Truyện ngắn: Hai lần đoàn tụ

25/04/2019 16:01

Tác giả: An Viên

ADQuảng cáo

Minh họa: Ngọc Tâm

- Ông ơi… tôi đi trước … ông ở lại nhớ phải tiếp tục tìm thằng út Ráng  nghe chưa? Tôi tin nó hãy còn sống. Nó cũng đang đi tìm chúng ta như chúng ta tìm con nó vậy! Nhớ… phải tìm… Phải… phải tìm được con!

Ông Thiện ngồi dựa lưng ở chiếc ghế mây đặt dưới hiên nhà, đôi mắt nhìn xa xăm. Ông đang nghĩ đến lời bà Lành, người vợ quá cố của ông đã mất cách đây ba tháng trăng trối lại. Càng nghĩ càng thương, bà ra đi mà không được thanh thản, vẫn nặng lòng chuyện tìm con. Ông lại nghĩ đến đứa con út của mình. Thằng út Ráng nếu còn sống thì bây giờ nó đã gần 44 tuổi rồi. Con đang ở đâu? Con sống thế nào? Có tốt không? Ba mẹ và các anh đã tìm con khắp nơi… Nước mắt ông Thiện lại chực trào. Giọt nước mắt đục ngầu lăn tròn xuống hai hõm má, nơi những nếp nhăn đã xô lại dúm dó như những gợn sóng lăn tăn. Nỗi đau lạc mất con khiến ông cảm thấy dằn vặt suốt chừng ấy năm trời. Ở cái tuổi ngoài 70 gần đất xa trời, đầu đã bạc, chân đi không còn vững, tay nổi đầy những thớ gân chằng chịt; lại là người đã kinh qua đạn lửa chiến trường, toàn thân thường nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời, ông Thiện biết thần chết có thể sẽ gọi ông đi bất cứ khi nào. Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Quan trọng là ông vẫn chưa tìm được con trai mình. Nếu vậy, biết ăn nói thế nào khi gặp lại vợ.

- Ba… Ba ơi! Ba vào nhà nghỉ đi! Từ ngày mẹ con mất đến giờ, lúc nào ba cũng ngồi một mình, nghĩ ngợi chuyện này chuyện khác. Con thấy ba gầy đi nhiều quá! Thắng, con trai đầu của ông Thiện năm nay đã gần 50 tuổi, hiện là giám đốc của một công ty lớn ở thành phố, đỗ xe ô tô ngoài ngõ, xách cặp bước lại gần ông Thiện, thấy vẻ trầm ngâm trên khuôn mặt ba mình, liền nói.

- Ừ… Chẳng hiểu sao, ba cứ nghĩ đến mẹ con, đến thằng út Ráng.

- Con hiểu tâm trạng của ba. Nhưng chuyện của em Ráng… gia đình mình cũng đã tìm em khắp nơi rồi. Chúng con cũng đã nhờ đài báo, bạn bè tìm kiếm. Nếu… còn sống thì chắc chú ấy đã tìm về.

- Nhưng ba cũng như mẹ con đều tin thằng út Ráng hãy còn sống và đang sống ở đâu đó. Ông Thiện cắt ngang câu nói của con trai. Mấy bữa nay, đêm nào ba cũng mơ thấy hình ảnh của nó hồi nó mới 5 tuổi. Nó lăng xăng chạy quanh sân, nó tíu tít cười. Nó còn ôm chặt ba ngày ba đi bộ đội. Nó còn dặn ba đi rồi nhanh về, nó ở nhà chờ. Vậy mà… Ông Thiện khẽ lắc đầu, cổ họng ông khản đặc, nức nở.

- Có mấy tờ báo mới ra sáng nay, con mua ngoài đầu phố, ba đọc cho vui. Chứ cứ nghĩ ngợi hoài chuyện ấy sẽ sinh bệnh ba ạ. Thắng đặt xấp báo vào tay ông Thiện rồi bước vào nhà thắp nhang cho mẹ. Ông Thiện ừ một tiếng rồi cầm lấy xấp báo. Ông lật giở từng trang, từng trang. Bỗng ông sửng sốt, giật mình khi nhìn thấy bức ảnh người thanh niên trên mặt báo sao giống y chang như ông ngày còn trẻ. Ông sợ mình nhìn lầm. Ông cầm tờ báo giơ lên sát mặt để nhìn cho thật rõ. Rồi ông nhổm dậy khỏi chiếc ghế tựa, gọi với vào trong nhà:

- Thắng… Thắng ơi! Đem cho ba cái kính! Nhanh lên!

- Dạ đây ba! Có chuyện gì vậy ba?

- Đưa đây cho ba! Ông Thiện đeo kính vào và nhìn chăm chăm một lần nữa bức ảnh.

- Thằng…. thằng út Ráng! Phải thằng út Ráng đây không?

- Ba nói sao? Ba đưa con xem! Anh Thắng cầm lấy tờ báo chăm chú nhìn. Người này… Rồi anh chạy vào trong nhà lục tìm cuốn abum ảnh của gia đình, lấy ra tấm ảnh của ông Thiện hồi còn trẻ, đặt ngang với bức ảnh trên mặt báo.

- Ba ơi, giống quá! Người này giống ba hồi trẻ như đúc ba ạ. Nhưng… Anh Thắng đọc những dòng chữ được phóng viên đặt ở đầu trang báo “Victor Hùng, thanh niên người Mỹ gốc Việt và những chuyến thiện nguyện ý nghĩa”.

Ông Thiện lại nhìn đăm đăm vào khuôn mặt của người thanh niên trong bức ảnh chụp chung với các em nhỏ trong một lần đi từ thiện tại Tây Nguyên mà bài báo đã nói. Rồi ông bỗng phát hiện ra một điều gì đó liền bảo anh Thắng:

ADQuảng cáo

- Thắng! Con nhìn kĩ xem, tay trái của cậu thanh niên này đang giơ lên, có phải đang đeo một chiếc vòng giống như là sợi chỉ đỏ không?

- Để con xem lại… Ảnh đen trắng nên nhìn không rõ, nhưng hình như là thế ba à.  

- Sợi chỉ đỏ…? Ông Thiện rưng rưng. Ông sực nhớ đến câu chuyện bà Lành sinh thời từng có lần kể. Trong khoảng thời gian ông nhập ngũ, bà Lành có làm nghề may đồ một thời gian. Chỉ dùng để may ngày đó có đủ màu sắc và đều rất đẹp, rất tốt. Bà đọc hay nghe ở đâu đó người ta nói, nếu đeo vòng làm bằng sợi chỉ đỏ sẽ gặp may mắn và luôn được bảo vệ. Thế là bà liền làm cho ba đứa con trai ba cái vòng bằng chỉ đỏ rất đẹp. Bà dặn cả ba phải luôn đeo nó trên tay, mà phải là tay trái, vì người ta quan niệm thế. Hai chiếc vòng của thằng Thắng và thằng Chiến thì đã mất ở đâu đó từ lâu rồi. Còn chiếc vòng của út Ráng ngày ấy, bà nhớ khi con bị thất lạc, trên tay nó vẫn còn đeo chiếc vòng kết bằng những sợi chỉ đỏ do chính tay bà làm. Người thanh niên trong ảnh thật trùng hợp, cũng đeo vòng chỉ ở tay trái.

- Nhưng con thấy thanh niên bây giờ người ta đeo vòng làm từ sợi chỉ đỏ cũng khá nhiều ba ạ. Vậy thì làm sao dám chắc cậu thanh niên này chính là út Ráng nhà mình!

- Nhưng ba có linh tính lạ lắm. Và rồi không chần chừ, ông Thiện bảo Thắng chở mình đến tận tòa soạn báo để hỏi thăm. Ngồi trong xe, tay ông Thiện vẫn nắm chặt tờ báo, trong lòng rộn lên một cảm xúc rất đặc biệt.

Ông Thiện trở về đúng vào ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đường phố khi ấy rợp bóng cờ hoa, tiếng nhạc, tiếng hát và dòng người nô nức xuống đường đón mừng độc lập. Được quay trở về quê hương đoàn tụ với gia đình, ông Thiện vui mừng khôn xiết. Nhưng niềm vui ấy không trọn vẹn khi ông nghe vợ báo tin đứa con trai út đã bị thất lạc. Nguyên do bắt đầu từ việc bà Lành dặn con trai út ở nhà, còn mình thì dẫn thằng Thắng và Chiến đi học. Khi trở về, thấy nhà trống không, bà hốt hoảng chạy khắp nơi tìm con nhưng không thấy bóng dáng con đâu. Bà nhờ người thân tìm kiếm nhưng vẫn không có một tia hi vọng. Có người bảo đã nhìn thấy một chiếc ô tô chở mấy chục đứa trẻ ngang qua. Nhưng đi đâu thì họ không rõ. Vậy là, vừa lo sợ con trai có thể bị giết nhưng bà Lành cũng vừa hi vọng trong số những đứa trẻ trên xe có thằng út Ráng.

Những năm tháng sau hòa bình lập lại, vợ chồng ông Thiện vẫn không ngừng tìm kiếm con trai đã bị thất lạc. Thế nhưng dầu cố gắng và bằng đủ mọi cách thì việc tìm kiếm cũng chẳng khác nào mò kim đáy bể. Bà Lành qua đời sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Trước khi ra đi, điều mà bà đau khổ, day dứt nhất vẫn là việc chưa tìm được con trai.

- Bác hỏi cậu thanh niên trong bài báo làm gì ạ?

- Tôi… tôi hỏi vì... Và câu chuyện về người con trai bị thất lạc cách đây gần 44 năm của ông Thiện lại một lần nữa được kể lại. Bất ngờ Tuấn, nhà báo trẻ cũng chính là người đã viết bài báo sáng nay bước vào. Ông Thiện hỏi dồn, Tuấn thành thực:

- Khi viết bài báo này thì cháu mới chỉ đề cập đến hành trình của đoàn thiện nguyện từ nước Mỹ sang, trong đó có anh Victor Hùng. Nhưng bác nói đúng, anh ấy có đeo một chiếc vòng được kết bằng những sợi chỉ đỏ trên cổ tay trái. Anh còn khoe rằng đó là chiếc vòng chính tay mẹ anh đã làm cho anh ấy từ khi còn nhỏ.

- Cháu còn biết điều gì về cậu thanh niên ấy nữa không? Ông Thiện nghe Tuấn nói, càng sốt sắng, tò mò.

- Dạ có. Khi cháu hỏi, vì sao anh lại thích tham gia các hoạt động thiện nguyện, ngoài lí do muốn giúp đỡ những trẻ em nghèo khó thì anh còn bảo là muốn tìm lại người thân của mình đã thất lạc từ lâu. Càng nghe Tuấn kể, ông Thiện càng tin rằng Victor Hùng chính là út Ráng, con trai ông. Thấy ông Thiện chăm chú nhìn vào bức ảnh đen trắng trên tờ báo, Tuấn vội lấy máy ảnh ra. Anh lục lại những bức ảnh màu đã chụp với Victor Hùng rồi đưa cho ông Thiện và anh Thắng xem. Nhìn vào từng bức ảnh, ngay chính Thắng cũng chột dạ:

- Ba ơi, con tin chắc 100% đây là em út Ráng nhà mình chứ không ai khác. Ông Thiện xin một tấm ảnh của Hùng để được đem về. Từ hôm ấy, ngày nào ông cũng đi ra đi vào thẫn thờ, khi đứng bên bàn thờ người vợ quá cố mà khóc mà kể lể, lúc lại lấy bức ảnh ra ngắm rồi so sánh với tấm ảnh cũ của ông chụp hồi bằng tuổi Hùng bây giờ mà thấp thỏm, hồi hộp; chặp vui sướng, chặp sụt sùi khóc một mình.

Chiến, con trai thứ hai của ông Thiện, là thông dịch viên, hiện đang có chuyến công tác bên Mỹ, nghe ba và anh trai kể về bài báo và cậu thanh niên tên Victor Hùng có thể là út Ráng thì vui lắm. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là Chiến đang công tác ở ngay chính thành phố California, gần nơi ở của gia đình Victor Hùng. Chiến tìm gặp được Victor Hùng và ba mẹ nuôi của cậu. Những câu chuyện 44 năm trước được cả hai còn nhớ và kể lại trùng khít với những kí ức thời thơ bé của hai anh em. Một buổi sáng, Chiến gọi về cho ông Thiện:

- Victor Hùng chính là út Ráng ba ạ! Nhưng để cho chắc chắn thì cần kiểm tra thêm ADN giữa ba và em ấy nữa. Thế nên ba cố chờ thêm một thời gian. Ông Thiện nghe lời con trai. Trong khoảng thời gian chờ đợi, Chiến vẫn thường gọi điện về để Victor Hùng và ba rồi anh Thắng nói chuyện với nhau. Ông Thiện cùng Thắng, các con dâu, các cháu, người thân trong nhà đến sân bay Tân Sơn Nhất đứng chờ từ rất sớm. Ai nấy đều hồi hộp, sung sướng. Khi thấy Chiến và Hùng vừa bước ra, tất cả đều xúc động nghẹn ngào. Từ xa, Victor Hùng liền chạy nhanh tới. Thấy con, ông Thiện cũng đi như chạy về phía Hùng, giọng ông đứt quãng:
- Út Ráng…! Con ơi! Con đây rồi…!

- Ba…! Anh…! Hùng chỉ biết cất lên tiếng ba, tiếng anh bằng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ rồi cứ thế nức nở khóc như một đứa trẻ. Ông Thiện khóc. Thắng và Chiến cũng khóc. Những người còn lại ai cũng rơm rớm nước mắt, sụt sùi. Giữa dòng người qua lại là những cánh tay ôm chầm lấy nhau thật chặt, những cái hôn lên má, cái vuốt ve yêu thương,… Trong lòng ông Thiện râm ran một niềm hạnh phúc chẳng khác gì ngày đoàn tụ đầu tiên với gia đình sau ngày giải phóng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Hai lần đoàn tụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO