Tản văn: Nụ hôn đầu tôi đặt giữa Trường Sơn..."

26/07/2019 10:07

Tác giả: Vũ Hà

ADQuảng cáo

Dịp tháng Năm mới rồi, tôi về quê tham dự hội khóa nhân 40 năm tốt nghiệp phổ thông trung học. Ngày hội khóa hôm ấy có rất đông bạn bè từ mọi miền Tổ quốc về trường cũ tụ họp. Bạn học chúng tôi phần lớn đã ở tuổi U60, nhiều mái đầu đã điểm sương hay bạc trắng.

Những người bạn học trong ngày hội khóa, có người từng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ, (sau khi rời quân ngũ trở về quê học lại phổ thông) và nhiều người tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc (khóa học phổ thông 1976 – 1979) là thời gian diễn ra hai cuộc chiến tranh biên giới nói trên, nhiều người tòng quân khi đang còn trên ghế nhà trường. Trong số những đồng đội là bạn học phổ thông của tôi, có người đã hy sinh, có người người là thương binh và nhiều người may mắn trở về. Ngày hội khóa, chúng tôi kể cho nhau nghe những kỷ niệm, câu chuyện sau khi rời ghế nhà trường phổ thông… Và chúng tôi cũng đã kể về chuyện người lính và những hy sinh của đồng đội năm xưa...

Trong những câu chuyện về người lính thời chiến tranh, có một câu chuyện bi thương và cũng rất nhân văn, lãng mạn mà có một thời chúng ta ít nói tới. Đó là câu chuyên do một người bạn tôi kể bằng một bài thơ có tiêu đề “Nụ hôn đầu” với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị mà dâng trào xúc động. Trước khi ngâm/kể bài thơ ấy cho mọi người nghe, người bạn tôi nói rằng tác giả bài thơ là Trần Thanh. Anh Trần Thanh là một người lính tình nguyện Việt Nam. Anh viết bài thơ “Nụ hôn đầu” năm 1966 trên đường Trường Sơn khi sang nước bạn Lào. Bài thơ này kể lại sự hy sinh của một cô gái thanh niên xung phong và nụ hôn đầu tiên của anh với cô gái ấy. Nội dung bài thơ “Nụ hôn đầu” như sau:

ADQuảng cáo

Nụ hôn đầu tôi không tặng người yêu
Mà tặng cho một người con gái
Mười bảy tuổi bước qua thời vụng dại
Khoác lên mình chiếc áo màu xanh.
Những ai đã từng đi qua chiến tranh
Chắc biết những trận bom tọa độ
Cả cánh rừng tan hoang loang lổ
Sau trận bom hủy diệt bạo tàn.
Khi bom nồng nặc chưa kịp tan
Người còn sống ra khỏi nơi ẩn nấp
Không sợ hãi, không vội vàng hấp tấp
Tiếp tục làm nhiệm vụ được trên giao.
Trước mắt tôi dưới gốc cây sao
Đang quằn quại một cô gái trẻ
Máu loang khắp tấm thân mảnh dẻ
Chân đứt lìa đã buộc chặt ga to.
“Đừng… đưa… em đi, không… kịp… nữa mô
Máu... đã cạn… em… không còn… sức… nữa
Em… lạnh lắm… Hãy ôm… em… Em tựa
Em… nhờ anh… chuyển giúp… mẹ… vài lời…!!!”
Lời cuối cùng em nhắn mẹ qua tôi
Nghe thoảng như những lời của gió
“… Anh ơi... em… người yêu… chưa có
Phút… lìa đời… em muốn… được... anh hôn…”
Nụ hôn đầu tôi đặt giữa Trường Sơn
Em gái xung phong tuổi vừa mười bảy
Đang lạnh dần trong tay tôi run rẩy
Mà trên môi thoáng nhẹ một nụ cười…

Ngâm bài thơ xong, anh còn kể thêm một câu chuyện mà anh với tư cách là người trong cuộc: Ở đơn vị mình cũng có một trường hợp thương binh rất trẻ, có lẽ chưa đầy 18 tuổi lên bàn mổ phẫu thuật tại tuyến trước. Vì vết thương nội tạng quá nặng đã nhiễm trùng hoại tử. Bác sĩ biết em không thể sống được bao lâu. Nhưng em vẫn tỉnh táo. Bác sĩ hỏi em đã có người yêu chưa. Và nếu phải hy sinh vì Tổ quốc, em có điều gì phải ân hận hay hối tiếc nữa không. Em mỉm cười nói, chỉ tiếc là không được sống để cùng đồng đội chiến đấu. Và một điều nữa là em chưa có người yêu và chưa biết nụ hôn đầu. Ông bác sĩ quân y cay hai khóe mắt. Cô y tá thì vừa khóc vừa ôm em vào lòng. Rồi cô mở cúc áo ngực và cầm tay em đặt lên vị trí tim mình trước sự chứng kiến của mọi người. Trong tiếng nấc của những người trong phòng phẫu thuật và em đã ra đi…

Bài thơ và câu chuyện nói trên thật cảm động, rất dễ hiểu và rất thực trong chiến tranh. Thiết nghĩ không cần phải phân tích gì thêm. Nghe xong bài thơ và câu chuyện, nhiều anh em bạn học là cựu chiến binh trong ngày hội khóa hôm ấy nói rằng, bài thơ mang giá trị lịch sử và ý nghĩa nhân văn. Thiết nghĩ, để lịch sử sống động, mong sao có những bài thơ như thế này trong trang sách nhà trường để giáo dục lớp trẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản văn: Nụ hôn đầu tôi đặt giữa Trường Sơn..."
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO