Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Cần sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của cả cộng đồng

Vũ Trang thực hiện| 20/09/2017 09:24

Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng và xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động bảo đảm VSATTP vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh.

ADQuảng cáo

Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Tuy Đức

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng VSATTP trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Nguyễn Tấn Thành: Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ngày càng nhiều và đa dạng, là thị trường “màu mỡ” đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống, trong đó có cả người kinh doanh chân chính và người kinh doanh vì lợi nhuận mà thiếu lương tâm, trách nhiệm. Vì vậy, bên cạnh các loại thực phẩm “sạch”, người tiêu dùng vẫn phải tiêu thụ các mặt hàng kém chất lượng, không bảo đảm VSATTP. Thực tế, thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đã quan tâm hơn đến vấn đề VSATTP.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về VSATTP vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào, nhưng vẫn có 147 trường hợp ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ. Trong quá trình thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về VSATTP, toàn tỉnh vẫn có 30,7% cơ sở được kiểm tra vi phạm. Nhiều loại thực phẩm còn sử dụng phụ gia và phẩm màu quá liều lượng cho phép có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người dân.

PV: Trước thực tế đó, các ngành chức năng đã có những biện pháp nào để bảo đảm VSATTP cho người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Tấn Thành: Hàng năm, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm VSATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Các nội dung này cũng được ngành triển khai thường xuyên trong năm. Công tác truyền thông được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, qua đó, nhận thức của người dân về vấn đề VSATTP ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thanh, kiểm tra chất lượng VSATTP được tăng cường.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức 187 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và tiến hành kiểm tra 2.710 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Một số công tác khác như: Lấy mẫu giám sát đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; quản lý công bố tiêu chuẩn sản phẩm; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; đào tạo, tập huấn... cũng được duy trì thường xuyên.

PV: Thực tế cho thấy, quá trình triển khai các hoạt động đang gặp không ít khó khăn. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Tấn Thành: Đúng vậy, Đắk Nông là tỉnh biên giới có địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phần lớn nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình, nên việc quản lý rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí, phương tiện, nhân lực cũng là một trong những bất cập trong công tác bảo đảm VSATTP hiện nay, nhất là ở tuyến cơ sở. Hiện nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác VSATTP thuộc cả 3 ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp chỉ có 123 người. Tại tuyến cơ sở, các ngành Công thương, Nông nghiệp hầu như không có chuyên trách riêng về lĩnh vực VSATTP. Đối với ngành Y tế, hiện nay tại 71 xã, phường, thị trấn cũng không có chuyên trách riêng về VSATTP mà chỉ có 71 cộng tác viên.

Trang thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu trên tất cả các tuyến, các ngành, đặc biệt là phòng kiểm nghiệm, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác lấy mẫu, kiểm nghiệm, kiểm tra nhanh... Đối với công tác thanh, kiểm tra, nhất là kiểm tra liên ngành, do thiếu kinh phí, nhân lực nên chưa được triển khai thường xuyên, chỉ tập trung trong những thời gian cao điểm. Số cơ sở được thanh, kiểm tra mỗi năm cũng không nhiều, thực sự chỉ như “muối bỏ bể”.

Ngoài ra, việc xử phạt đối với các cơ sở vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe. Một số nơi, đơn vị, việc thực hiện còn theo kiểu hình thức, thiếu nghiêm túc. Nhiều trường hợp vi phạm được phát hiện tại tuyến cơ sở hầu như không bị xử phạt mà chủ yếu chỉ nhắc nhở. Thậm chí, một số địa phương nhắc nhở 100%.

Một vấn đề đáng ngại nữa là hiện nay, mặc dù nhận thức của người dân về vấn đề VSATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng giữa nhận thức và thực hành vẫn còn khoảng cách nhất định, dẫn đến việc vi phạm các quy định VSATTP vẫn còn nhiều.

PV: Để hạn chế vấn đề này, theo ông, chúng ta cần có những giải pháp nào?

Ông Nguyễn Tấn Thành: Theo tôi, về lâu dài, chúng ta cần tiếp tục xây dựng chế tài xử phạt đúng mức, nghiêm khắc. Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cần được chú trọng hơn nữa để xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên ngành vừa đông đảo, vừa có năng lực. Ngoài ra, công tác bảo đảm VSATTP cần được xã hội hóa sâu rộng với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả cộng đồng.

Để làm được điều đó, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cho các cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về VSATTP. Bên cạnh đó, các địa phương cần có những chính sách khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, trên cơ sở nhân rộng một số mô hình có tác động lan tỏa như thịt heo sạch, trứng sạch, rau sạch...

Đặc biệt, trong “cuộc chiến” chống lại tình trạng vi phạm VSATTP, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, sau đó là trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh. Tuy nhiên, thái độ của người tiêu dùng cũng đóng vai trò rất quan trọng, phải biết “tẩy chay” thì thực phẩm kém chất lượng, mất VSATTP mới không còn “đất sống”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Cần sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của cả cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO