Bất ổn từ những dự án ổn định dân cư (kỳ 2): Chông chênh Đắk P'lao

Công Tính-Phan Tuấn| 05/06/2020 08:38

Nhìn từ trên cao, Khu tái định cư xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong khá sầm uất. Tuy nhiên, với những hộ dân nơi đây, nỗi lo về cái ăn, cái mặc luôn thường trực. Cũng vì cái ăn, cái mặc mà đã có những hộ dân quay về nơi ở cũ để sinh sống.

ADQuảng cáo

Khu tái định cư xã Đắk P’lao nhìn từ trên cao rất đẹp nhưng ẩn chứa những chông chênh

Rời bỏ nơi ở mới để kiếm cái ăn

Được bố trí về ở tại Khu tái định cư xã Đắk P’lao, nhưng gia đình ông K’Siêu vẫn bám trụ tại cụm dân cư thôn 1, xã Đắk P’lao (cũ) để sinh sống. Đó là khu vực gần lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 (nơi trước đây gia đình ông cũng như hàng trăm hộ dân khác đã nhường đất để xây dựng thủy điện), và thuộc quyền quản lý của Vườn Quốc gia Tà Đùng. Tuy đất ở (trước đây-PV) nằm sâu dưới khu vực lòng hồ, nhưng ông K’Siêu cùng 40 hộ dân khác vẫn không đến nơi ở mới (khu tái định cư-PV) và tiếp tục bám trụ ở đây để làm rẫy.

Ông K’Siêu khẳng định, gia đình bám trụ tại Vườn Quốc gia Tà Đùng có cuộc sống ổn định hơn

Qua 10 năm, con cái lớn và lập gia đình, bây giờ nhà ông K’Siêu đã tách làm hai hộ. Từ 40 hộ ở lại khu vực Vườn Quốc gia Tà Đùng, hiện đã phát sinh thêm 8 hộ mới. “Mình ở trong này thấy ổn hơn khu tái định cư, vì có rẫy, có nước sinh hoạt đầy đủ. Ngoài kia (khu tái định cư mới-PV) thiếu đất sản xuất, nên mình chỉ để mấy đứa con ở đó để học tập cho thuận lợi thôi”, ông K’Siêu tâm sự.

Dẫn chúng tôi đi thực tế, một cán bộ Vườn Quốc gia Tà Đùng tâm sự: Bà con ở đây chỉ canh tác trên phần diện tích nương rẫy cũ (đã giải tỏa và thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng). Tuy nhiên, không vì thế mà áp lực đối với rừng ở đây không có. Bởi vì, với số người, số hộ cứ ngày một tăng lên, trong khi diện tích đất sản xuất có giới hạn thì không thể nói là không bị áp lực về phá rừng…

Mấy chục hộ dân ở lọt thỏm dưới chân núi Tà Đùng có đầy đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất. Cách đó không xa là quốc lộ 28 cắt ngang, hướng về tỉnh Lâm Đồng. Với điều kiện sản xuất ổn định và thuận lợi về giao thông, nên nhiều năm qua, những hộ dân này dù đã có nhà ngoài khu tái định cư Đắl P'lao, nhưng vẫn bám trụ trong rừng để sinh sống.

Tỷ lệ hộ nghèo cao

ADQuảng cáo

Cùng đi với hơn 500 hộ dân khác ra ở tại Khu tái định cư xã Đắk P’lao hơn 10 năm qua, nhưng gia đình ông K’Long vẫn thuộc diện hộ nghèo. Ngoài căn nhà nhỏ được xây dựng theo diện hỗ trợ tái định cư thì gia đình ông cũng chỉ làm thêm được căn bếp nhỏ và khu vực nuôi gia cầm.

Hỏi về nơi ở mới, ông K’Long cho rằng, gia đình hiện rất khó khăn: “Ra tới đây, gia đình tôi được cấp 4 sào đất rẫy, rồi khai hoang và mua thêm được 6 sào nữa. Thế nhưng, đất ở vùng này dốc, cằn, lại thiếu nước tưới nên cả năm vừa rồi gia đình chỉ thu được một tấn cà phê. Với số tiền được đền bù còn dư một ít thì cả nhà 5 người chỉ tiêu được vài năm là hết sạch”, ông K’Long phân trần.

Nói về nơi ở cũ, ông K’Long trở nên hào hứng hơn. Theo ông, trước đây, gia đình có hơn 2 ha rẫy, mỗi năm trừ chi phí cũng còn 2 tấn cà phê. Cả gia đình 5 người sống cũng tạm ổn. Đất rẫy gần nhà, đi làm rất thuận lợi… Còn giờ đây, mọi thứ khác hẳn, khó khăn hơn rất nhiều.

Nói về đất sản xuất ở xã Đắk P’lao, ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Cho đến giờ này, đã 10 năm, qua rà soát toàn bộ thì khu vực Đắk P’lao đang còn thiếu hơn 200 ha đất sản xuất của người dân. Việc bố trí đất sản xuất là một trong những vấn đề trăn trở nhất ở địa phương những năm qua”.

Nhiều hộ dân vẫn sống trong Vườn Quốc gia Tà Đùng mà không ra ở Khu tái định cư xã Đắk P’lao

Cũng theo ông Thuần, đến nay huyện đã rà soát, thu hồi diện tích đất trong quy hoạch của dự án để sớm cấp cho các hộ dân còn thiếu đất canh tác. Tuy nhiên, để cấp đủ đất cho người dân (mỗi hộ một ha-PV) vẫn rất khó. Bởi vì, để tìm được đủ diện tích đất và có điều kiện phù hợp cho người dân canh tác, thực sự là vấn đề rất nan giải.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đắk P’lao, toàn xã hiện vẫn còn hơn 50% là hộ nghèo. Cái khó nhất của địa phương là tìm giải pháp để thoát nghèo. Thực tế, cả xã còn nhiều hộ dân chưa được cấp tái định canh, nên đời sống rất khó khăn. “Ngay cả những hộ được cấp đất sản xuất thì cũng chỉ mới cấp được 4-5 sào, bằng khoảng một nửa so với quy định. Cũng vì có nhiều hộ dân còn thiếu đất sản xuất, nên câu chuyện thoát nghèo luôn là vấn đề thường trực ở địa phương”, ông Hùng cho biết.

10 năm là quãng thời gian không phải ngắn để các gia đình ổn định cuộc sống khi đến nơi ở mới. Với những gì đang diễn ra ở Khu tái định cư xã Đắk P’lao, sẽ còn phải tốn rất nhiều công sức của cả người dân và chính quyền địa phương. Trong khi đó, cũng là khoảng thời gian gần 10 năm, nhưng khi đến các khu tái định cư mới ở bon Bu P’răng 1 và bon Bu P’răng 2, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức lại khác rất nhiều.

>>Kỳ 3: Tín hiệu vui ở Bu P’răng

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất ổn từ những dự án ổn định dân cư (kỳ 2): Chông chênh Đắk P'lao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO