Tạp bút: Ngẫm về nghề cầm bút

18/06/2020 09:49

Tác giả: Thu Đình

ADQuảng cáo

Gọi là nghề cầm bút, bởi cây bút là phương tiện, công cụ giúp họ viết nên những câu chữ phản ánh hiện thực, ký thác tâm tình hay thể hiện tư tưởng, ý thức sáng tạo của mỗi người. Cũng bởi thế mà những nhà văn, nhà báo, người ta vẫn quen gọi là những cây bút, mặc dù đến nay chẳng còn mấy ai viết văn, viết báo bằng bút. Và cho dù là những cây bút trẻ mới vào nghề hay những cây bút gạo cội thì ở họ đều nhận ra niềm vui cùng những trăn trở, nhọc nhằn khi đã dấn thân vào nghiệp cầm bút.

Tranh tư liệu

Sử dụng chất liệu ngôn ngữ sẵn có để tạo nên những tác phẩm văn học, báo chí, tưởng rằng nghề cầm bút chẳng phải bỏ ra vốn liếng gì như những nghề khác nhưng kỳ thực nó chẳng dễ như nhiều người vẫn nghĩ. Đành rằng ngôn ngữ là sẵn có nhưng người cầm bút phải có năng lực ngôn ngữ thì mới có thể viết. Năng lực ngôn ngữ, trước hết, thể hiện ở sự thông hiểu vốn từ vựng sâu rộng, nắm vững quy tắc chính tả, ngữ pháp và cả ngữ cảnh khi viết. Cao hơn là phải biết nhào nặn chất liệu thô ban đầu là kho tàng ngôn ngữ chung của cả cộng đồng thành tinh chất ngôn từ mang dấu ấn cá nhân thể hiện trên từng trang viết của mình.

ADQuảng cáo

Viết văn, làm báo có thể ai ít nhiều cũng làm được nhưng để viết cho sâu sắc, cho hay, để có thể gắn bó với nó như cái nghiệp suốt đời thì không phải ai cũng dễ dàng thực hiện được. Nghề cầm bút không chỉ đòi hỏi phải đam mê mà còn phải không ngừng sáng tạo về mọi mặt, nếu không muốn đối diện với thời khắc ta cảm thấy chán chính ta hoặc bị công chúng độc giả đào thải. Sự sáng tạo trong nghề cầm bút ở đơn vị nhỏ là sáng tạo ngôn từ, câu chữ. Ở cấp độ lớn hơn, bao quát hơn là sáng tạo ý tưởng, tình huống, bố cục,… Làm sao để những trang văn, trang báo không những không lặp lại người khác mà còn không lặp lại chính mình. Đó thực sự là yêu cầu khắt khe, thử thách không hề nhỏ đối với những ai làm nghề cầm bút.

Sự sáng tạo trong bất cứ ngành nghề gì cũng bắt rễ từ hiện thực cuộc sống cùng với sự nỗ lực của con người. Với nghề cầm bút, để sáng tạo nên những tác phẩm ngôn từ giá trị đòi hỏi họ phải luôn tự mở rộng vốn sống; không ngừng rèn luyện khả năng phát hiện, nắm bắt, xâu chuỗi vấn đề; khái quát, rút ra bản chất hiện thực. Như vậy, họ không chỉ phải đi, phải thâm nhập thực tế mà còn phải không ngừng ngẫm nghĩ, trăn trở về những gì đã qua, những gì đang diễn ra trước mắt; thậm chí là dự báo cho cả những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Văn chương phản ánh hiện thực bằng hình tượng đa chiều đa nghĩa; báo chí lại đòi hỏi phải phản ánh đúng sự thật, kể cả là những sự thật dễ gây “mất lòng”. Bản chất thể loại như thế, rõ ràng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với người cầm bút, đòi hỏi trước khi viết phải cân nhắc cẩn trọng hơn cả trước khi nói, bởi có thể “lời nói gió bay” nhưng viết thì lại “bút sa gà chết”.

Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ người cầm bút chẳng khác gì người lái tàu, điều khiển con tàu đi trên hai thanh ray: giữa một bên là đòi hỏi của thể loại, lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút với một bên là những đòi hỏi khắt khe, thậm chí là trái chiều của mỗi đối tượng tiếp nhận. Điều đó cần ở cả tài năng, sự nỗ lực và bản lĩnh của mỗi cây viết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạp bút: Ngẫm về nghề cầm bút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO