Truyện ngắn: Thành phố trẻ

26/03/2021 07:36

Tác giả: Vũ Thị Huyền Trang

ADQuảng cáo

Thạch ra trường, xin về làm trong ủy ban nhân dân thị xã. Bạn bè đều ở lại thủ đô kiếm tìm một cơ hội tốt cho tương lai. Chỉ vài người như Thạch là muốn được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân phát triển quê hương. Ở đó có ngôi nhà ba thế hệ sống quây quần bên nhau.

Minh họa: Ngọc Tâm

Bốn năm đi học xa nhà, mỗi lần trở về, Thạch đều thấy thị xã đổi thay nhiều, nhất là khi có đề án nâng cấp thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh thì hạ tầng đô thị được cải thiện và nâng cao. Không gian đô thị được mở rộng, nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư chăm chút. Cây xanh được trồng thêm nhiều tạo bóng mát khắp mọi ngả đường. Mỗi sáng đi làm được ngắm nhìn phố xá tươi vui, nhộn nhịp, được hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, Thạch lại thấy đời mình may mắn biết bao…

Thạch về đúng lúc công tác dân vận quá nhiều việc để làm. Khi thị xã mở rộng địa giới hành chính ra các huyện lân cận, việc giải phóng mặt bằng cần được giải quyết nhanh gọn và phải hợp lòng dân. Khu đô thị được xây dựng, trung tâm thương mại, siêu thị lớn, khu vui chơi giải trí dần được hình thành. Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần. Thạch bắt gặp đâu đó ánh mắt người nông dân còn đau đáu với ruộng đồng. Họ không đành lòng khi thửa ruộng của ông bà để lại giờ bị thu hồi. Nhưng chẳng có sự phát triển nào lại không phải đánh đổi. Thạch tin mỗi người dân thị xã đều sẽ vì cái chung mà vui vẻ chấp hành. Mỗi lần đứng trước một khu đất trống, Thạch lại mường tượng ra nơi này rồi sẽ mọc lên những công trình lớn và đầy ắp ước vọng với bao điều tốt đẹp về một thành phố trẻ tương lai.

Nhà Thạch có một khu trọ dành cho công nhân. Đa phần đều là anh em họ hàng ở xa xin làm việc trong khu công nghiệp mới đi vào hoạt động ở thị xã. Mấy năm nay, nhà nông chăn nuôi chật vật do dịch bệnh, có đợt còn lỗ to. Trồng trọt thì thời tiết không thuận lợi, tiền thuê máy móc và phân bón cao, tính ra cũng chỉ lấy công làm lãi nên mọi người đều đổ ra thành phố tìm việc. Trẻ thì làm nhân viên nhà hàng, quán ăn, chạy Grap, đi công trình hoặc vào các khu công nghiệp lớn. Người già thì đi làm giúp việc, tháng kiếm vài triệu gửi về quê trang trải cuộc sống, còn đâu tích cóp phòng lúc ốm đau. Nhưng kể từ khi hai khu công nghiệp của thị xã được quy hoạch và dần đi vào hoạt động đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Với chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, hiện nay thị xã đang tập trung giải phóng mặt bằng để các doanh nghiệp mới thực hiện xây dựng nhà máy sản xuất quy mô lớn. Đây là công việc khó khăn, liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp. Mấy hôm nay, Thạch đại diện đoàn thanh niên cùng lãnh đạo tháo gỡ những “nút thắt” trong công tác đền bù giải tỏa.

Khu đất rộng 80 ha được quy hoạch cho khu công nghiệp, một nửa đất đồi núi, một nửa là đất ruộng. Mọi việc sẽ suôn sẻ nếu không vướng nhiều phần mộ nằm trong khu đất đó. Mồ mả vốn là vấn đề tâm linh, hết sức nhạy cảm. Nhiều gia đình sợ động mồ động mả ảnh hưởng đến con cháu nên chậm trễ di dời. Công tác dân vận gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cuộc họp với người dân được tổ chức để đả thông tư tưởng. Về phía chính quyền cũng phải giải quyết đúng luật, lại thấu tình đạt lý. Sau gần hai tháng, hầu hết mọi người đều đã thuận tình nhận tiền đền bù, chủ động di dời, chỉ còn duy nhất một ngôi mộ là vẫn chưa giải quyết ổn thỏa. Ngôi mộ đó thuộc khu ruộng của gia đình chính sách nên việc vận động lại càng phải khéo léo hơn.

Sáng nay, Thạch tìm đến tận nhà cụ Miên đúng vào lúc cơn mưa rào nặng hạt ồ ạt đổ xuống. Bà cụ ngồi trên chiếc xe lăn rưng rưng kể về người con cả mất khi tuổi đời còn trẻ. Đó là người con trai duy nhất của bà “nó đẹp lắm, lại hiền lành. Hồi ông nhà tôi ra chiến trường nó mới bảy tuổi, hàng ngày ở nhà thay mẹ chăm sóc các em. Sau này đi làm thuê làm mướn gồng gánh cả gia đình. Năm hai sáu tuổi nó lấy vợ, sinh con. Nhưng khi đứa con gái mới được bốn tháng tuổi, nhà khó khăn quá nên nó xuống thành phố kiếm kế sinh nhai. Ai ngờ trên đường đi thì bị tai nạn mất”. Thạch ngồi đó nghe bà cụ rủ rỉ. Tiếng bà có khi mất dấu trong tiếng mưa rơi nặng hạt ngoài sân. Trên ban thờ là hai bức ảnh của chồng và con trai cụ. Chồng cụ là liệt sĩ hy sinh trên chiến trường miền Nam trong chiến dịch đường 9 Nam Lào. Ông trở về bên bà bằng tờ giấy báo tử, còn thân xác nằm lại đâu đó ở dải Trường Sơn. Suốt nhiều năm trời bà lặn lội đường sá xa xôi đi khắp các nghĩa trang Trường Sơn để tìm mộ chồng nhưng không thấy. Cả đời bà ôm nỗi day dứt không đưa được ông về với mảnh đất quê hương. Có nhiều chuyện trong nhà không được vẹn toàn, bà cụ vẫn luôn nghĩ ấy là vì mồ mả chưa yên.

- Cụ ơi, đây là Nhà nước thu hồi đất để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vì mục đích chung của quốc gia theo đúng luật định. Mọi gia đình khác đều đã chấp thuận di dời. Cháu mong cụ và gia đình vì cái chung mà thu xếp việc riêng. Chấp hành quyết định thu hồi đất.

Bà cụ ngồi im lặng nhìn ra màn mưa trắng xóa, dáng người bà trũng xuống như chìm hẳn vào trong mông lung. Thạch tưởng như mình có nói gì đi nữa bà cũng không nghe thấy. Đúng lúc ấy một người phụ nữ mở cổng bước vào, đó là Thu, cháu nội bà cụ vừa mới đi chợ về. Thạch thấy Thu quen quá như đã gặp ở đâu. Thu nghiêng nón vẫy nước mưa, cười bảo:

- Thì cùng sinh ra và lớn lên ở đây, thị xã thì nhỏ bé, có khi gặp nhau đâu đó ở chợ phường, siêu thị hay cửa hàng tạp hóa cũng nên.

- Hôm nay em không đi làm à? Nghe cụ nói em làm bên kia sông?

ADQuảng cáo

- Vâng, em làm trong khu công nghiệp bên kia sông. Mấy hôm nay mưa to quá, nước sông lên cao lắm anh ạ. Phà họ nghỉ, thành ra em cũng phải xin nghỉ phép, chẳng biết bao giờ mới có một cây cầu.

- Sắp rồi em, có dự án cả rồi, chắc cũng sớm có cây cầu bắc qua sông thôi.

- Mà sau này, thị xã mình có thêm nhiều nhà máy, em xin đi làm gần cho tiện để còn có thời gian chăm sóc bà.

Thu quay sang hỏi bà:

- Bà ơi, thế bà có muốn cháu đi làm gần nhà không ạ?

- Muốn, muốn chứ, nắng mưa đỡ khổ.

- Thế thì bà đồng ý đưa mộ bố cháu về nghĩa trang thị xã đi ạ. Trả đất để doanh nghiệp họ còn xây nhà máy, xây càng nhanh thì có khi cháu lại sớm được về gần.

- Đúng đấy cụ ạ. Ngoài tiền bồi thường theo đúng quy định thì doanh nghiệp họ cũng có chính sách ưu tiên những gia đình bị thu hồi đất sẽ được nhận người vào làm trong nhà máy, nếu có nhu cầu. Vậy là rất nhiều con em không phải đi xa xin việc nữa cụ ạ.

- Phải đấy bà ạ. Cháu mà về gần không phải đi ca kíp đêm hôm, bố cháu dưới suối vàng chắc là cũng an lòng bà ạ. Hơn nữa, nhà mình là gia đình có công với cách mạng, càng phải chấp hành những quyết định đúng đắn. Phải ủng hộ cho sự phát triển chung của thị xã, đúng không bà?

- Cha bố chị. Càng nói càng thấy giống bố y như đúc.

Thu cắm những bông sen cuối mùa đặt lên bàn thờ. Hương sen tỏa ra dịu dàng chạm vào từng hơi thở. Bà cụ nhìn những que hương cháy dở, rưng rưng khấn “con sống khôn chết thiêng. Thôi thì yên lòng để mẹ chuyển nhà nốt lần này”. Thạch nhìn mái tóc bạc phơ của bà cụ càng thấy thương cho một thế hệ đã tận tụy dốc lòng cho con cháu đời sau. Họ giờ như ngọn đèn đã cạn dầu đầy bất an, lo lắng. Nhưng ánh sáng le lói của họ cũng đủ khiến đời ấm áp biết bao.

Thạch trở về trên con đường quen thuộc giờ đã nhiều đổi khác. Công nhân đang lát nốt những mét vỉa hè cuối cùng trên trục đường giao thông chính. Các bạn đoàn viên thanh niên đang cặm cụi thay áo mới cho những cây cột điện ven đường.Vẻ xám xịt thường ngày được vẽ lên những bông hoa đủ sắc màu. Không còn thấy sự xấu xí, nham nhở của các thể loại quảng cáo dán đè lên nhau làm mất cảnh quan đô thị. Thay vào đó, mỗi cây cột điện hiện lên một bức tranh tươi đẹp. Cứ như thể xe đang trôi qua hai hàng cây nở hoa rực rỡ, nào thì hoa phượng đỏ cháy, bìm bìm tím lịm, hoa cúc vàng tươi, hoa tầm xuân hồng như trái tim thiếu nữ. Trên những khu đất trống còn sót lại rồi trường học, bệnh viện, công viên sẽ mọc lên. Thạch tin rằng đời sống người dân thị xã sẽ ngày một nâng cao. Phố xá cũng ngày càng tươi đẹp. Diện mạo của một thành phố trẻ đang dần được hình thành. Thạch có quyền tự hào vì mình đã được sống và cống hiến những tháng năm tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cho mảnh đất này…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Thành phố trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO