Bữa cơm gia đình - gắn kết tình yêu thương

Mỹ Hằng - Hoàng Hoài| 28/06/2016 10:04

Lập gia đình đã gần 10 năm và luôn bận rộn với công việc kinh doanh, nhưng chị Đặng Thu Oanh ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) vẫn luôn cố gắng thu xếp thời gian để hàng ngày có thể nấu cho chồng con những bữa ăn ngon.

ADQuảng cáo

Bởi theo chị, bữa cơm không chỉ đơn thuần cung cấp năng lượng cho cơ thể mà nó còn là nơi gắn kết yêu thương của các thành viên, thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc. Do đó, những lúc rảnh rỗi, chị lại lên mạng tìm kiếm thông tin, cách chế biến những món ăn ngon, mới lạ. Chồng chị, anh Hồ Ngọc Thắng dường như “nghiện” cơm chị nấu, dù đi đâu, bận bịu việc gì, cũng luôn về nhà ăn cơm với vợ con.

Chị Oanh cho biết: “Trong gia đình thì người phụ nữ đóng vai trò “giữ lửa” và nấu ăn ngon cũng là cách để giữ chồng, vun vén hạnh phúc. Cuộc sống hiện đại, mọi người dành thời gian cho công việc nhiều hơn, nhưng nếu mỗi thành viên biết vun đắp từ những điều nhỏ nhặt nhất thì hạnh phúc gia đình sẽ bền lâu”.

Tương tự, chị Lê Phương Chi, ở thôn 3, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) có chồng làm trình dược viên nên phải thường xuyên đi làm xa. Nhưng cứ cuối tuần, chồng chị lại về và tranh thủ vào làm đầu bếp, chị chỉ phụ ở vòng ngoài. Chưa cần đợi đến lúc quây quần bên mâm cơm thưởng thức những món ngon mà chỉ với không khí cả nhà bận rộn cùng nhau vào bếp đã khiến mọi thành viên trong gia đình cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Nhất là cô con gái nhỏ rất thích thú và tự hào vì có một người bố đảm đang, biết chia sẻ việc nhà…

Chị Chi tâm sự: “Bữa cơm là thời gian quý báu nhất trong ngày mà bố mẹ và các con có thể gần gũi trò chuyện. Trong bữa cơm thân mật, những tâm sự dễ được bộc bạch, những câu chuyện dễ được đưa ra bình luận, thậm chí mỗi thành viên có thể thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình về nhiều vấn đề trong ngày hay trong những việc quan trọng. Hơn nữa, đây cũng chính là lúc thích hợp nhất để bố mẹ tìm hiểu về việc học hành của con cái, về các mối quan hệ bạn bè cũng như mong ước của con trẻ, có thể thấy được con lớn lên từng ngày qua cách ăn uống và ứng xử trong bữa ăn”.

Nhiều năm nay, gia đình chị Trần Thị Minh Phượng ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) cũng đều duy trì những bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Hai vợ chồng chị đều làm công chức nhà nước, con đi học, nên hàng ngày chỉ có bữa tối mới được sum vầy bên nhau, được xem là khoảng thời gian cảm thấy hạnh phúc nhất. Bởi bên mâm cơm tối, các thành viên trong gia đình đều rất vui vẻ, rôm rả trò chuyện. Mọi buồn vui trong công việc của bố mẹ, những vướng mắc của con trẻ trong học tập được chia sẻ để mỗi người cùng hiểu và cảm thông với nhau.

Gia đình chị Trần Thị Minh Phượng ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) luôn duy trì những bữa cơm gia đình ấm cúng. Ảnh: Hoàng Hoài

ADQuảng cáo

Chị Phượng cho biết: “Mỗi lúc nấu cơm cho gia đình, tôi thấy thật hạnh phúc. Bởi cả ngày bận rộn công việc, về nhà mình phải trổ tài nấu ăn để thể hiện tình yêu với chồng, với con, trách nhiệm với tổ ấm của mình. Những ngày cuối tuần, có thời gian rảnh là cả nhà lại đi chợ, lựa chọn những món ăn ưa thích rồi về cùng nhau vào bếp. Tôi cũng thường xuyên hướng dẫn con cái phụ mẹ việc bếp núc, nấu ăn để làm quen với công việc…”.

Không riêng gì chị em mà cánh đàn ông cũng khẳng định, bữa cơm sum họp cả gia đình chính là “liều thuốc” hữu hiệu giúp cân bằng dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe và gắn kết tình cảm gia đình.

Anh Nguyễn Văn Hoàng ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Ra trường, vào Đắk Nông làm việc, lại sống một mình nên thời gian đầu, tôi thường ăn cơm “bụi”. Nhưng từ khi lấy vợ, bữa ăn nào, tôi cũng đều về ăn cơm nhà, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa ngon, bổ dưỡng, lại tiết kiệm chi phí và quan trọng là được tận hưởng cảm giác bầu bạn, ấm cúng với vợ con. Nhiều người bạn hay chọc ghẹo vì thấy tôi quá “chung thủy” với cơm nhà, nhưng tôi không quan trọng vì chẳng có gì có thể vun đắp hạnh phúc gia đình bằng những bữa cơm ấm áp đầy tình yêu thương”.

Còn đối với những người lớn tuổi, bữa cơm cũng chính là lúc chia sẻ, kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị của cuộc sống, góp ý cho nhau để cùng nhau sống tốt và hoàn thiện bản thân mình.

Ông Nguyễn Tấn Tới, ở phường Nghĩa Thành nói: “Cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng tôi luôn muốn cả nhà cố gắng dành thời gian quây quần bên mâm cơm để cảm nhận được sự ấm áp của tình thương gia đình. Do đó, dù con cái đã lớn và lập gia đình riêng, nhưng cuối tuần tôi đều gọi con cháu về để ăn cơm. Đây là dịp để mỗi thành viên vui vẻ, thư giãn, gạt đi hết những muộn phiền, tìm thấy được những yêu thương và sự chia sẻ. Theo tôi, chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đó chính là nền tảng của hạnh phúc của mỗi gia đình”.

Từ năm 2014 đến nay, hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn vận động các gia đình trong cả nước hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) với chủ đề “Bữa cơm gia đình - ấm áp yêu thương”. Qua đó, nêu cao những giá trị của gia đình, nhắc nhở mỗi người dân sống có trách nhiệm, biết sẻ chia, gắn bó với các thành viên trong gia đình, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với cộng đồng và xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bữa cơm gia đình - gắn kết tình yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO