Truyện ngắn: Ước mơ

12/07/2019 09:16

Tác giả: Bùi Nhị Đông Khuê

ADQuảng cáo

Minh họa: Ngọc Tâm

Vừa đặt điện thoại xuống, nước mắt Ngọc cứ tuôn ra như mưa. May trong nhà không có ai cả, Ngọc nhanh chóng chui vào buồng và khóc to. Ngọc không ngờ, điểm thi của mình lại thấp như vậy, ba môn tổng cộng chỉ có mười bốn điểm, thiếu một điểm rưỡi nữa mới đỗ.

Bao mơ ước, hy vọng trong suốt hơn một năm qua dồn vào kỳ thi quyết định này. Nhưng Ngọc lại trượt. Ngọc cảm thấy cuộc đời sao bất công quá. Ngọc uất ức, nghẹn ngào trong tiếng nấc không thành tiếng. Tối qua, cả nhà còn quây quần bên nhau, mọi người bàn tính chuyện học hành nếu Ngọc đậu, ba mẹ hớn hở và hy vọng lắm!

Ngọc thấy trước mặt mình, tương lai tối sầm. Ngọc không biết phải giải thích, phải thông báo như thế nào với gia đình về thông tin này. Rồi cả nhà cũng biết khi thấy Ngọc không ăn cơm trưa, đôi mắt sưng húp. Ba - người thương Ngọc nhất, người đặt hết bao hy vọng, niềm tin vào đứa con gái ngoan ngoãn, biết nghe lời. Mỗi khi có chuyện gì khó khăn, người giúp Ngọc đứng lên và tiếp thêm nghị lực là ba. Đôi mắt đầy niềm tin và hãnh diện sáng rực lên trong những năm qua khi mỗi lần Ngọc đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi hay những lần đi họp phụ huynh nghe các thầy cô giáo tuyên dương thành tích học tập của con mình. Giờ đây, đôi mắt ấy sụp xuống, thất vọng thật sự. Ngọc sợ nhất điều này, sợ làm mất điểm sáng trong đôi mắt ba. Thật sự là Ngọc rối bời, Ngọc tủi thân. Ngọc không muốn ở đây nữa, không muốn cứ phải sống như thế này. Ngọc muốn đi, đi thật xa để trốn chạy sự thật, trốn chạy tất cả. Rồi Ngọc nghĩ: “mình sẽ làm gì tiếp theo”, khi nhìn lũ bạn - những đứa thi rớt năm ngoái năm nay đậu lại tung tăng cắp sách đi học,... càng nghĩ, Ngọc càng không chịu nổi, càng nghĩ, Ngọc càng thấy mình bế tắc thật sự.

Ngọc cứ chìm trong cái vòng luẩn quẩn ấy suốt hai ngày. Cả nhà không ai nói gì cả. Từ khi thi xong đến giờ, hàng ngày Ngọc vẫn phụ mẹ bán hàng. Cứ mỗi buổi trưa đợi mẹ đi chợ, Ngọc lại tót vào tiệm may của cô. Ngọc thích lắm. Ngày xưa, Ngọc cũng đã rất thích may vá rồi, cứ khi nào rảnh rỗi lại đi xin vải thừa về may đồ cho búp bê. Những chiếc áo váy ngộ nghĩnh bởi những đường chắp vá nhưng cũng khá xinh xắn. Mỗi lần thấy Ngọc say mê với cây kim, mảnh vải, ba mẹ lại bảo chắc mai mốt lại thích làm nghề may đây.

Sẵn sự yêu thích có từ nhỏ, cùng với thời gian rảnh, chiều chiều Ngọc lại đạp xe xuống nhà cô xin học may. Ban đầu cả nhà không ai biết cả vì Ngọc chưa xác định được. Nhưng rồi gia đình cũng biết và không nói gì bởi nghĩ thời gian rảnh không làm gì thì để cho Ngọc đi học cũng được. Rồi đến hôm nay, khi để tuột một chỗ ngồi trong giảng đường đại học, Ngọc lại quyết định chọn học may. Ngọc nói với gia đình ý nguyện của mình, mẹ thì không phản ứng gì nhưng ba có vẻ không đồng tình “Học để biết thêm thì được, chứ chọn đó là một cái nghề thì ba không đồng ý! Con cứ học may và học ôn để sang năm thi tiếp”. Giọng nói và sắc mặt của ba quyết liệt lắm. Ngọc biết tính ba. Rất ít nói, nhưng một khi đã nói thì chắc như đinh đóng cột. Ngọc không thể thuyết phục ba được bởi những lý lẽ ba đưa ra quá đúng. Nào là nghề may bây giờ quá nhiều, đi đâu cũng tiệm may, học ra rồi làm như thế nào, có trụ vững không... quá nhiều lý do. Nhưng có một lý do cơ bản nhất ba muốn Ngọc tiếp tục ôn thi để trở thành cô giáo - ước mơ ngày xưa ba mong mỏi nhưng không thực hiện được. Không được sự đồng tình của ba sẽ là một thiệt thòi lớn cho Ngọc, bởi như vậy trong thời gian này ba sẽ không thèm quan tâm đến việc Ngọc làm gì, học hành như thế nào. Quan trọng hơn vẫn là khoản tiền gần hai triệu đồng để đóng tiền học và mua máy may, Ngọc không biết lấy số tiền ấy ở đâu. Ngọc không dám xin mẹ, bởi Ngọc biết mẹ cũng đã quá vất vả vì mình lắm rồi.

Hằng ngày Ngọc vẫn một buổi phụ mẹ bán hàng, một buổi học may. Ban đầu mọi cái bao giờ cũng khó khăn nhưng với Ngọc đó không phải là vấn đề lớn. Những đường may dần dần sắc nét hơn. Ngọc được học rất nhiều: Kết khuy áo, móc quần, là đồ... Những việc sơ khai ấy ngốn mất của Ngọc hơn một tuần liền nhưng cô nói như vậy là nhanh rồi, có bạn học đến khi gần ra nghề mà kết chiếc khuy áo vẫn không được. Còn Ngọc không những học tốt những công việc đó mà còn biết thắt những chiếc nơ xinh xắn, những bông hoa ngộ nghĩnh để cài lên những chiếc đầm. Khi mới nhìn thấy những chiếc nơ, bông hoa do những dây vải tạo thành, thấy hay hay vậy là Ngọc nghiên cứu mày mò, tối lại xin vải về nhà để tập làm và cuối cùng Ngọc đã làm được, nó còn dễ thương hơn nhiều. Ngọc đưa cho mọi người xem, ai cũng thích và trầm trồ khen.

Học được gần nửa tháng, Ngọc được ngồi máy tập đạp. Đây là khó khăn lớn của Ngọc, bởi học trò nào đi học cũng có máy riêng, nhưng Ngọc chỉ sơ cua máy nào rảnh thì chạy vào ngồi học một lúc. Nhưng đó chỉ là tạm thời, làm sao mà học lâu dài như thế được. Ngọc không đủ tiền để mua máy mới nhưng không lẽ lại bỏ cuộc. Mỗi ngày đến quầy là Ngọc lại lo bởi lúc nào thấy Ngọc ngồi vào máy là các bạn cùng học lại hỏi:

- Thế Ngọc vẫn chưa mua máy à! Hoặc lại nhắc khéo như “ngồi máy nhớ cẩn thận không gãy kim đấy”. Ngọc ngượng với các bạn lắm nhưng không biết làm sao đành cố im lặng để đạp mà nước mắt cứ chợt ứa ra.

Một hôm, khi học trò đã về hết, còn lại mỗi Ngọc, cô bảo: “Cô có chiếc máy cũ ở trên gác, Ngọc mang xuống lau chùi, tra dầu vào để mà may, tuy nó cũ nhưng xài tốt lắm. Khi nào có tiền thì gửi cô cũng được, đừng có ngại gì cả”. Ngọc không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn mà trong lòng tủi nhưng vui vô cùng.

Từ khi có máy, Ngọc cảm thấy mình ham học hơn. Ngọc đến khi mọi người chưa đến, chiều thì về muộn nhất. Hôm nào rỗi, tối lại chạy xuống học thêm. Sau thời gian học đạp máy thành thạo, Ngọc được học vẽ rồi cắt. Ban đầu chỉ là những chiếc quần thường, đơn giản, rồi đến học quần tây, áo sơ mi, áo kiểu đủ loại. Sẵn có khiếu, sự say mê và sáng tạo nên Ngọc học rất nhanh. Nhờ vậy mà Ngọc chỉ cần học những công thức thôi, các kiểu thì Ngọc có thể hiểu và tiếp thu nhanh hơn những bạn khác. Chẳng mấy chốc, khi gần đến tết, Ngọc đã tự may đồ cho mình, cho mẹ cho bà nội và ba đứa em. Chỉ có ba là không nhìn nhận sự cố gắng của Ngọc trong thời gian qua. Ba vẫn vậy, dửng dưng ngay cả khi Ngọc có ở nhà, khi chào ba đi học và cả khi về. Ngọc khổ tâm lắm, không ngờ ba lại quyết liệt đến vậy. Cuối năm, mẹ bảo “Ngọc đo may cho ba bộ đồ mặc tết nghe con”. Ngọc chưa kịp trả lời ba đã gắt lên “Không cần, tôi tự đi mua lấy, học hành thì chẳng ra gì mà may với vá”. Nước mắt Ngọc tự tuôn ra sau mỗi lời ba nói. Không ngờ ba vẫn vậy, không hề thay đổi một tý gì cho dù thời gian qua Ngọc đã nỗ lực hết mình và kết quả cũng đã thấy rõ. Tại sao ba không chịu nhìn nhận những gì Ngọc đã làm, không chấp nhận một điều rằng Ngọc thích hợp với nghề may, hay nghề may đã chọn Ngọc, nhất là trong lúc này.

Ngọc lại ngồi bên trang giấy khi tối đến, tự vẽ ra những kiểu mẫu thời trang, những mốt áo quần cứ nhảy múa trong đầu Ngọc. Tết đó, cả nhà Ngọc - trừ ba có quần áo mới mà không phải tốn tiền may, một khoản tiền rất lớn mỗi năm mẹ phải lo toan vất vả. Ngọc học hành tiến bộ nên chỉ một tháng sau Ngọc đã vững vàng ra nghề. Lúc này ba gọi Ngọc nói chuyện:

- Thời gian qua con đã dành thời gian cho việc học may nhiều rồi, chỉ còn năm tháng nữa là thi đại học, con thu xếp để ba đưa đi ôn.

ADQuảng cáo

Ngọc bất ngờ thật sự. Cho đến bây giờ ba vẫn giữ ý định ấy mà không hề nghĩ rằng từ khi thi rớt đến giờ, Ngọc không hề ngó ngàng gì đến sách vở và cũng không có ý định là sẽ thi lại năm tới.

- Ba à! Con xin lỗi nhưng con sẽ không thi nữa đâu. Ngọc nhìn ba rồi cương quyết trả lời.

- Con quyết như vậy sao, theo cái nghề ấy mà bỏ thi đại học, bỏ tương lai của mình sao?

- Ba đừng nói như vậy mà! Nghề may cũng là một nghề chân chính, nó cũng có tương lai nếu mình biết cố gắng và có đường đi hợp lý. Con yêu thích và quyết định như vậy.

- Vậy còn ước mơ trở thành cô giáo ngày xưa của con và cả hy vọng của ba bao năm nay nữa thì sao? Ba nuôi con mười hai năm ăn học để làm gì, nếu biết con học may mà không thi đại học thì ba chẳng cho con đi học làm gì cho phí công. Ba đứng dậy và nổi nóng.

- Ba! Mười hai năm ăn học của con đâu có phí uổng gì khi con đi học may đâu. Trình độ của một người hết lớp mười hai khác với những người lớp tám, lớp chín khi áp dụng bất cứ một công việc gì chứ. Cho dù ba không thích nhưng con thấy đó cũng là một nghề tốt, tạo cho ta tính sáng tạo...

- Thôi không nói gì thêm nữa, đi ôn hay không là tùy con nhưng con vẫn phải thi tiếp. Ba không muốn nhắc lại với con chuyện này lần nữa đâu.

Vừa nói dứt câu, ba đứng dậy ra sau, không để cho Ngọc nói thêm câu gì. Ngọc biết có nói gì thêm cũng không có ý nghĩa.

Hết khóa học may nhưng Ngọc vẫn ở lại may cho chắc tay nghề, cũng là để trả nợ số tiền học phí và chiếc máy mà cô đã bán cho Ngọc. Ngọc chăm chỉ, siêng cộng với tay nghề vững vàng nên chỉ hơn hai tháng may gia công, Ngọc đã trả đủ số tiền gần hai triệu. Một việc mà từ trước đến nay chưa có học trò nào làm được. Ngọc quyết định ở lại may thêm vài tháng nữa rồi mới quyết định tự lập hẳn.

Ngày Ngọc mở tiệm cũng là ngày đứa em kế Ngọc đi thi đại học, ba nhìn Ngọc lăng xăng chạy đi chạy về lo khai trương tiệm may buồn không tả. Ngọc hiểu được tâm trạng, nỗi lòng của ba lắm nhưng biết làm sao được.

Ngọc đã quyết định và sẽ phải làm cho bằng được cho dù có khó khăn như thế nào. Số tiền dành dụm được qua ba tháng làm thêm Ngọc đã mua được thêm một chiếc máy mới, một chiếc máy vắt sổ, trả tiền thuê quầy ba tháng đầu và mua được một số dụng cụ phục vụ cho nghề. Còn lại là vải vóc, đồ vặt, những thứ linh tinh đều được mẹ và cô hỗ trợ nhiệt tình.

Năm học mới đến thật nhanh, cả nhà Ngọc nhận được tin vui vì đứa em kế đậu cao đẳng sư phạm, công việc của Ngọc dần khá lên, Ngọc bận hơn trước. Quần áo chuẩn bị cho năm học mới của khách tấp nập làm Ngọc không có thời gian rảnh, Ngọc may nhanh nhưng không làm ẩu. Chính nhờ điều này mà Ngọc nhận được sự tin tưởng của khách hàng hơn, Ngọc phải nhờ cả cô bạn cùng học trước kia để cùng làm mới kịp đồ cho khách.

Một buổi chiều cuối năm, sau khi thu xếp xong công việc, Ngọc thả bộ về nhà. Con đường về hôm nay rộng và vắng vẻ đến lạ, ánh nắng chiều vàng nhạt, nhẹ nhàng và đẹp thật. Lâu lắm rồi Ngọc mới có cảm giác thích thú như thế này, cô cảm thấy vui lắm. Chiều nay ba gọi điện bảo về nhà ăn cơm, điều đó đồng nghĩa với việc ba đã chấp nhận những nỗ lực và cố gắng của Ngọc. Ngọc ngẫm ra một điều quan trọng, trên đời này người ta đâu chỉ có mỗi con đường! Vào được đại học ai chẳng thích? Quan trọng hơn là mỗi người tạo cho mình một con đường, con đường ấy có thể là rất đơn giản, nhiều người không muốn đi qua, không có hoa trên lối bước chân đi. Có điều, mình bước trên đó như thế nào để đến được cái đích phía xa kia.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Ước mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO