Truyện ngắn: Bà lão ngồi bên bậu cửa

04/06/2020 08:03

Tác giả: Đào Mạnh Long

ADQuảng cáo

Ai thường đi qua con đường này đều quen với hình ảnh một bà cụ ngồi bên bậu cửa, đôi mắt nheo nheo trông ra cánh cổng tre xập xệ. Ánh hoàng hôn vàng ệch hắt lên khuôn mặt soi rõ những nếp buồn lô xô. Có lần mấy hôm liền không thấy bóng bà, hàng xóm gõ cửa mới biết bà bị ốm.

Bà Nhàn ở một mình. Bà có một đứa con trai nhưng láng giềng chẳng ai nhớ nổi mặt. Nó đi thì không sao chứ mỗi lần về lại cãi nhau với mẹ; đằng sau tiếng nẹt pô khét lèn lẹt là gương mặt thẫn thờ của người phụ nữ đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy.

Minh họa: Ngọc Tâm

Người ta nói phụ nữ tuổi dần cao số. Đã có nhiều người đàn ông bước chân vào cuộc đời bà rồi lại lặng lẽ "quay gót ra đi". Cuối cùng, bà phó mặc số phận, gật đầu theo một người buôn muối bên Thái Bình qua lời mai mối thế nhưng đến ngày cưới họ lại bặt vô âm tín. Ánh mắt ái ngại, lời dèm pha eo xèo bủa vây lấy người đàn bà quá lứa lỡ thì ôm bụng bầu lùm lùm dưới lớp váy cưới.

Bà sinh khó. Ngày ấy tưởng rằng chỉ giữ được con mà mất mẹ, đứa bé sinh thiếu ngày, thiếu tháng nên èo ọt, khóc dạ đề liên miên cả tháng trời. Bà chẳng nhớ nổi mình thức trắng bao nhiêu đêm bế con trên tay, cứ đặt xuống là thằng bé khóc ré lên. Bầu ngực bà tóp khô không có một giọt sữa, phải chắt nước cơm bón cho con hay bú nhờ các bà quanh xóm. Còn bà, bữa nào cũng chỉ có nắm lá ngải già luộc đắng nghét hay bát canh rau tập tàng lõng bõng nước.

Thằng bé cứ gầy nhẳng. Xót xa lắm, bà chỉ biết cười trừ. Sinh được 2, 3 tháng, bà địu con trên lưng đi gặt thuê, mót lúa. Đi học, thằng bé bị bạn bè trong lớp tẩy chay vì không có bố. Nó chạy về, mếu máo: “Bố con đâu? Tại sao con lại không có bố? Bọn nó bảo con sinh ra từ lỗ nẻ ngoài đồng đúng không mẹ?”. Bà câm nín.

Thằng bé càng lớn càng ngỗ nghịch. Nhiều lần bà tức giận quá đánh lằn mông con rồi lại ôm nó sụt sùi. Đang học dở lớp 11, nó tuyên bố một câu xanh rờn: “Nghỉ học. Nghèo quá học làm gì”. Nó bảo lên thị trấn làm bảo vệ cho một quán karaoke. Nó chẳng để bà kịp nói một câu nào, nguây nguẩy bỏ đi.

Một ngày như mọi ngày, bà vuốt phẳng phiu những tờ tiền công bơm thuốc sâu thuê cả ngày trời, mở tủ, lần giở từng mép áo, túi quần tìm cái ví bằng vải nhung nhưng chẳng thấy đâu. Bà dáo dác đứng lên, ngồi xuống, đi ra, chạy vào, ngó nghiêng, lục lọi từng ngóc ngách trong nhà. Thôi đúng rồi, chỉ có thằng con trai trời đánh của bà “trồng khoai đất này”. Hôm qua, nó về, ngọt nhạt xin tiền mua xe máy. Bà thẫn thờ như mất hồn. Số tiền ấy định bụng mua thóc giống cho vụ sau.

Bà đang lúi húi gom mớ rơm nếp phơi ngoài sân thì nghe tiếng gọi giật từ đằng sau. “Bà Nhàn, thằng Hải nhà bà bị công an bắt… trên thị trấn ấy”. Mặt xám ngoét, bà luýnh quýnh: “Sao cơ? Thằng Hải nhà tôi á? Có đúng là nó không? Mà ở đâu hả thím”. Bà lật đật chạy vào nhà, tìm mấy đồng bạc chẵn trong túi áo rồi vội cắp cái nón mê. Bà tất tả chạy sang nhờ hàng xóm chở lên thị trấn. Đến nơi, bà cứ nắm chặt tay mấy anh công an, khẩn khoản: “Thằng Hải nhà tôi trót dại có một lần, xin các anh đừng bắt nó. Tôi sẽ dạy dỗ nó cẩn thận”.

Con trai bà được đưa vào trại cai nghiện hơn hai năm. Tháng nào bà cũng bắt xe khách lên thăm nó. Hình ảnh bà lão tóc hoa râm búi cao sau đầu, hốc mắt sâu hoẳm đắng cay, tay xách nách mang đủ thứ, lầm lũi lê từng bước dưới ánh nắng chao chát đã quá quen thuộc với cán bộ của trại. Bà đếm từng ngày chờ con trở về. Một sớm, ban mai nứt ra mùi lúa mới, thằng con trai về thật như ý nguyện của bà. Nó mặc quần ka ki tím than, áo sơ mi kẻ ngang xanh lá cây, đầu húi cua. Nó có da có thịt, rắn rỏi hơn.

Bà mừng mừng tủi tủi nhưng không dám khóc cũng chẳng dám chạy ra ôm con. Ngay từ khi mới mười ba, mười bốn tuổi, nó đã vùng vằng đẩy tay bà ra mỗi khi bà kéo nó vào lòng. Bà nhìn nó từ đầu đến chân. Suốt hai năm qua, ngày nào bà cũng thắp hương cầu nguyện. Miễn là con trai về nhà khỏe mạnh thì bà chết cũng nhắm mắt được rồi.

Vừa về, nó đã vác cuốc ra vườn làm cỏ, đóng lại chân ghế lung lay như răng bà già, thau bể nước mưa, đánh bờ giếng rêu xanh lè xanh lẹt. Vừa lui cui dọn, nó vừa lẩm bẩm: “Trơn trượt thế này, đêm hôm múc nước, không cẩn thận là ngã chết”. Nhìn những giọt mồ hôi thi nhau lăn dài trên tấm lưng trần của thằng con trai, bà khấp khởi mừng trong lòng.

Bà cắp làn mây, chân thấp chân cao đi chợ mua mớ rau mồng tơi và vài con cáy đồng. Bữa nào có bát canh mồng tơi nấu cáy là nó đánh chén ba, bốn bát cơm. Gặp ai, bà cũng hồ hởi khoe: “Hôm nay thằng con trai tôi về… Vâng, chắc là nó ở hẳn”. Tối hôm ấy, mâm cơm dọn ra thềm. Gió khua tán cau xào xạc, ánh trăng tráng bạc khoảnh sân mấp mô. Phải cả chục năm rồi, bà với con trai mới ngồi ăn cơm chung như thế. Bà ngồi ngẩn người nhìn con và lấy và để bát cơm. “Mẹ ăn đi”. Giọt nước mắt nóng rát rịn ra từ khóe mắt khô nứt nẻ của bà khi nghe con nói câu ấy. Kì lạ thật, chẳng phải lời yêu thương gì nhưng sao bà xúc động đến vậy.

ADQuảng cáo

Cơm nước xong xuôi, nó lục dưới đáy ba lô một cuốn sách dày cộp, ngồi trên chõng tre nghiêng nghiêng đầu đọc chăm chú. Xưa giờ nó có biết quyển sách mặt ngang mũi dọc thế nào đâu. Bà đơm nút áo bị hỏng, tí tí lại ngước lên nhìn thằng con trai.

- Con tính vay ngân hàng mua lấy đôi bò về nuôi!

- Mẹ tiết kiệm được một ít. Mẹ đưa con, còn bao nhiêu thì vay.

- Thôi, mẹ để mà phòng lúc ốm đau. Có bao nhiêu đâu, chẳng bõ!

Bà chân thấp chân cao bước vào buồng. Một lát sau trở ra với cái phong bì nhàu nhĩ trên tay.

- Mẹ để dành đây là chờ ngày con về.

Nó đẩy ra nhưng bà nhất quyết dúi vào tay.

- Cứ cầm lấy! Mẹ khỏe lắm, còn lâu mới cần tới. Con tu chí làm ăn là mẹ mừng rồi!

Trong đôi mắt tối thẫm của bà lấp lánh niềm vui như sao đêm.

Nó lặn lội sang tận tỉnh bên mua được một cặp bò giống. Về, nó chặt cây xoan đào dựng cái chuồng lợp lá cọ ở góc vườn. Sáng mờ mặt người, nó đã lục tục dậy đi cắt cỏ, dọn phân. Ngắm hai con bò phổng phao, lông bóng mượt, hai mẹ con nhìn nhau cười hạnh phúc. Tối nào, ngồi bện chổi, bà cũng lẩm nhẩm tính chuyện sang năm, xuất bán lứa bò đầu tiên lấy tiền cưới vợ cho thằng Hải rồi thì lợp lại cái mái nhà, bắn tôn lạnh cho mùa hè đỡ nóng…

Thế nhưng con trai bà lại đi nhưng lần này không trở về nữa. Dòng sông cuối làng đỏ ngầu ngầu như mắt ai giận dữ đã cướp nó đi. Nó bơi lặn giỏi lắm sao mà bị đuối nước được? Bà cứ lẩm bẩm như thế khi người ta dìu từng bước thất thểu ra chân đê. Hai con bò ngơ ngác nhìn một người đàn bà tóc bạc quỳ thụp xuống, bàn tay gầy guộc như lá khô bấu xuống thảm cỏ ngằn ngặt xanh van xin ông trời trả lại con. Bà khóc đến lạc giọng, khóc đến tím tái, khóc đến ngất đi. Người làng túa nhau đi tìm, mất cả ngày trời mới thấy thằng con trai bà.

Bà lặng câm như cái bóng ở mép giường trông ra thềm – nơi con trai bà đang nằm. Theo tục lệ của làng, người chết đuối không được đưa vào trong nhà. Những tiếng nấc nghẹn làm cho cả cơ thể bà run lên bần bật. Dáng người còm cõi như bị cơn đau vắt kiệt. Ngoài trời, mưa quất ràn rạt. Ngày nó sinh, trời cũng mưa.

Từ đấy, chiều chiều bà vẫn bắc ghế ra bậc thềm ngồi đợi. Chẳng biết bà đợi điều gì?

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Bà lão ngồi bên bậu cửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO