Truyện ngắn: Người lính già

20/07/2018 09:30

Tác giả: Trương Thị Thúy

ADQuảng cáo

Ông Chấn ngồi lặng yên ngoài hiên cửa, mắt nhìn đăm đăm vào khoảng sân trước nhà. Buổi chiều gió ngoài bờ tre thổi vào mát rượi. Từng cơn gió nhẹ vi vu dễ đưa con người ta vào giấc ngủ. Mặt trời đang ngả bóng, khiến cho mảnh sân nửa bóng nắng, nửa râm mát. Bóng nắng đang bị đuổi về phía cuối sân, khoảng trắng cứ dần thu hẹp lại. Lũ gà con rời mẹ chạy đuổi mấy con chuồn chuồn đang rập rờn phía bóng nắng.

- Này, đồng chí! Ra đây đi, ngoài này mát lắm. Cậu cứ ru rú trong hầm thế, nhợt người ra đấy. Lính tráng phải khỏe, chứ người lúc nào cũng rớt lèo lèo như cậu thì đánh đấm được gì!

Nghe tiếng gọi, anh Tâm đang hí hoáy viết trong nhà vội ngẩng lên, xếp tập giấy lại, chầm chậm đi ra ngoài hiên. Anh ngồi xuống bên bố. Hai mái đầu, một đã nhuốm bạc, một còn đen, lặng lẽ nhìn đàn gà đang đùa giỡn. Ông Chấn không nhìn con, vui vẻ chỉ đàn gà:

- Cậu thấy không? Bọn chúng thật vui. Sau này giải phóng, tớ về quê, chỉ mong được như vậy.

- Vâng.

- Cậu lại thế rồi! Đã bảo cứ tớ - cậu cho thân mật. Đừng có phân cao thấp ở đây chứ.

Minh họa: Minh Thùy

Anh Tâm nghe cay cay nơi sống mũi. Thương bố lắm nhưng biết làm thế nào được. Di chứng của chiến tranh cộng với tuổi già càng ngày càng làm cho ông Chấn lẩn thẩn. Ông may mắn hơn nhiều đồng đội của mình, trở về lành lặn từ chiến trường nhưng mảnh đạn găm trong não thi thoảng khiến ông thành ra như vậy. Càng về già, ông càng hay sống lại với những chuyện ngày xưa, ngày ông từng xông pha nơi đạn bom khói lửa.

- Chiều nay yên bình quá phải không cậu! Chỉ ít năm nữa thôi, đất nước mình, đâu đâu cũng yên bình như vậy. Cậu có dự tính gì chưa?

Thấy anh Tâm không nói gì, ông Chấn hích tay “người đồng chí” hỏi lại. Rồi ông nhìn thật kĩ, như ngờ ngợ điều gì, ông đặt hai tay lên vai anh Tâm, ngạc nhiên:

- Này, tớ thấy cậu rất quen nhé. Mới gặp cậu có mấy ngày mà tớ thấy như quen thân lắm rồi. Hay là chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi mà tớ không nhớ nhỉ?

Bà Loan vừa đi đâu về, nhìn thấy chồng và con ngồi ở hiên thì biết ngay là ông Chấn lại giở bệnh. Bà nhẹ nhàng đến bên, cười thật tươi:

- Em chào các đồng chí!

Anh Tâm chào mẹ rồi lặng lẽ đứng dậy đi vào trong nhà. Những lúc như thế này, chỉ có bà Loan có thể ngồi trò chuyện giúp ông trở nên vui vẻ.

- Loan này, sau này giải phóng, tôi sẽ về thưa cha mẹ hai bên cho cưới Loan về. Cấp trên đã định tổ chức cho chúng ta ở đây rồi đấy nhưng bom đạn khó lường. Nếu như tôi bình an trở về thì Loan chờ tôi nhé. Còn không…

Ông ngập ngừng, không nói gì thêm. Bà nhẹ nhàng cầm tay ông, vỗ nhẹ:

- Ông yên tâm! Em đã chờ và ông đã trở về.

Có tiếng máy bay ù ù trên cao, bà Loan nheo nheo mắt ngước lên nhìn, ông Chấn cầm tay vợ nói khẽ:

- Loan yên tâm. Bọn “diều hâu” nó đang đi do thám đấy, không bỏ bom đâu. Bọn nó bay chậm chậm thế này để “bắt sóng” đường hành quân của ta, xác định tọa độ rồi đêm chúng mới cho bọn B52 và bọn F100 đi càn. Có khi chúng còn cắm cây ăng-ten dọc các tuyến đường để đo độ rung của đất, dò đường hành quân của ta đấy. Chúng ngụy trang cho cái cây đó cũng ghê lắm, khó phát hiện. Nhưng rồi cũng chẳng qua mắt được quân mình. Ha ha! Rút kinh nghiệm mấy năm trước, giờ anh em ta ngụy trang tốt hơn, cẩn thận hơn rồi, đố bọn chúng dò được.

Bà Loan không nói gì, cứ ngồi chăm chú nghe chồng. Đôi bàn tay gầy guộc, già nua lần theo đôi bàn tay ông, xoa bóp lên đến bả vai rồi lại xoa xuống khắp cánh tay. Ông Chấn ngồi ngả người vào cột hiên, mắt lim dim và dần thiu thiu ngủ. Mỗi lần như vậy, giấc ngủ sẽ làm ông tỉnh táo trở lại, giấc ngủ sẽ đưa ông trở về thực tại. Cũng như mấy chục năm trước, sau giấc ngủ tưởng là mãi mãi, ông đã trở về bên bà.

ADQuảng cáo

Mặt trời khuất hẳn sau rặng tre, khoảng sân nhà rợp bóng mát. Anh Tâm hình như đã xong việc, đứng dậy đi ra ngoài. Anh lo lắng nói với bà Loan:

- Ông con dạo này hay nhớ lại ngày xưa, cứ nghĩ mình vẫn còn đang đi chiến đấu. Nhà chắc phải có người ở bên ông luôn chứ con sợ…

- Cũng do mảnh đạn năm ấy. May sao giữ được tính mạng. Nhìn lành lặn thế này, ai biết được đâu ông ấy luôn phải chịu những cơn đau hành hạ. Nhiều đêm đau đầu quá, ông ấy cứ nắm tay đấm bộp bộp vào đầu đấy.

Bà Loan nhìn chồng thở dài. Mấy chục năm, sống với mảnh đạn trong người, chẳng bao giờ ông kêu than. Ông từng nói, chính nó nhắc ông luôn nhớ về một thời đau thương của dân tộc, về bao đồng đội đã ngã xuống để trân trọng hơn cuộc sống hôm nay. Ông luôn nghĩ mình may mắn trở về từ cõi chết, phải sống tốt phần đời của cả những người không bao giờ trở về, để sự hi sinh của họ không uổng phí, để anh linh của họ được an ủi. Chiến tranh, giữa khói lửa đạn bom, chứng kiến sự hi sinh của bao người đồng chí từng sát cánh bên mình trong mỗi trận đánh, ông đau xót lắm. Sự đau đớn mà ông phải chịu có là gì. Ông luôn tự hào kể cho con cháu nghe về đồng đội của mình, về những khó khăn của cuộc chiến giành lại non sông gấm vóc nhưng chưa một ai sờn lòng, nản chí.

Ông Chấn từ từ mở mắt, quay sang bên thấy vợ đang ngồi nhìn mình. Ông cười vui, chọc bà:

- Gớm, bà nhìn tôi chăm chú thế! Lại nhớ lại ngày xưa à?

- Là ông nhớ lại ngày xưa đấy. Lại còn nói với tôi là để đến xin phép hai bên gia đình nữa chứ.

- Vậy à. Chắc tôi nói linh tinh nhiều lắm nhỉ? Toàn những chuyện một thời tôi đã trải qua, giờ già rồi, cứ lẩn thẩn thế đấy.

- Ông đau nhiều lắm không?

- Nhằm nhò gì bà. Tôi quen rồi. Ngày xưa, có khi bị thương, thuốc men thiếu thốn, anh em chúng tôi còn phải mổ sống, cưa sống ấy chứ. Chẳng có chút thuốc tê nào cả. Vậy mà ai cũng mong mình nhanh khỏi để tiếp tục sát cánh bên đồng đội.

…Cậu Ninh ở Hải Phòng bị thương nát một bên đùi, phải cưa bỏ. Có thuốc tê đâu, vậy mà cậu ấy cắn răng chịu, mắt cứ mở trừng trừng, mồ hôi túa ra như tắm. Mặt cậu ấy tái dần đi nhưng không một tiếng rên. Khi phẫu thuật vừa xong thì cậu ấy ngất lịm. Cậu Tân bị trúng mảnh bom, xẻ một bên cánh tay vẫn cố buộc lại vết thương, tì súng lên hố cá nhân, bắn bằng một tay còn lại. Cậu Hạnh bị thương cùng trận với tôi. Chính cậu ấy đã cõng tôi chạy một mạch về tuyến sau vì thấy tôi mất máu nhiều quá. Nếu không cõng tôi như vậy, chắc cậu ấy cũng không… Ông Chấn cứ chầm chậm kể tên từng người đồng đội của mình, người còn, người mất; người lành lặn trở về, người phải bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường. Đôi mắt ông chợt nhòe đi, hai hàng nước mắt rưng rưng chảy xuống đôi gò má đã nhăn nheo. Vẫn biết chẳng cuộc chiến nào tránh khỏi đau thương mất mát, nhưng mỗi lần nghĩ lại, ông lại đau. Lồng ngực nhói buốt. Ông nhìn ra sân nhưng ánh mắt dõi vào tận quá khứ xa xăm, giọng ông chùng xuống:

- Còn rất nhiều đồng đội nằm lại dọc tuyến Trường Sơn chưa tìm thấy mộ bà ạ. Tôi tính đợt này lại đi cùng đoàn tìm mộ liệt sĩ của tỉnh vào đó phối hợp với các tỉnh bạn để tìm và đưa các đồng chí ấy về quê hương.

Bà Loan nhìn chồng ái ngại:

- Nhưng ông thi thoảng lại…

- Bà yên tâm. Tôi vẫn khỏe lắm, lâu lâu nhớ lại chuyện xưa vậy thôi. Tôi sẽ dặn mọi người trong đoàn, họ biết rồi sẽ đỡ bất ngờ và sẽ có cách giúp tôi. Rồi ông Chấn cười và nói: Bà thấy không, tôi chỉ chợp mắt một lúc là lại đâu vào đấy ngay thôi. Tôi đã đăng kí tham gia sáng nay rồi, tại chưa kịp nói với bà.

Thấy bà Loan ngần ngại, vẻ lo lắng, ông tiếp:

- Bà cứ lo vậy chứ, chẳng có gì đâu. Ngày xưa bom đạn trùng trùng như vậy, tôi vẫn trở về đó thôi. Tôi cũng muốn vào đó, khả năng của mình đến đâu mình góp sức đến đấy. Biết đâu thi thoảng cái đầu tôi “dở chứng” nhớ lại chuyện xưa lại hay, sẽ tìm được anh em nhanh hơn thì sao. Bà nhỉ?

- Thì thôi, ông đã quyết tôi cũng không cản. Năm nay ông cũng yếu rồi, không còn khỏe như mấy chuyến đi trước nữa. Chỉ mong ông trên đường khỏe mạnh.

- Rồi! Bà yên tâm. Tôi hứa sẽ trở về khỏe mạnh trả bà.

Ông đứng dậy, thong thả bước xuống mấy bậc tam cấp, lòng rưng rưng. Mấy ngày nữa là ông lại được trở về chiến trường xưa, gặp lại một số đồng đội cũ trong đó. Tự nhiên ông thấy lòng mình như trẻ lại, như những ngày còn dẻo dai cùng đồng đội hành quân trên những nẻo đường. Bất chợt ông cất tiếng hát: “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi, dù có gian nguy nhưng lòng không sờn. Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi, ra đi thà chết không lui…”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Người lính già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO