Cảnh giác với các chiêu thức bán sách và tài liệu tại các trường học

Nguyễn Hiền| 28/04/2016 09:44

Những năm gần đây, xuất hiện tình trạng một số cá nhân, tập thể đến các cơ sở giáo dục trong tỉnh mời chào viết bài quảng cáo ở các tập san, mời mua sách và các loại tài liệu, thậm chí là ép buộc làm cho nhiều cơ sở giáo dục phải “dở khóc dở cười”.

ADQuảng cáo

Chuyện xảy ra tại một trường THCS ở huyện Đắk R’lấp mới đây. Theo lời kể của hiệu trưởng nhà trường thì có một nhóm người đến và tự xưng là cán bộ của Bộ Giáo dục-Đào tạo được giao nhiệm vụ làm tập san về kỷ niệm ngày thành lập ngành nên mời trường tham gia.

Sau khi giải thích, nhóm người này khẳng định với Ban giám hiệu nhà trường là đã làm việc với Sở Giáo dục-Đào tạo và yêu cầu nhà trường tham gia. Vì nghĩ kinh phí không hết bao nhiêu và một phần là do cấp trên yêu cầu nên Ban giám hiệu nhà trường đã đồng ý tham gia.

Một thời gian sau, nhóm người này trở lại và giao cuốn tập san có bài viết giới thiệu về trường. Thế nhưng, lúc này Ban giám hiệu nhà trường mới “ngã ngửa” với việc phải thanh toán hóa đơn trên 30 triệu đồng!. Sau khi tìm hiểu sự việc thì nhà trường mới biết đây không phải là chủ trương của Sở GD-ĐT và cũng không có buổi làm việc nào của nhóm người này với các đơn vị cấp trên.

Câu chuyện của một trường tiểu học ở xã Đắk R’măng (Đắk Glong) cũng đáng để các trường học nêu cao tinh thần cảnh giác.

Theo lời kể của cô hiệu trưởng nhà trường thì vào năm học trước, cô nhận được điện thoại của một người xưng là cán bộ của Thanh tra Chính phủ, nhân dịp chuẩn bị ngày kỷ niệm ngành nên mời các trường đặt mua tập san.

Người này khẳng định là đã làm việc với Huyện ủy và Phòng GD-ĐT huyện và xin email cá nhân của cô để gửi và yêu cầu ký vào hợp đồng. Sau khi ký hợp đồng và chuyển tiền thì nhà trường sẽ nhận được tập san. Cô không đồng ý thì người này to tiếng dọa nạt sẽ về thanh tra nhà trường.

ADQuảng cáo

Ban đầu người này nói chi phí là 10-15 triệu đồng, nhưng cô không đồng ý với lý do trường không có chi phí cho việc mua tập san. Thấy vậy, người này “hạ giá” xuống 10 triệu, 6 triệu, 5 triệu rồi 3 triệu đồng. Sau nhiều ngày người này vẫn gọi điện hết mời chào, năn nỉ đến dọa nạt. Sau khi tìm hiểu được ngọn ngành sự việc, cô đã yêu cầu người này về trường trực tiếp làm việc thì mới hết bị làm phiền.  

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh cũng thường xuyên bị các cá nhân, nhóm người đến mời chào mua sách, tài liệu. Vì số lượng người đến mời chào quá nhiều nên ông Lê Đạt, Giám đốc Trung tâm đã gỡ luôn biển gắn tên phòng giám đốc.

Cũng theo nhiều cán bộ quản lý ở các trường học khác thì các đối tượng này thường dựa vào đặc điểm của trường hoặc ngành để mời chào mua hay viết bài. Điển hình như sách nói về các danh nhân, nhân vật lịch sử được nhà trường dùng đặt tên, sách về soạn giảng, về hoạt động Đoàn - Đội, kỹ năng sư phạm….

Điều đáng nói là sau khi mời mua hoặc viết bài không được thì các đối tượng này thường dùng đơn vị quản lý cấp trên để thị uy, thậm chí đe dọa. Nhiều cá nhân, nhóm người mạo danh là cán bộ, công chức của các cơ quan Trung ương, cơ quan cấp tỉnh. Ngoài hoạt động ở một số trường thuộc khu vực trung tâm, các đối tượng thường về các trường thuộc vùng sâu, vùng xa.

Qua tìm hiểu được biết, những đối tượng này không chỉ làm phiền các cơ sở giáo dục mà còn đến các cơ quan, ban ngành trong tỉnh để mượn danh mời chào bán sách, tài liệu...

Trước tình trạng đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có Công văn số 1711-CV/BTGTU về việc mạo danh cơ quan, tổ chức để bán sách, tài liệu. Công văn nêu rõ: “Hành vi trên là lừa đảo, giả mạo, lợi dụng uy tín của cá nhân, tổ chức để trục lợi. Mọi tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền đều được phân phối qua đường công văn, có văn bản của cấp có thẩm quyền. Khi phát hiện cá nhân tự xưng là cán bộ, công chức của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hoặc các cơ quan đơn vị khác yêu cầu mua tài liệu, ấn phẩm thì cần từ chối, hoặc báo cho cơ quan công an địa phương để có biện pháp xử lý”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với các chiêu thức bán sách và tài liệu tại các trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO