Bà con luôn tự hào, nhớ về cội nguồn đất Tổ!

Mỹ Hằng| 21/04/2021 08:12

Rời quê hương đến lập nghiệp trên vùng đất mới, với bản tính chịu thương chịu khó, giờ đây không ít người Phú Thọ đang sinh sống tại thôn 6, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đã vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

ADQuảng cáo

Người đầu tiên mà chúng tôi nói đến là anh Dương Văn Trung, một trong những tỷ phú trẻ tuổi nơi đây được mọi người khen ngợi. Anh Trung kể, quê anh ở miền trung du Bắc bộ, thuộc xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Từ năm 1999, gia đình đến vùng đất mới Đắk Nông để lập nghiệp.

Bà con người Phú Thọ ở xã Đắk Búk So luôn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn

Những ngày đầu đến vùng đất mới, với số tiền dành dụm được, gia đình anh đã mua 2 ha đất để trồng cà phê. Vừa chăm sóc cây trồng, anh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do chính quyền các cấp tổ chức và áp dụng vào thực tế tại vườn rẫy của gia đình mình.

Với phương châm “lấy công làm lời, sống tiết kiệm”, vợ chồng anh chăm chỉ làm ăn, để tạo vốn tích lũy vươn lên, mở rộng quy mô sản xuất. Gia đình anh đã mạnh dạn mua một chiếc máy cày về phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình và bà con trong thôn. Làm có đến đâu, anh tích lũy mở rộng diện tích đến đó và hiện nay, gia đình anh đã có hơn 10 ha cà phê, 7 ha tiêu và nhiều loại cây ăn trái khác.

Năm 2020, anh còn đầu tư xây dựng trang trại nuôi heo với diện tích 600m2 và dự kiến tháng 8 tới sẽ thả 2.400 con heo giống. Trên phần mái của trang trại, anh đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây lắp điện năng lượng mặt trời và hiện nay, mỗi tháng thu về gần 60 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu về 20 tấn tiêu, 50 tấn cà phê nhân, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Anh Trung chia sẻ: “Có được thành quả như hôm nay, gia đình tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn lẫn thất bại. Đã xa quê làm kinh tế thì ai cũng khó khăn cả, nhưng điều quan trọng nhất là mình phải biết thích nghi hoàn cảnh và biết vượt qua mới là điều quan trọng”.

Trung bình mỗi năm, gia đình anh Dương Văn Trung thu nhập hơn 2 tỷ đồng

ADQuảng cáo

Tương tự, anh Dương Văn Tiến vào Đắk Nông lập nghiệp từ năm 2000 và hiện có cơ ngơi nhà cửa khang trang, vườn cây công nghiệp xanh tốt với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Theo anh Tiến, những ngày đầu đến vùng đất mới, anh đã không ngừng nỗ lực để bám trụ gây dựng cơ nghiệp. Ban đầu, với 1 ha đất sản xuất, anh chủ yếu trồng hoa màu để lo cuộc sống hằng ngày. Với bản tính chịu khó, anh đã đi học hỏi các hộ dân địa phương, đăng ký tham gia các lớp tập huấn của huyện để học hỏi kinh nghiệm, chọn cây trồng phù hợp và chuyển sang trồng 1 ha hồ tiêu.

Nhờ đầu tư căn bản ngay từ đầu, vườn hồ tiêu của gia đình anh luôn cho năng suất cao, bình quân mỗi vụ đạt từ 4-5 tấn/ha. Đặc biệt, để hạn chế rủi ro “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, trên diện tích đất, anh đã trồng xen thêm các loại cây như sầu riêng, mít, mắc ca và nuôi thêm gia cầm để tăng thu nhập.

Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với bà con, được nhiều người tin yêu, quý trọng. Sau một thời gian nỗ lực, anh đã đầu tư mua thêm đất sản xuất và đến nay đã có cơ ngơi gần 10 ha tiêu, cà phê đang độ thu hoạch.

Anh Tiến cho hay: “Sinh ra trên đất Tổ Vua Hùng, đến Đắk Nông lập nghiệp từ khi còn rất trẻ, bản thân tôi đã xác định ngay từ đầu là làm kinh tế và lập gia đình ở đây. Đắk Nông là quê hương thứ hai của tôi và dù có khó khăn đến đâu thì bản thân cũng sẽ cố gắng vượt qua".

Gia đình ông Nguyễn Văn Chất cũng vào Đắk Búk So lập nghiệp, từ ban đầu chỉ có chưa đầy 1 ha đất, hiện đã có khoảng 22 ha gồm cà phê, tiêu, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Ngoài việc làm giàu cho bản thân, gia đình ông còn luôn giúp đỡ những gia đình nghèo khó xung quanh. Bằng cách cho vay vốn không lấy lãi, ông đã giúp nhiều hộ có tiền đầu tư vào sản xuất.

Theo ông Chữ Văn Chúc, Hội trưởng Hội đồng hương Phú Thọ tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức), Hội đồng hương Phú Thọ hiện có hơn 100 hộ gia đình tham gia sinh hoạt, hầu hết bà con sinh sống tại thôn 6. Bà con nơi đây đều ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao vào đây lập nghiệp, từ năm 1999. Xa quê làm kinh tế nên ai cũng cần cù, chịu thương chịu khó, giúp đỡ nhau trong sản xuất, nhiều gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Không những làm kinh tế giỏi, bà con luôn tích cực hưởng ứng các hoạt động, phong trào do địa phương tổ chức. Dù đi đâu làm gì, bà con vẫn luôn tự hào, nhớ về cội nguồn đất Tổ nên phải sống và làm việc sao cho có ích cho cộng đồng, xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà con luôn tự hào, nhớ về cội nguồn đất Tổ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO