Báo chí đa phương tiện - Xu thế của báo chí hiện đại

HỒ VĂN MIỀN| 21/06/2022 10:07

Truyền thông đa phương tiện như một “luồng gió mới” tác động trực tiếp tới ngành báo chí, làm đổi mới bộ mặt báo chí truyền thống, thay đổi tư duy của người làm báo, và thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận thông tin của công chúng xã hội. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đây là mục tiêu hướng đến của các tòa soạn báo hiện nay.

ADQuảng cáo

Xu hướng tích hợp đa phương tiện

Vậy báo chí đa phương tiện là gì ? Theo các chuyên gia, nhà quản lý thì báo chí đa phương tiện có thể hiểu là một tòa soạn gồm nhiều loại báo chí, như: báo in, báo điện tử, media, phát thanh, truyền hình, các clip...Phương thức truyền tải có nhiều thay đổi thích ứng với nhu cầu của độc giả và tòa soạn cũng phải có sự thay đổi. Tòa soạn hội tụ thể hiện với nhiều phương tiện ứng dụng công nghệ so với làm báo truyền thống, trong đó nổi bật đó là hội tụ về thông tin, thông tin nhanh và có sự tương tác.

Trong những năm gần đây, ứng dụng đa phương tiện trong báo chí truyền thông đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trên báo mạng điện tử đã thể hiện rõ tính ưu việt trong cung cấp thông tin đa dạng, với đa phương thức chuyển tải thông tin đến với công chúng. Các báo mạng điện tử ở Việt Nam tuy mới ra đời và mới tiếp cận truyền thông hiện đại nhưng đã có bước phát triển vượt bậc.

Hiện tại sản phẩm báo chí truyền thông của nhiều cơ quan báo chí đã và đang đi theo hướng truyền thông đa phương tiện, tức là sử dụng nhiều phương thức truyền tải thông tin tích hợp, bổ trợ lẫn nhau, tạo nên tính hấp dẫn, khách quan, chân thực hơn và dễ hiểu hơn.

Nói cách khác, tòa soạn hội tụ, ngày càng thu hẹp và không còn khoảng cách giữa báo mạng điện tử và phát thanh, truyền hình. Tòa soạn hội tụ, đa phương tiện tích hợp các loại hình báo chí như báo in, báo hình, báo mạng điện tử, báo phát thanh, thông qua sản phẩm truyền thông số tùy biến cho các thiết bị tiếp nhận thông tin như: máy tính, thiết bị di động, thiết bị thông minh...

Phòng kỹ thuật Ðài PTTH Ðắk Nông. Ảnh: Xuân Trí

Không thể thờ ơ, đứng ngoài cuộc

Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 xác định phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Đứng ở góc độ cơ quan báo chí, các nhà quản lý cũng nhìn nhận truyền thông đa phương tiện là mục tiêu các cơ quan báo chí đã và đang thực hiện.

ADQuảng cáo

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông), phát triển sản phẩm truyền thông đa phương tiện là một xu thế tất yếu của báo chí truyền thông hiện nay. Nếu cơ quan báo chí nào xem nhẹ việc này, không chịu đầu tư, đổi mới để đáp ứng nhu cầu thông tin đa chiều của công chúng thì cơ quan báo chí đó sẽ đánh mất đi lượng công chúng của mình. Vì thế, việc nghiên cứu phương thức tổ chức, quản lý sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện là cần thiết để phát triển hơn nữa báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay.

Ông Phúc nhận định xu thế trong thời gian tới đó là từng bước phát triển tổ hợp truyền thông chủ lực đa phương tiện, đa dịch vụ để giữ nhịp định hướng thông tin. Trong đó loại hình phát thanh - truyền hình vẫn sẽ là kênh truyền thông chủ lực quốc gia, phân phối đa nền tảng, đa dịch vụ, truyền dẫn chủ yếu trên internet băng thông rộng; phân định rõ giải trí và tuyên truyền; truyền hình tương tác, theo nhu cầu là xu thế chính.

Ðài PTTH Ðắk Nông đăng thông tin trên nền tảng Tik Tok. Ảnh: Hoài Anh

Ðài PTTH Ðắk Nông trong lộ trình đa phương tiện

Trước yêu cầu của xu thế mới, từ giữa năm 2020, Đài PTTH tỉnh (PTD) đã xây dựng Đề án phát triển cơ quan báo chí hội tụ, chuyển đổi số hoàn thành đến năm 2025. Đây là vấn đề mới nhưng không thể đứng ngoài cuộc. Do vậy, quá trình triển khai đòi hỏi tính cẩn trọng, học hỏi các đài bạn để định hình cách làm phù hợp. Vấn đề đặt ra là Mô hình tòa soạn hội tụ thế nào để phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan, nguồn nhân lực, vật lực...

Đề án chuyển đổi số vận dụng sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật – công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, internet kết nối thông tin toàn cầu mà đa phương tiện phát triển. Đa phương tiện ứng dụng trong lĩnh vực báo chí có khả năng chuyển tải đồng thời dữ liệu bằng đa mã ngôn ngữ (text, ảnh, đồ họa, audio clip, video clip) và sự tương tác đa chiều như livestream, dịch vụ OTTTV... Mặt khác, nó được vận dụng tối đa sự tiến bộ của công nghệ vào sản xuất sản phẩm cũng như quản trị toàn bộ tòa soạn, quy trình sản xuất sản phẩm báo chí. Khi hình thành tòa soạn hội tụ truyền thông đa phương tiện sẽ hình thành mô hình nhà báo đa năng, tức là nhà báo đó có khả năng thích ứng tạo ra các tác phẩm và sản phẩm theo từng loại hình báo chí. Đây cũng chính là sự đòi hỏi các nhà báo tác nghiệp theo phong cách truyền thống phải thay đổi, đáp ứng được tính chất làm báo hiện đại, đa phương tiện hiện nay.

Quá trình triển khai đề án, Đài PTTH Đắk Nông gặp một số khó khăn, trong đó khó nhất là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực nói chung của PTD so với mặt bằng chung của cả nước hiện ít nhất về số lượng, hạn chế về chất lượng. So với khu vực Tây Nguyên cũng thấp nhất về số lượng. Hiện PTD có tổng 83 viên chức, lao động, trong khi Đắk Lắk là 145, Lâm Đồng 170, Gia Lai 140..., trong khi nhiệm vụ chính trị như nhau và yêu cầu ngày một cao.

Hiện nay, một số đài làm tốt về cơ quan báo chí đa phương tiện, chuyển đổi số, truyền thông số là Hậu Giang, Tây Ninh... Các đài này có nguyên một Phòng Truyền thông số với nhân lực mạnh, tổ chức hoạt động, tương tác hiệu quả, tạo ra nguồn thu. Đài PTTH Đắk Nông cũng là đơn vị đi đầu ở khu vực Tây Nguyên về lĩnh vực chuyển đổi số, truyền thông số. Quá trình thực hiện đề án đã vận dụng, khai thác bước đầu về lĩnh vực này. Song, do khó khăn về nhân lực nên chỉ thành lập Tổ với mấy thành viên, hoạt động kiêm nhiệm. Dù vậy, thời gian qua lĩnh vực này đã cho thấy đáp ứng yêu cầu thông tin giai đoạn hiện nay và chuyển biến tích cực.

Dự kiến cuối năm 2022, Đài PTTH Đắk Nông sẽ hoàn thành và vận hành mô hình cơ quan đa phương tiện, chuyển đổi số. Các điều kiện vận hành hoạt động của cơ quan đa phương tiện đặt ra các yêu cầu về nguyên tắc, nhiệm vụ mới về tính chính trị, chuyên sâu, đồng thời cũng đặt ra tính đa năng, hiểu biết đa lĩnh vực của nguồn nhân lực, trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tin. Ví dụ về nguyên tắc, mô hình đa phương tiện thông tin cần nhanh, nóng... dễ dẫn đến sơ suất trong khâu biên tập. Vì vậy, tòa soạn cần xây dựng quy trình thẩm định bài bản. Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên... phải chuyên sâu về lĩnh vực mình, thuần thục quy trình làm báo, và phải đáp ứng được yêu cầu đa năng trong xu thế mới.

Trước yêu cầu đó, đòi hỏi bên cạnh thay đổi về mô hình, cơ cấu về tổ chức nhân sự tại cơ quan, thì rất cần Nhà nước đẩy mạnh, đồng bộ cơ chế đặt hàng, tính đúng tính đủ theo tinh thần Quy hoạch phát triển báo chí đến năm 2025; các Nghị quyết 19-NQ-TW, 27-NQ-TW của Đảng và mới nhất là Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Được như vậy, khi ấy các cơ quan báo chí nói chung, đa phương tiện nói riêng có điều kiện chủ động về tài chính, nhân lực, đề ra chiến lược phát triển trong xu thế mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí đa phương tiện - Xu thế của báo chí hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO