Truyện ngắn: Tấm lòng người mẹ

19/03/2021 08:36

Tác giả: Trần Trấn Giang

ADQuảng cáo

Trời tối đen như mực. Thỉnh thoảng những vệt sáng lại lóe lên từ đèn pha của những chiếc xe hon đa thoáng vụt qua rồi tắt ngấm. Trên chiếc bàn thờ nhỏ giữa nhà, di ảnh của một người phụ nữ đang cười rất tươi lúc sáng, lúc tối theo những vệt sáng của những cây nhang đang cháy trong chiếc lư hương. Hai người đàn ông im lặng trong khoảng lặng nặng nề. Mà có nói thì cũng chẳng biết nói gì trong lúc này.

Minh họa: Ngọc Tâm

Chiều nay, Hoàng mời tôi sang chơi để bớt phần trống vắng, cô đơn, ray rứt. Tôi thực sự bối rối khi nghe tiếng chì chiết của vợ mình.

- Anh sang nhà cái thằng đó làm gì. Một thằng con bất hiếu, một thằng tù mới về, qua đó rồi hàng xóm dị nghị cho coi.

- Dù sao người ta cũng là con người, ai cũng có lúc phạm sai lầm, quan trọng là có chịu tu tâm, dưỡng tánh hay không thôi. Tôi đáp trả.

***

Nhà Hoàng đối diện nhà tôi và luôn then cài cửa đóng, chỉ mở ra khoảng 6 giờ sáng để một bà cụ trạc tuổi mẹ tôi bước ra bắt đầu một cuộc mưu sinh bằng những xấp vé số trên tay. Đó là bà Tâm – mẹ của Hoàng. Cánh cửa ấy vội vàng khép lại mỗi khi bà trở về cô lẻ một mình cùng với tiếng chuông cầu nguyện nghe thật buồn, nghe trống vắng vô chừng. Mấy năm trước cứ mỗi khi đến đêm trừ tịch thì tiếng chuông cầu nguyện nhà bà lại kéo dài hơn, đau xót hơn như chờ đợi một cái gì xa vắng, thâm u trong khi phố xá đang tràn ngập sắc màu.

Thi thoảng, tôi cũng sang nhà bà thăm hỏi. Nhà bà quạnh quẽ quá. Năm trước đây thôi, khi sang chơi, bà tâm sự:

- Cha thằng Hoàng mất khi làm nghĩa vụ ở Campuchia năm tám hai. Tôi ở vậy nuôi nó cho tới bây giờ. Nhà nghèo nhưng nó học giỏi lắm. Thấy con ham học, cực mấy tôi cũng cố sức bán buôn khắp phố để có tiền cho nó ăn học đến nơi, đến chốn. Làm vậy để cha nó mãn nguyện.

Xóm này đã quá quen hình ảnh một người đàn bà lam lũ, chất phác, quê mùa khi thì bán bánh cam, bánh còng; khi thì thúng bắp luộc, mâm xôi; lại có khi là những nải chuối già hương mà bà thức từ 3 giờ sáng ra bến tàu đón mua của mấy người ở quê ra...Vậy mà lúc nào cũng thấy bà cười hớn hở như bao khó nhọc gian nan chưa hề đến với mình.

Cái ngày thằng Hoàng trúng tuyển đại học, bà vui mừng suốt đêm không ngủ, gặp ai bà cũng khoe: “Nó đậu vô đại học, mai mốt nó làm kỹ sư “cầu cống” cho nở mặt, nở mày với chòm xóm”.

ADQuảng cáo

Vui thì có vui nhưng lo thì càng lo với cái chuyện đóng tiền học cho con suốt 4 năm trên giảng đường đại học. Vậy là bà làm thêm nhiều việc, rửa chén quán ăn; giặt quần áo cho gia đình hàng xóm, nuôi người bệnh trong bệnh viện... Ai gọi gì thì bà làm nấy, chẳng hề ra giá tiền công cốt chỉ chắt chiu đóng tiền học phí.

Thằng Hoàng ra trường và có việc làm ngay. Bà mừng rơi nước mắt và cạo đầu ăn chay trường từ đó đến nay. Vậy mà sự đời có mỉm cười với bà, một người phụ nữ hình như sinh ra để hứng chịu những vất vả lo toan, cam chịu với những mất mát và chưa có được một giây phút bình yên. Hoàng bắt đầu ăn chơi trác táng khi có tiền rủng rỉnh trong túi. Số tiền cho mẹ nó sau khi lãnh lương mỗi tháng ít dần rồi mất dạng. Nó ăn chơi, nếm trải nhiều thú vui trên đời theo trào lưu của bạn bè, đồng nghiệp. “Ma túy”; “bài bạc”, nó đều nếm trải đến độ phát nghiện. Có lần, nó lén lấy con heo đất của mẹ nó dành dụm suốt hai năm trời được hơn 38 triệu đồng để mua ma túy. Số tiền mà mẹ nó định mua đôi bông cưới với dây chuyền cho con dâu tương lai. Bà khóc thật nhiều nhưng không hề la mắng một lời. Nó bất hạnh vì mồ côi cha từ nhỏ, thôi thì của đi thay người vậy, biết đâu nó suy nghĩ lại. Bà cứ tự an ủi.

Cái tin thằng kỹ sư con bà Tâm bán vé số bị bắt vì tham gia đường dây mua bán ma túy làm bà ngã quỵ. Bà không còn nước mắt để khóc. Trái tim người mẹ lại trỗi dậy sự che chở, đùm bọc cho con. Tòa tuyên án con trai bà 10 năm tù giam. Khi bị dẫn giải ra chiếc xe “tù”, nó cố đi lại gần bà với đôi mắt cầu khẩn, van xin bà tha tội. Nó khóc. Những giọt nước mắt của một thằng con trai bất hiếu. Bà ngồi bệt xuống sân khuôn viên tòa án với nỗi đau mất con đau đớn đến xé lòng.

Hàng xóm bắt đầu xa lánh, kỳ thị mỗi khi bắt gặp bóng dáng bà xuất hiện bất kỳ đâu. Vậy là bà phải đi bán xa hơn để không ai biết mình là mẹ của một phạm nhân vừa quy án.

Từ đó mỗi dịp được vào thăm, bà lại thu xếp lỉnh kỉnh các loại đồ ăn như hộp thịt heo kho với hột vịt, mấy nải chuối già hương cùng chai dầu gió... những thứ mà thằng nhỏ quen dùng bấy lâu. Mỗi lần thăm con trở về, bà lại thơ thẩn ngồi đọc kinh đến tận khuya trong tiếng chuông ngân nghe thật nao lòng. Bước chân đi bán mỗi ngày như nặng nề thêm, quãng đường như cứ dài ra thăm thẳm.

Nghe tin thằng nhỏ được ân xá trước thời hạn 2 năm, bà mừng rơi nước mắt. Bà giặt giũ cái mùng, mền cho thơm, cho sạch chuẩn bị đón con về; bà mua một con gà trống chuẩn bị làm mâm cơm cúng kiếng ông bà mừng ngày đoàn tụ; bà mua cho con mấy bộ đồ mới, đôi dép da, sợi dây nịt để con dùng. Bà hớn hở sang nhà tôi báo tin vui “cháu ơi! Thằng Hoàng sắp về với dì rồi. Vậy là nhà dì không còn vắng vẻ nữa”.

Định mệnh thật trớ trêu, bà không kịp nhìn con ngày trở về mái nhà xưa do cơn bệnh bất ngờ. Bà mất trước cái ngày anh được ân xá một hôm. Khỏi phải nói nỗi đau của một người vốn đã mất cha nay lại vừa mất mẹ, người mẹ suốt đời lam lũ vì chồng, vì con chưa có phút giây nào dành để riêng mình kể cả khi nhắm mắt xuôi tay đi vào cõi vĩnh hằng. Anh về và quỵ xuống bên chiếc quan tài của mẹ mình và bật khóc nức nở: “Mẹ ơi! Thằng con bất hiếu của mẹ đã về xin tạ tội. Mẹ giận con sao mà ra đi không cho con nói được một lời, xin được lạy mẹ thứ tha".

***

- Giờ Hoàng tính sao? Tôi hỏi để phá tan bầu không khí căng thẳng, nặng nề.

- Em sẽ xin đi làm lại, cực khổ mấy em cũng chịu được để cha mẹ em mãn nguyện. Em hối hận quá. Giá như... giá như... chỉ nói được có bấy nhiêu, Hoàng đã bật khóc như đứa trẻ mới lớn.

- Phải vậy thôi, chuyện buồn rồi sẽ qua thôi. Mỗi người đều có số phận riêng của mình. Điều quan trọng là phải biết đứng lên từ nơi mình vấp ngã, vậy nghe.

Gió chợt lùa mạnh qua khung cửa sổ. Tôi im lặng nhìn lên di ảnh của bà như cảm nhận nụ cười viên mãn khi thằng con trai đã về với gia đình trong nỗi ân hận muộn màng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Tấm lòng người mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO