Kí: Dấu chân người thầy

15/11/2019 10:05

Tác giả: Lê Champa

ADQuảng cáo

Tranh minh họa

Tôi gặp lại thầy giáo chủ nhiệm vào một ngày cuối xuân. Nắng vàng nhuộm thắm những cách đồng mùa lúa non ngào ngạt hương sắc quê hương. Vẫn vóc dáng ấy, con người ấy và chất giọng hào sảng đầy chất lính của một thời trận mạc.

- Thưa thầy em đã nhận quyết định sang Lào công tác!

Một chút bất ngờ hiện lên trên gương mặt người thầy giáo đã gắn bó với chúng tôi suốt những năm tháng “mài niềm tin và ý chí vào đại học”.

- Thầy cũng đã từng công tác bên Lào, khi ấy còn là bộ đội Việt Nam chiến đấu bên cạnh bộ đội Pha Thét Lào.

Thế là tôi được nghe thầy kể kỷ niệm về một thời máu lửa, nơi ghi dấu không chỉ những chiến công hiển hách của quân đội nhân dân hai nước mà còn mang nặng một mối tình hữu nghị bền chặt, thủy chung. Giọng thầy như trầm lại khi kể về những trận đánh oanh liệt nơi có không ít những đồng đội đã ngã xuống. Ký ức còn sáng mãi những địa danh mà những người lính như thầy đã đi qua, nơi những con đường cứ dài mãi chiến công như “Cánh đồng Chum”; “Sầm Nưa”; “Căm Cớt”, “Lắc Xao”, “Mường Phìn”, “Sê Pôn” ….

Bất chợt thầy nêu câu hỏi:

ADQuảng cáo

- Em có biết trước đây Lào còn gọi là vương quốc Lạn Xạng không?

- Dạ em còn chưa biết ạ!

- “Lạn” tiếng Lào là triệu, “Xạng” là voi em ạ. Em sang làm công tác kinh doanh thì càng phải am hiểu về văn hóa.

Vâng đây chính là bài học đầu tiên khi xa Tổ quốc tôi lại được nghe từ thầy giáo chủ nhiệm.

- Em sang Lào vẫn làm ngân hàng thầy ạ, đó là một ngân hàng liên doanh giữa Việt Nam và Lào.

- Dù thời chiến hay thời bình thì Việt Nam và các bạn Lào cũng cần phải hợp tác chặt chẽ em ạ. Nhiệm vụ xây dựng hôm nay cũng quan trọng không kém nhiệm vụ bảo vệ sự độc lập ngày hôm qua. Các em phải cố gắng giữ gìn, củng cố, phát huy truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc.

Chia tay thầy trong một chiều muộn, nắng tắt, con đường phía trước chỉ như một vệt mờ phía chân trời. Nhưng trong tôi vẫn sáng ngời một niềm tin bởi con đường tôi sẽ đi đã ghi dấu những bước chân nhọc nhằn, gian khó thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu xương của biết bao người lính đã một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” như thầy giáo chủ nhiệm.

Khi tôi kết thúc những dòng hồi ký này cũng là lúc thầy giáo chủ nhiệm không còn nữa. Thầy trở về với đất mẹ yêu thương khi những nguyện cầu về cuộc sống bình yên của lũ học trò chúng tôi còn đang dang dở. Phía trước còn biết bao nhọc nhằn, gian lao và trăn trở về công việc, cuộc sống, cả nhiệm vụ kinh doanh, nhiệm vụ là cầu nối trong quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước của Lào - Việt. Nhưng chúng tôi, những người “lính trên mặt trận kinh tế” vẫn vững niềm tin và ý chí để vượt qua, vươn tới bởi con đường mà chúng tôi đi đã được những người như thầy và biết bao thế hệ chung tay xây đắp đến những thành công.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kí: Dấu chân người thầy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO