Ghi chép: Ngày trở về

26/07/2019 10:08

Tác giả: Hoàng Khánh Duy

ADQuảng cáo

Minh họa: Ngọc Tâm

Vẫn cái giọng đầy kiên quyết của một người chỉ huy năm xưa từng lăn lộn trên chiến trường, xông pha vào mưa bom bão đạn, chú Nam ngoái lại phía sau, dõng dạc nói:

- Các đồng chí ạ! Ngay bây giờ, chúng ta sẽ đi vào xóm Đợi, quê hương của đồng chí Thanh năm xưa chiến đấu cùng chúng ta. Đồng chí Thanh…, các đồng chí còn nhớ chứ?

Nhắc đến đồng chí Thanh, trong xe ai cũng im lặng. Cả tôi cũng vậy, trừ bác lái xe, tôi là người trẻ nhất trong đoàn cựu chiến binh trên dưới mười người ngược về nguồn tìm lại bóng dáng của những Mẹ Việt Nam anh hùng mỏi mắt chờ con. Tôi - một phóng viên trẻ luôn thiết tha với đề tài chiến tranh cách mạng - hòa cùng đoàn chiến sĩ năm xưa để lấy tin tức dựng phim tài liệu. Suốt chặng đường, tôi quan sát thấy sự hồ hởi, mừng vui mà đáy mắt xốn xang những nỗi niềm của những người tưởng như không còn dịp để hội tụ như ngày xưa. Khoảnh khắc ấy thiêng liêng vô ngần, tựa hồ như có chút gì xưa cũ len lỏi vào tâm trí những cựu chiến binh, gọi thức một thời cầm súng xông pha hào hùng, lẫm liệt.

- Đồng chí Thanh thì ai mà quên cho được? Đồng chí ấy sống chí nghĩa chí tình, tôi nhớ rõ lúc đồng chí Thanh hi sinh lúc 4 giờ chiều, rừng mưa, trong một trận càn quét ác liệt của Mỹ - Ngụy. Viên đạn bắn thẳng vào lồng ngực của đồng chí Thanh trong lúc anh đang đứng cạnh đám mây leo trong rừng, không kịp trăng trối...

- Đồng chí nhớ rõ thật. Loay hoay mà đã hơn nửa thế kỉ rồi đấy, bọn mình già hết rồi, “xí quách” cạn rồi, giờ còn gì hạnh phúc bằng ngồi bên nhau ôn lại chuyện xưa!

Chú Nam ngẩn người một lúc. Bao nhiêu năm trôi qua, đất nước thanh bình nhưng lòng dạ chú Nam cứ đau đáu nhớ về thời chiến chinh đau thương mà oanh liệt. Trong tâm tưởng của chú (và của nhiều cựu chiến binh khác nữa) luôn tồn tại hai không gian xen lẫn. Không gian chiến tranh máu lửa, đồng đội chung sức chung lòng, vai nặng mối thù, tim chung ý chí, đầu cùng lí tưởng chiến đấu. Không gian hòa bình với niềm vui, tiếng nói, tiếng cười, với sự phát triển của đất nước nhưng vẫn còn tồn đọng những mặt trái, lòng người như tấn tạ treo bằng sợi tóc mong manh. Mỗi lần nhớ về đồng đội cũ, về những chặng đường rừng, dầm mưa dãi nắng, nghe tiếng bom nổ xa xa lập tức ôm súng, đạn lên nòng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đời lính cơ cực, vất vả, hiểm nguy trăm chiều. Nhưng từ trong máu lửa, tình đồng chí đã hiện lên, đẹp và vĩnh hằng. Ngồi cạnh bác tài xế, chú Nam nhìn con đường đất phía trước dẫn vào xóm Đợi. Chú Nam biết xóm Đợi vẫn còn đồng chí Thanh đợi đồng đội ở đó, dù đồng chí Thanh bấy giờ chỉ còn là tinh anh.

****

Chúng tôi xuống xe, đi đò dọc trên sông vào xóm Đợi. Xóm nằm mút bên kia sông. Dòng nước rộng, sóng gợn từng đợt vào bờ. Tôi ngồi trước mũi đò để ghi lại những khoảnh khắc đẹp làm tư liệu cho chuyến đi đầy ý nghĩa. Qua sông, chúng tôi được một chị dân địa phương dẫn vào xóm Đợi. Đoàn dừng lại trước ngôi nhà có cây bông trang được trồng ngay hàng thẳng lối. Chị nói:

- Nhà này là nhà cụ Chín, má của bác Thanh, cụ Chín già rồi, đôi khi lẩm cẩm nhưng cụ sống nhân đức lắm, nhà có gì ngon cũng kêu sắp nhỏ mang qua cho chúng cháu.

Chú Nam thay đoàn cảm ơn chị. Đứng trước nhà cụ Chín, ngôi nhà được cất theo kiểu nhà Nam Bộ xưa, đã cũ, tường tróc vôi, đôi chỗ xi măng bong ra thành từng mảng. Nhưng không gian xung quanh thoáng đãng. Một vườn xoài mát rượi phía sau, cái ao nhỏ bên hè có đôi vịt trống mái bơi qua lại tắm táp, rỉa tép. Chú Nam tiến vào trong nhà, ngả mũ lễ phép:

- Thưa, đây có phải nhà cụ Chín không ạ?

Từ bên trong, một chị gái vóc người nhỏ nhắn, đầu đội nón lá đon đả chạy ra:

- Các bác tìm má cháu ạ! Cháu là dâu của cụ Chín, má cháu đang ngồi ăn trầu ngoài sân vườn, mời các bác vào nhà ạ!

Chị đi trước, chúng tôi theo sau. Tôi để ý trên vách nhà treo đầy những bằng khen, những tấm hình đen trắng có tấm đã mờ nhòe hẳn đi, chỉ còn thấy bóng người đứng trong rừng, cạnh bên sông… đầu đội mũ có ngôi sao năm cánh. Tôi lặng người đi.

Trước mắt tôi lại cụ già đã hơn chín mươi, đầu bạc phếch, da trổ mồi. Các bác đứng trước, tôi đứng sau cùng, chúng tôi đồng loạt gật đầu:

- Chúng con chào má.

ADQuảng cáo

- Các con về thăm má đó à! Má mừng quá, má ở đây đợi mãi…

Lắng nghe giọng nói thâm trầm, khuôn miệng móm mém nhai trầu của má, tất cả mọi người bật khóc. Về thăm má đồng chí Thanh như về thăm chính người má đã từng nuôi dưỡng, bón từng muỗi cháo, chăm từng giọt sữa mát lành. Không dưỡng không nuôi, nhưng gặp má, những người lính cũ tóc hai màu cảm thấy ấm áp vô lượng, tựa hồ như trở về thăm người má ruột sinh dưỡng những phần đời, để được sà vào lòng má, má sẽ ôm ấp, bao dung.

Một cựu chiến binh khập khiễng bước đến, một chân đã bị đứt lìa do mảnh bom phạt trong chiến tranh, phải nối lại bằng khúc gỗ gọt thành hình bàn chân. Bằng một giọng nhẹ nhàng nhưng trầm khàn, người cựu chiến binh thỏ thẻ với má Chín:

- Má ạ, chúng con là đồng đội cũ của đồng chí Thanh ngày trước chiến đấu cùng nhau. Lúc Thanh hi sinh, chính chúng con là người vuốt mắt cho Thanh, chôn cất Thanh vào lòng đất Mẹ. Má là má của Thanh thì cũng như là má của chúng con vậy! Chúng con chúc má sống vui, sống khỏe, nghen má!

Người già lấy khăn lau nước mắt. Lạ thật, người ta thường nói người già thì khó khóc. Thế mà trong giờ khắc này, tôi thấy những người già bước qua ranh giới chiến tranh với hòa bình, khi nhắc lại chuyện xưa bỗng dưng tuôn trào nước mắt. Tôi là người trẻ, má nói tôi may mắn sống trong cảnh thanh bình, không bom đạn, không phải chứng kiến cảnh chia lìa, hi sinh, không đau những nỗi niềm mà má và thế hệ cha chú phải gánh chịu.

Má Chín nhìn một lượt những người con của má đang ngồi quây quần quanh bàn tròn, má thôi nhai trầu, ngoài vườn gió lộng. Khu vườn đẹp lắm, cái cối đá để cạnh gốc me lấm tấm vàng lá khô rơi. Má nhìn con má bằng cái nhìn đôn hậu, dịu dàng, như má đang nhìn đồng chí Thanh.

- Các con ạ! Đời má cống hiến hết cho đất nước. Hồi đó chồng má đi lính, hi sinh trên chiến trường. Má cũng từng đi đấu tranh chống lại thằng Mỹ, đàn bà con gái xứ này dũng cảm, gan góc lắm! Rồi má ở nhà nuôi con út, để thằng Thanh đi lính. Hồi năm bảy hai, má nhận được tin nó hi sinh trên chiến trường, má đau lắm! Nhưng biết làm sao được, hi sinh vì Tổ quốc là sự hi sinh vinh quang nhất. Các con đã không tiếc máu xương, các con xứng đáng là những người con anh hùng của đất nước…

Mọi người lặng đi, trong dòng suy tưởng của họ nỗi buồn xen lẫn niềm tự hào. Hình như đồng chí Thanh cũng hiện về trong cuộc tương ngộ mấy mươi năm. Một cảm giác ấm áp, trầm lắng bao trùm trong khoảnh khắc thiêng liêng. Má Chín kể cho các con của má nghe chuyện cuộc đời, chuyện chiến tranh, chuyện cuộc sống của má sau khi bom ngừng rơi, lửa ngừng cháy. Má nói:

- Các con biết tại sao xóm này có tên là xóm Đợi không? Hồi đó, đàn bà có chồng, có con cho đi chiến đấu, đàn bà ở nhà mong ngóng đợi chờ, trong số đó có má, dần dần xóm này có tên là Đợi lúc nào không hay.

Có cuộc đi nào mà không xót xa? Có hi sinh, mất mát nào mà không đau đớn, dẫu đó là cuộc hi sinh vì Tổ quốc. Tôi không biết điều gì khiến người đàn bà bao dung đến vậy, cũng có lần tôi đem thắc mắc đó hỏi má, má tôi chỉ nói: “Khi Tổ quốc lâm nguy con sẽ hiểu vận mệnh đất nước quan trọng đến nhường nào. Dẫu đau, nhưng cắn răng con ạ”. Như má tôi, như má Chín, như những người phụ nữ Việt Nam khác, sống nghĩa tình, chung thủy, son sắt với Tổ quốc, hết lòng vì gia đình. Sự hi sinh ấy thật lớn lao.

***

Đã xế chiều, đoàn cựu chiến binh thắp nhang anh linh đồng chí Thanh rồi từ biệt má ra về sau khi đã ăn xong bữa cơm mắm muối, dưa cà, rau trong vườn, cá dưới ao, thanh sơ đạm bạc.

Má Chín nói:

- Chừng nào thong thả, các con về chơi với má nữa nghen. Má ngắm các con để đỡ nhớ thằng Thanh con má, chắc hôm nay nó vui lắm!

Má lại đợi, đợi những đứa con thân yêu trở về. Dẫu ngọn đèn khuya biết còn bao ngày hắt hiu trước gió?

Chuyến đi hôm ấy, tôi không chụp nhiều ảnh. Về má Chín, tôi chỉ xin phép chụp một tấm duy nhất để làm tư liệu bởi tôi biết có tấm ảnh nào đẹp bằng cuộc đời thực đau khổ, hạnh phúc, mất mát lẫn đoàn viên. Tôi thầm cảm ơn những người bà, những người mẹ, những người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, nghĩa tình đã sống trọn cuộc đời thanh sạch mà có bao giờ nghĩ cho mình? Những điều vĩ đại luôn trường tồn vĩnh cửu.

Tôi giở lịch ra xem. Hôm nay ngày 27 tháng 7, ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày để tôi và thế hệ trẻ hướng lòng mình về nguồn cội, về anh linh những người đã từng cầm súng chiến đấu và chiến thắng, đã nằm lại nơi chiến trường hoặc may mắn trở về sống cùng những vết thương không bao giờ xóa nhòa được.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi chép: Ngày trở về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO