“Bức tranh” dạy nghề cho lao động nông thôn (Kỳ cuối): Đào tạo nghề cần gắn với thị trường, định hướng của địa phương và nhu cầu của người học

Thanh Nga| 25/08/2016 10:02

Qua thực tế cho thấy, dù dạy nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, vấn đề quan trọng nhất đó là công tác dạy nghề cần phải đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và xã hội, để giải quyết việc làm cho người lao động.

ADQuảng cáo

Sau khi học nghề nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Đáng, thôn 3, xã Đắk Som (Đắk Glong) đã đầu tư trang trại nuôi heo

Sáp nhập - kỳ vọng khả thi

Hiện nay, mỗi huyện trong tỉnh đều có đến 2 trung tâm có chức năng dạy nghề cho lao động nông thôn là Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên. Đây là vấn đề được xem là bất cập lớn nhất trong dạy nghề ở tỉnh ta nói riêng và toàn quốc nói chung.

Trước thực tế này, liên bộ gồm Bộ Lao động-Thương binh- Xã hội, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 39, ngày 19/10/2015, hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp-Hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên.

Ngày 26/7/2016, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định về việc sáp nhập các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của 7 huyện trên địa bàn tỉnh thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Việc sáp nhập này được kỳ vọng là sẽ tháo gỡ được những “nút thắt” trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mục đích của việc sáp nhập là nhằm bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp và hướng nghiệp của địa phương, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên trên địa bàn cấp huyện; tăng cường năng lực đào tạo nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp; sử dụng có hiệu quả nhân lực, nguồn lực đầu tư của các trung tâm công lập cấp huyện…

Ông Nguyễn Tiến Phúc, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Đắk Mil cho biết: Khi xây dựng đề án sáp nhập Trung tâm dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thì huyện đã tổ chức hội thảo và thấy rằng đó là cần thiết. Bởi vì, một địa bàn mà 2 trung tâm hoạt động chồng chéo lẫn nhau sẽ lãng phí cơ sở vật chất, vừa không bảo đảm nguồn học viên, vừa không hiệu quả. Vì thế, quan điểm của huyện là đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập và đã tiến hành các bước thủ tục cần thiết. Sau khi sáp nhập, huyện tính toán về chức năng để bố trí nhân sự hợp lý, phân công phòng chuyên môn, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH phân tích: Sau khi sáp nhập, UBND các huyện có chức năng quản lý Nhà nước. Về mặt chuyên môn dạy nghề và giáo dục thường xuyên do Sở LĐTB-XH và Sở GD-ĐT quản lý. Việc sáp nhập sẽ góp phần giảm được biên chế hành chính cũng như tận dụng được các cơ sở vật chất hiện có. Hiện nay, các cơ sở vật chất hơi lãng phí nên kết hợp sáp nhập thì thêm chức năng hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên thì hiệu quả hơn vì hai bên hỗ trợ lẫn nhau.

Cân đối giữa đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp

ADQuảng cáo

Các địa phương cho rằng, nhu cầu của người dân muốn được học nghề nông nghiệp nhiều để áp dụng vào thực tế, nhưng kinh phí bố trí mở lớp cho lĩnh vực này lại rất ít. Trong khi đó, kinh phí bố trí cho dạy nghề phi nông nghiệp nhiều hơn, nhưng hiệu quả lại thấp. Hầu hết lao động nông thôn sau khi được học nghề phi nông nghiệp về lại không tìm được việc làm tại địa phương và ngại đi làm ở các tỉnh khác.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Đắk Glong bày tỏ: Chủ trương của tỉnh hướng tới tăng số lớp phi nông nghiệp để đáp ứng công nghiệp hóa là đúng. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần căn cứ vào nhu  cầu của địa phương. Chuyển dịch cơ cấu thì địa phương phải có khu công nghiệp, có nhà máy, nhà xưởng hoạt động chứ không có thì học xong biết bố trí việc làm ra sao? Bây giờ, người dân ở địa phương chủ yếu làm nông nghiệp, nên đối với huyện Đắk Glong thì đề xuất tăng dạy nghề cho nông nghiệp cao hơn.

Ông Nguyễn Xuân Thùy, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Đắk R’lấp cũng cho biết: Tại các cuộc họp cấp huyện, cấp tỉnh, tôi cũng có ý kiến nhiều về vấn đề tăng cường mở các lớp dạy nghề về nông nghiệp, nhưng chưa được giải quyết vì chủ trương là chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trung tâm đã tổ chức chiêu sinh rất nhiều, nhưng đa số người dân muốn học nghề nông nghiệp chứ ít ai muốn học nghề phi nông nghiệp. Muốn người dân học nghề phi nông nghiệp thì phải có đầu ra. Nhưng ở đây, doanh nghiệp chưa có nhiều nên việc bố trí việc làm sau đào tạo tại địa phương rất là khó, đi làm ăn ở các tỉnh thì ít người muốn đi.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển. Theo đó, giai đoạn 2015-2020, tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 19.000 người và giải quyết việc làm cho 90.000 người.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 04 ngày 10/1/2011 của UBND tỉnh cũng xác định mục tiêu đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình.

Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở LĐTB-XH xây dựng Đề án đánh giá tổng thể nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, nhà máy, dự án, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch, ngành nghề đào tạo phù hợp với thực tế của địa phương. Đề án dự kiến hoàn thành vào năm 2017, sẽ là cơ sở để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng Phòng Quản lý dạy nghề (Sở LĐTB-XH) cho biết: Xu hướng thời gian tới là hướng tới cách thức đào tạo nghề, nhóm nghề nào để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, gắn với định hướng của địa phương và nhu cầu của người học. Với đặc điểm của tỉnh là phát triển nông nghiệp thì trong những năm gần đây, học nghề nông nghiệp vẫn được người dân quan tâm. Đối với nghề phi nông nghiệp thì cần đào tạo những ngành nghề phục vụ các khu công nghiệp và có thể tham gia trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, người dân sau khi học nghề cũng cần được ưu đãi trong việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm.

Ông Nguyễn Khải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Đắk Nông  cho rằng: Các trung tâm dạy nghề cần nâng cao trách nhiệm giữa đào tạo, gắn với giải quyết việc làm. Kinh nghiệm của trường trong việc đào tạo nghề phi nông nghiệp đó là tăng cường tìm hướng liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở trong và ngoài tỉnh để vừa đào tạo nghề vừa giải quyết việc làm cho học viên và đã đạt được những kết quả bước đầu. Công việc này rất khó, nhưng mình phải tận tâm thì mới mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cần có những chính sách phù hợp với thực tế để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn thì đào tạo nghề mới đạt hiệu quả cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bức tranh” dạy nghề cho lao động nông thôn (Kỳ cuối): Đào tạo nghề cần gắn với thị trường, định hướng của địa phương và nhu cầu của người học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO