Truyện ngắn: Hồn xoan

20/04/2021 09:00

Tác giả: Đỗ Xuân Thu

ADQuảng cáo

Từ trong tết tới giờ, đại dịch Covid - 19 đã làm cho vợ chồng ông Khắc "bó chân bó cẳng". Máu đàn đúm, hát hò, thích tụ tập đám đông mà giam hãm vậy thì tức lắm. Vợ chồng ông đành ngồi nhà ngao ngán, đàn hát với nhau. Hội Đền Hùng đến nơi rồi mà phường xoan chả tập tành được gì! Hội Đền Hùng năm nay cũng giống năm ngoái, chỉ tổ chức tế lễ, không tổ chức phần hội. Thế cũng được, vấn đề an toàn là trên hết. Không được giao lưu hội diễn cấp tỉnh thì làng mình tổ chức giao lưu các xóm với nhau. Mùa xuân mà không được hát xoan thì chán lắm. Ông điện thoại cho mọi người trong phường hát báo họ sáng nay tập trung để ôn luyện. Vợ chồng ông sốt sắng, hào hứng đi sớm là phải.

Minh họa: Ngọc Khai

Hơn năm mươi tuổi nhưng trông ông Khắc có vẻ khá già. Ai mới gặp thường đoán ông ngoài sáu mươi. Ông hiền lành, thật thà hay giúp đỡ mọi người. Ông Khắc có giọng nói khá đặc biệt. Khi sang sảng như triết gia hùng biện, lúc lại the thé như đàn bà. Lúc khác lại rì rầm thủ thỉ. Khi cúng khấn, ông xuýt xoa bổng trầm cùng với tiếng đọc đều đều theo nhịp mõ nghe rất huyền bí. Lũ trẻ trong làng nghe trộm ông cúng, tôn ông là “thánh ráp”. Ông Khắc mê nhạc từ nhỏ. Hễ ở đâu có kèn trống, đàn sáo là ông đến, kể cả đám ma. Khắc chầu rìa xem người ta chơi đàn, kéo nhị, thổi sáo. Đôi mắt Khắc sáng lên. Lòng dạ Khắc rạo rực. Chân tay Khắc gõ gõ theo nhịp nhạc. Đầu Khắc lắc lư. Rồi Khắc bắt chước. Khắc về tiện ống nứa làm sáo, chặt đoạn tre, lấy vỏ ống bơ, dây phanh xe đạp làm đàn bầu. Về sau, ngọt dần, réo rắt, nỉ non ra phết. Chỉ nghe lỏm, học mót thôi mà Khắc đánh bài nào ra bài ấy. Lại chơi được khá nhiều loại nhạc cụ nữa chứ. Kèn trống, nhị hồ, đàn sáo..., Khắc chơi tuốt. Riêng khoản gõ trống thì Khắc siêu rồi. Nhìn Khắc vung dùi, gõ trống, nghiêng bên nọ, ngả bên kia, lúc ngửa người ra đằng sau, khi lại nhao về phía trước thì ai cũng mê.

Chẳng những Khắc có đôi tai nhạy cảm, mười ngón tay thon đầy vân hoa mà Khắc còn sở hữu một giọng hát trời phú. Nghe Khắc hát đến người khó tính nhất cũng phải há hốc mồm mà nghe. Thôi thì ca mới, cải lương, chèo tuồng, quan họ, xoan ghẹo... loại nào Khắc hát cũng ngọt lịm, êm ru. Từ ngày hát xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Khắc chuyên tâm hẳn vào dòng hát này.

Trời cho Khắc nhiều tài lẻ vậy nhưng đường công danh sự nghiệp thì lận đận quá. Mấy năm trong quân ngũ, Khắc ở đội tuyên văn sư đoàn. Tưởng sẽ nâng cấp thành đoàn văn công, nào ngờ đội tuyên văn của Khắc thu gọn lại thành đội ca nhạc xung kích. Sau đó thì đội giải thể vừa đúng lúc Khắc hết nghĩa vụ quân sự. Trở về quê hương, Khắc leo dần từ chân kẻ vẽ pa nô áp phích, diễn viên trong các kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng lên làm chân cán bộ văn hóa xã. Rồi đùng một cái, xã người ta không sử dụng Khắc nữa vì Khắc mải theo hội hè hò hát. Nhiều hội nghị tìm mãi không thấy Khắc đâu vì Khắc còn mải “giao lưu văn nghệ” ở tận một xã cuối huyện. Đã bảo, Khắc có tính phóng túng nghệ sỹ mà. Thế thì làm quản lý sao được?

ADQuảng cáo

Hồi bố Khắc còn sống, ông ấy thất vọng về Khắc. Lẽ ra, Khắc phải theo đường công danh, làm cán bộ, đằng này lại đi theo cái nghiệp “xướng ca vô loài”. Giá bảo ở đoàn văn công hay nhà hát nọ kia còn được, đằng này lại đi làm cái thằng nghiệp dư! Rõ chán, ông tự trách mình đã đặt tên con là Khắc. Đúng là khắc khổ. Thế nhưng Khắc lại thích, thích đến si mê. Vợ Khắc cũng vậy, theo Khắc tham gia phường xoan. Hồi trẻ thì Khắc hát, múa. Khi có tuổi, Khắc thành ông trùm, chuyên gõ trống cầm trịch cho phường hát. Vợ Khắc thành người “huấn luyện” các “quả cách” cho lớp trẻ. Nhiều tối, nhà Khắc rộn tiếng trống và tiếng hát xoan, chỉ có hai vợ chồng tập với nhau thôi mà rộn ràng cả xóm. Mặc cho người ta karaoke, vợ chồng Khắc cứ “tềnh tềnh, leng leng”, đố huê cùng đố chữ…

Phong trào hát xoan, hát ghẹo cũng thăng trầm muôn nỗi. Thời Pháp thuộc, các cụ tiếng vậy nhưng rất sành điệu. Ca trù, hát chèo, tuồng cổ, xoan ghẹo… dòng nào cũng nổi. Mỗi nơi mỗi thế mạnh thi đua nhau hát hò. Đến thời hợp tác xã, do được bao cấp nên hoạt động này càng được nâng cao. Hợp tác nào cũng có đội văn nghệ. Chỗ nào cũng hát hò. Tiếng hát át tiếng bom. Xoan ghẹo cũng tưng bừng ra trận. Khắc lúc đó còn bé chứng kiến được điều này. Khi “thanh niên hoi” thì anh đã là một diễn viên cứng của đội văn nghệ làng. Sang thời kinh tế thị trường, phong trào xoan ghẹo giảm sút. Nhiều lúc tưởng chừng như mất hẳn. Thanh niên đua đòi híp hốp, ráp, rock. Trung niên, cao niên thì mải làm kinh tế, chỉ có vợ chồng Khắc là vẫn chung tình với xoan. Đến khi, xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp người ta mới lại chú trọng đến nó. Phong trào được gây dựng trở lại. Rồi xoan thoát khỏi “cần được bảo vệ khẩn cấp” thành di sản văn hóa chính thức của nhân loại thì ai ai cũng mừng. Mừng nhất làng Cổ Cò có lẽ là vợ chồng ông Khắc.

 Ông Khắc được công nhận là nghệ nhân ưu tú. Danh đã có, ông càng hứng khởi thăng hoa. Chỉ tiếc là bố ông đã mất không được chứng kiến giây phút ông nhận danh hiệu sang trọng ấy. Phong trào hát xoan của làng Cổ Cò từ đó càng tưng bừng. Vừa là ông trùm, vừa đánh trống cái, ông Khắc vừa là đạo diễn, biên đạo cho phường hát. Đâu chỉ có truyền dạy cho kép đào của phường, vợ chồng ông còn được nhà trường mời đi dạy hát xoan cho lũ học trò nữa. Không hội Đền Hùng nào là phường hát của vợ chồng ông không tham gia và không đạt giải tỉnh. Ấy vậy mà tại con Covid -19 chết tiệt, hội năm ngoái, rồi hội năm nay nữa, phường hát của ông không được thi thố thể hiện. Không tụ hội cấp tỉnh được thì phường ông hát với nhau.

Vợ chồng ông Khắc tới nơi thì đã có mấy người đến trước đó rồi. Thì ra, họ cũng sốt ruột, náo nức xoan ghẹo như ông. Mọi người chào hỏi nhau rối rít. Không tụ tập quá ba mươi người, phường hát ông đi đủ có hai sáu người. Vậy là OK. Ai cũng khẩu trang, 5K mà. Bố con Covid -19 cũng chịu. Mấy cái pa nô tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp treo dọc đường và trên tường nhà văn hóa càng làm cho ông Khắc phấn chấn. Hôm này, hội Đền Hùng và ngày bầu cử nữa, dứt khoát vợ chồng ông, phường hát của ông phải xoan mới được. Không thành buổi biểu diễn thì hát qua hệ thống truyền thanh xã, live stream trên Internet. Thời buổi 4.0, biểu diễn hát online, lo gì. Ngày trước “tiếng hát át tiếng bom” thì bây giờ “tiếng hát bạt Covid -19”. Đời là phải vui, “Tềnh là tềnh, leng ấy lại là leng”. Thế thôi! Ông Khắc tủm tỉm cười một mình rồi huýt sáo điệu “đố huê”.

Lúa ngoài đồng đang thì con gái xanh rờn, trông mát mắt. Nhãn, vải, xoài năm nay có lẽ được mùa. Hoa nhiều lắm. Bướm ong bay lượn vo ve từng đàn. Quả non đậu từng chùm như những hạt ngô, hạt gạo trên cành trông thích thật. Vua Hùng phù hộ cho dân mình đấy. Lát nữa phải tập lại mấy “quả cách hát thờ” cho nhuyễn, cho hay để hôm này về miếu Lãi Lèn xin Vua, xin Thánh phù hộ cho năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình yên, dân an quốc thái.  

Vừa lúc đó, mọi người đã tới đủ. Buổi tập hát của phường xoan bắt đầu. Ông Khắc vung dùi trống lên. Đôi mắt ông long lanh. Tất cả vào vị trí. Tiếng hát cất lên theo nhịp trống. Lũ chim trên cành đa ngơ ngác lặng đi giây lát rồi cùng ríu ran thi nhau hót. Gió mơn man rì rào. Phía xa kia, núi Hùng xanh thẫm nổi bật trên nền trời. “Tềnh là tềnh, leng ấy lại là leng”… Đoàn người vừa vung tay, nhún chân, vừa lượn vòng múa hát theo nhịp trống. Tất cả như lên đồng thả hồn theo điệu xoan…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Hồn xoan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO