Chủ động theo dõi khí tượng, thủy văn để phòng, chống thiệt hại

Hồng Thoan thực hiện| 16/08/2019 10:24

Mới đây, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp- PTNT) dẫn đầu đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai kiểm tra an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi riêng với ông Tỉnh về vấn đề ứng phó trước những diễn biến của thiên tai hiện nay.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi

PV: Thưa ông, qua kiểm tra, ông thấy thực trạng các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Theo thống kê, các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 1.200 hồ chứa lớn, nhỏ.Trong đó có nhiều hồ chứa đang ở mức độ có thể gọi là nguy hiểm và xuống cấp. Như chúng ta đã biết  rằng thời tiết, khí hậu đang diễn biến bất thường thì dễ dẫn đến các nguy cơ.

Cụ thể như từ ngày 6-8/8 trên địa bàn Tây Nguyên nhất là các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã xảy ra mưa lớn có những điểm vượt trên 600mm, còn lại phổ biến là 200-400 mm làm cho nhiều hồ chứa dâng cao. Tổng thể chung, các hồ chứa trên địa bàn đã đạt khoảng 70-80% công suất thiết kế. Nhiều hồ chứa nhỏ, nhất là vùng phía tây tỉnh Đắk Lắk đã đầy nước. Phần lớn hồ này được xây dựng đã lâu, từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Đặc điểm chung là công nghệ, kỹ thuật thi công chưa đáp ứng yêu cầu, lại giao cho cấp xã, huyện quản lý nên dễ dẫn đến các nguy cơ mất an toàn cho cả công trình và vùng hạ du.

PV: Trước thực tế này, ông có khuyến cáo như thế nào đối với các địa phương?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Qua theo dõi, dự báo thời tiết mùa mưa lũ 2019 ở Tây Nguyên sẽ  diễn biến bất thường và thực tế cũng đã có những khác thường so với quy luật chung hàng chục năm. Điển hình như về lượng mưa lớn gây lên các đỉnh lũ trên các sông, suối lớn. Do đó, chúng tôi đề nghị các địa phương tiếp tục có những theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết, chú ý cả dài ngày, các bản tin về cảnh báo nguy hiểm, ngắn ngày. Song song đó, các tỉnh cần phải tổ chức rà soát tổng thể về thực trạng hồ chứa nước trên địa bàn của mình.

Đối với những hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, các hạng mục không bảo đảm an toàn địa phương phải chủ động bố trí kinh phí sửa chữa ngay, cấp bách để bảo đảm an toàn. Đối với những hồ chứa lớn, nhất là đối với những hồ có cửa van thì cần phải rà soát các thiết bị cơ khí, nhất là vận hành thử trước khi thả lũ.

PV: Thực tế tại Tây Nguyên đã có một số sự cố gây mất an toàn. Theo ông, khi ứng phó với các sự cố thì chúng ta cần lưu ý làm tốt vấn đề gì?

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Sâu xa để ứng phó tốt khi có sự cố xảy ra lại không nằm ở thời điểm đó. Bởi chúng ta luôn đề cao phương châm chủ động trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Do đó sự chủ động được coi là yêu cầu đầu tiên, từ tỉnh, các cấp, ngành, chủ hồ phải xây dựng các phương án ứng phó sát thực tế. Làm tốt phương châm 4 tại chỗ gồm: Chỉ huy, phương tiện, lực lượng và vật tư, hậu cần tại chỗ.  Làm được điều này sẽ không bị động, giảm thiểu thiệt hại.

Nguyên tắc thứ hai cần lưu ý đó là tính mạng con người, tính mạng Nhân dân là cao nhất. Khi có sự cố thì phải bảo đảm an toàn về con người trước tiên. Làm được điều này cần sự vào cuộc mang tính đồng bộ, nhanh chóng, chuẩn xác của cả hệ thống Ban chỉ huy các cấp, đội ngũ phụ trách, những tổ, đội phản ứng nhanh ở cơ sở…

PV: Thưa ông, ngoài các ngành chức năng, các chủ hồ đập có vai trò như thế nào trong việc phòng, chống thiên tai?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Vai trò của chủ hồ đập quyết định lớn, quan trọng đến sự bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa bão. Do đó, các chủ đầu tư, quản lý, vận hành hồ trong điều kiện như hiện nay trước tiên cũng phải nắm chắc thông tin về dự báo khí tượng, thủy văn, trong đó lưu ý đến dự báo mưa trên lưu vực mình, lưu vực nối tiếp, liền kề. Đây là cơ sở để chủ hồ đánh giá đúng lượng nước về hồ chứa, quyết định việc xả như thế nào, thời điểm nào, xả bao nhiêu. Trả lời tốt các câu hỏi trên sẽ bảo đảm được các yếu tố về an toàn đập, tránh tối thiểu việc xả khẩn cấp gây ngập lụt cho vùng hạ du, giữ được sự an toàn tính mạng, tài sản cho người dân vùng sau đập.

Trên cơ sở lượng mưa như vậy, chủ hồ có căn cứ khoa học để quyết định việc xả hoặc tích nước hợp lý để sử dụng cho mùa khô. Việc cử cán bộ,  nhân viên túc trực 24/24 giờ để phát hiện kịp thời, đưa ra cách thức ứng phó  phù hợp, không làm phức tạp, trầm trọng thêm vấn đề, tình huống xảy ra  là vô cùng cần thiết. Những công trình đang thi công thì cần bảo đảm các điều kiện về thi công vượt lũ.

PV: Đối với người dân, trong điều kiện mưa lũ diễn biến khác thường thì cần phải làm gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Đối với những hộ sống gần lưu lực hồ đập chứa nước thủy lợi, thủy điện, gần sông, suối cũng cần theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nắm chắc thông tin của các cơ quan chức năng thông báo đến, chấp hành lệnh di dời kịp thời, nhất là trong các trường hợp phải dời khẩn cấp đến nơi an toàn.  Bà con cũng cần hạn chế, không đi lại, sinh hoạt, sản xuất ở những vùng gần sông suối, cầu cống, vùng đất có nguy cơ sạt lở để bảo đảm an toàn tính mạng…

PV: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của báo Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động theo dõi khí tượng, thủy văn để phòng, chống thiệt hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO