỏe. Hay đối với đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, họ được  trang bị kỹ năng tuyên truyền, tư vấn cho các bà mẹ mang thai về lợi ích và quy trình sàng lọc, kỹ thuật lấy máu gót chân...

ADQuảng cáo

Chị Trần Thị Sim, chuyên trách dân số của xã Nam Đà (Krông Nô) là người có nhiều năm gắn bó với công tác dân số ở địa phương. Bằng sự nỗ lực, tâm huyết của bản thân, chị đã góp phần đưa xã Nam Đà nhiều năm liền đi đầu trong công tác DS/KHHGĐ của huyện. Theo chị Sim, ngoài sự tận tụy với công việc, yếu tố quyết định đến thành công của công tác dân số đó là những kinh nghiệm, kỹ năng cần có của người cán bộ dân số trong quá trình tiếp cận, tuyên truyền.  Để tích lũy được kinh nghiệm và những kỹ năng đó, chị đã tham gia rất nhiều lớp tập huấn, đào tạo của ngành.

Tương tự, chị Trần Thị Thanh, cộng tác viên dân số xã Nam Bình (Đắk Song) cũng cho biết: “Các chương trình, đề án mới về dân số ngày càng nhiều, nhu cầu tiếp cận thông tin, dịch vụ KHHGĐ của người dân cũng đa dạng. Vì vậy, nếu người cộng tác viên dân số không nâng cao kỹ năng, kiến thức thì khó bắt kịp, hiệu quả tuyên tuyền, vận động không cao”.

Tránh để xảy ra những “khoảng trống”

Công tác dân số trong tình hình mới được khởi đầu với việc thay đổi lớn về tổ chức bộ máy. Đó là việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã vào Trung tâm y tế đa chức năng. Sau khi sáp nhập, số lượng biên chế làm việc tại khoa dân số và phát triển ở mỗi huyện đã giảm từ 6 biên chế xuống còn 4 biên chế. Tại các địa bàn dân cư, đội ngũ cộng tác viên dân số cũng được gộp chung với nhân viên y tế thôn, bon. So với trước đây, số lượng cộng tác viên dân số giảm 249 người. Một số nhân viên y tế thôn, bon chưa quen với công việc tuyên truyền chính sách DS/KHHGĐ.

Phát biểu trong buổi làm việc với Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh mới đây, ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông giáo dục (Tổng cục DS/KHHGĐ) cho biết: “Điều quan trọng nhất hiện nay là làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, cộng tác viên dân số tại cơ sở, nhất là nâng cao nhận thức cho họ về vai trò, vị trí của công tác DS/KHHGĐ trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ này phải được chú trọng, nhất là đối với những người mới tiếp cận công tác dân số, tránh để xảy ra những “khoảng trống” trong công tác dân số tại các địa bàn dân cư”.

Theo Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh, cùng với việc nâng cao năng lực hoạt động, các cấp, ngành, địa phương cũng cần có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng, khen thưởng kịp thời đối với những người làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về DS/KHHGĐ để khuyến khích họ gắn bó lâu dài với công việc.

Hiện nay, toàn tỉnh có 71 chuyên trách DS/KHHGĐ đang công tác tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn và 877 cộng tác viên dân số tại các thôn, bon, tổ dân phố.

Chỉ riêng mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, trong năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 19 buổi hội thảo và 23 lớp tập huấn với gần 1.500 lượt nhân viên, cộng tác viên dân số tham gia.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, cộng tác viên dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO