Bất ổn từ những dự án ổn định dân cư

Công Tính - Phan Tuấn| 04/06/2020 08:39

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có hơn chục dự án ổn định dân cư, với hàng nghìn hộ gia đình được bố trí sinh sống. Thế nhưng, bên cạnh những hộ gia đình yên tâm với nơi ở mới, vẫn còn nhiều người đang phải chật vật kiếm sống, thậm chí cả cái ăn từng ngày. Có nhiều trường hợp đã rời bỏ điểm ổn định dân cư, lang bạt để kiếm kế sinh nhai.

ADQuảng cáo

Kỳ 1:  Những bất ổn nơi định cư

Khung cảnh đìu hiu, vắng lặng là những gì đang diễn ra tại Dự án trọng điểm ổn định dân di cư tự do khu vực biên giới xã Thuận Hà (Đắk Song) và Dự án Làng thanh niên lập nghiệp xã Quảng Trực (Tuy Đức). Số hộ dân đến sinh sống thực tế ở đây đã cho thấy, hiệu quả đề ra ban đầu ở những dự án này đã không đạt được mục tiêu.

Nhiều người chỉ làm nhà tạm để “nhận đất” ở Dự án trọng điểm ổn định dân di cư tự do khu vực biên giới xã Thuận Hà

Làng thanh niên hoang vắng

Dưới cái nắng gắt mùa khô Tây Nguyên, từ những đám cỏ ven đường đến từng nếp nhà ván chạy dọc con đường đất ven Làng thanh niên lập nghiệp ở xã Quảng Trực nhuộm một màu đỏ. Nếu không có sự hướng dẫn tận tình của lãnh đạo xã thì chúng tôi chẳng thể nhận ra đâu là ranh giới thuộc dự án.

Dọc con đường chính thuộc vùng dự án, chỉ có vài căn nhà gỗ xiêu vẹo, cửa đóng im lìm. Khu vực từng được xem là “trụ sở” của khu làng, (sau đó được giao cho một hợp tác xã ở địa phương thuê-PV), giờ cũng đã bỏ hoang.

Clip: Làng thanh niên lập nghiệp hoang vắng

Nói về dự án này, ông Đoàn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, hiện tại cũng chỉ có 20 hộ gia đình thuộc diện được bố trí đến sinh sống. Số còn lại khoảng 30 gia đình là những người ở nơi khác đến. “Nếu nói về những đánh giá của địa phương thì Dự án Làng thanh niên lập nghiệp là không thành công. Bởi vì, so với các dự án bố trí dân cư trên địa bàn xã (Dự án tái lập 2 bon Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2-PV) sẽ khác xa rất nhiều”, ông Quân cho biết.

Về nguyên nhân dự án thất bại, theo ông Quân là do triển khai chưa đồng bộ về đầu tư xây dựng hạ tầng, bố trí đất đai sản xuất, tạo kế sinh nhai... nên khó thu hút được các hộ gia đình đến sinh sống, lập nghiệp.
Ngày 31/10/2006, Trung ương Đoàn đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Làng thanh niên lập nghiệp tại xã Quảng Trực, với tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng. Dự án do Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư, với mục tiêu bố trí nơi ở cho 150 hộ gia đình thanh niên. Nếu vào sinh sống tại Làng thanh niên này, mỗi hộ gia đình sẽ được cấp 400 m2 đất ở, 600 m2 đất vườn và 2 ha đất sản xuất nông nghiệp, cùng 31 triệu đồng để làm nhà ở, đào giếng nước và khai hoang.

Ngày 22/12/2012, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định giao hơn 1.170 ha đất tại tiểu khu 1451, xã Quảng Trực cho Tỉnh đoàn sử dụng vào mục đích xây dựng dự án. Từ đó đến nay, dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng một số hạng mục hạ tầng như: Hồ thủy lợi 7 ha; 0,5 km đường nhựa; 2,5 km đường đất; 9 giếng khoan; 80 bồn chứa nước; vườn ươm cây giống 0,2 ha…

ADQuảng cáo

Thế nhưng, cho đến nay, đất đai trong vùng dự án đã bị người dân địa phương xâm chiếm, mua bán; đối tượng thụ hưởng dự án tham gia ít… nên dự án được điều chỉnh bố trí từ 150 hộ xuống 80 hộ. Trong số này chỉ có 20 hộ là thanh niên làm nòng cốt, còn lại 60 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Đến ngày 6/3/2017, dự án được bàn giao về cho địa phương quản lý.

Nơi từng được dùng làm “trụ sở” của Làng thanh niên lập nghiệp giờ cỏ mọc um tùm

Đìu hiu dự án dân cư Thuận Hà

Đợi đến gần trưa, chúng tôi mới vào khu vực Dự án trọng điểm ổn định dân di cư tự do khu vực biên giới xã Thuận Hà (Đắk Song). Theo cán bộ xã cho biết, vào giờ trưa hoặc tối sẽ dễ gặp bà con ở nhà hơn. Bình thường thì mọi người đóng cửa nhà đi làm rẫy.

Dù ở trung tâm dự án, nhưng chỉ có vài căn nhà mở cửa. Cả khu dân cư vắng lặng. Lâu lâu chúng tôi mới bắt gặp một vài người chạy xe máy qua lại. Thế nhưng họ là các công nhân đang thi công trụ điện trong khu dân cư này chứ không phải người dân địa phương.

Hơn 89,2 tỷ đồng đầu tư dự án dân cư Thuận Hà

Dự án trọng điểm ổn định dân di cư tự do khu vực biên giới xã Thuận Hà do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) làm chủ đầu tư, với tổng số vốn hơn 89 tỷ đồng. Dự án được triển khai năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013. Mục tiêu của dự án là góp phần ổn định đời sống, sản xuất cho 249 hộ đồng bào, trong đó mỗi hộ được cấp 400 m2 đất ở và hỗ trợ 10 triệu đồng để làm nhà. Thanh tra tỉnh đã chỉ ra các sai phạm tại dự án như: Chưa làm tốt công tác điều tra, khảo sát, đánh giá các yếu tố phát sinh làm gia tăng chi phí giải phóng mặt bằng nên nhiều hạng mục bị cắt giảm…

Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được một người dân định cư ở đây để trò chuyện. Đó là anh Trần Văn Chiến, người sống lâu năm nhất ở đây. Hôm nay anh bận chấm công cho người làm thuê, nên mới ở nhà. Anh Chiến cho biết, gia đình anh đến định cư ở dự án từ năm 2012, nhưng không có điện, nước để sinh hoạt. Những năm trước, vào mùa khô, nước sinh hoạt thiếu nghiêm trọng. Mãi đến năm 2018, khi có nguồn nước sinh hoạt tập trung, bà con mới bớt lo. Anh Chiến tâm sự: Ở đây (dự án-PV) chỉ có đất ở, còn rẫy thì làm ở bên huyện Tuy Đức. Rẫy làm cách xa 8 km, nên hàng ngày gia đình phải sáng đi, tối về.  

Sau gần 10 năm, Dự án trọng điểm ổn định dân di cư tự do khu vực biên giới xã Thuận Hà vẫn còn nhếch nhác

Cũng vì chỗ ở cách xa nơi sản xuất, nên nhiều hộ chỉ dựng tạm căn nhà tại vùng dự án. Dọc con đường chính trong vùng dự án, có hàng chục căn nhà (gọi là lán thì đúng hơn-PV) đóng cửa để… giữ đất. Ông Trần Văn Được, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà cho biết: “Theo quy hoạch ban đầu, dự án bố trí đất ở cho 249 hộ dân di cư và mỗi hộ 1 ha đất sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay dự án chỉ có 20 ha đất ở với 229 hộ gia đình về sinh sống”.

Ông Được cho biết thêm, hiện nay vùng dự án có khoảng 40% số hộ phải làm rẫy xa (nơi ở cũ-PV) ở huyện Tuy Đức. Vì vậy, phần lớn số hộ tại Dự án trọng điểm ổn định dân di cư tự do khu vực biên giới xã Thuận Hà phải thường xuyên đóng cửa để đi làm.

Nhiều người dân không đến ở tại hai dự án ổn định dân cư vùng biên còn có lý do nữa là, các dự án này không được đầu tư đồng bộ về hạ tầng. Thế nhưng, theo tìm hiểu, ngay cả khi có dự án được đầu tư bài bản về điện, đường, trường, trạm, nhà ở… thì vẫn có nhiều người không đến sinh sống.

>>Kỳ 2: Chông chênh Đắk P’lao

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất ổn từ những dự án ổn định dân cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO