Đến với bài thơ hay: Bàn tay vàng mở nắngTây Nguyên

Nguyễn Trọng Đồng| 01/10/2020 08:01

Bài thơ "Bàn tay vàng mở nắng Tây Nguyên" khá thuần thục chữ nghĩa, ca ngợi niềm vui hăng say lao động của người công nhân cao su, qua đó góp phần làm cho đời sống buôn làng ngày thêm giàu đẹp. Đó chính là hình tượng điển hình về tinh thần thi đua lao động sản xuất trong thời đại ngày nay.

ADQuảng cáo

Ảnh minh họa

Những con đường đất đỏ Tây Nguyên
Mở vào tháng năm huyền tích
Bao buôn làng vẫn lớn lên từ đất
Người là hoa chắt chiu nhựa cây đời

Có những buổi mai
Ôi những buổi mai xanh thẳm
Em lặng lẽ bên hàng cây bầu bạn
Thoắt mở đường cho dòng nhựa trắng trong

Dòng nhựa mùa xuân. Đồi núi lung linh
Đi giữa hai miền hư thực
Miền cuộc sống những bộn bề thao thức
Như em từng lo toan ngày trồng mới khai hoang

Nào cây giống kĩ thuật trồng, nào phân nhiệm, phân công...
Trong giấc ngủ cũng chập chờn hàng cây biếc lá
Ơi cô gái nông trường đôi mắt tròn đẹp lạ
Có phải chăng trong xanh biếc tháng năm

Bàn tay vàng, em đã mở nắng quê hương?
Lại có một miền thơ rất đỗi diệu huyền
Khi ngọn gió về rừng xanh núi đỏ
Đồi núi hoang sơ hóa thành xứ sở

Những hàng cây cứ theo gió lớn lên
Những nhà máy như đỉnh núi mây vờn
Những dãy nhà ngói đỏ ngói xanh
San sát mọc lên bên dòng suối mát...

Và cuộc đời mãi âm vang câu hát
Về dòng nhựa trắng yêu thương
Ta mở đường cây - mở đường xuân tới
Cho buôn làng ta đẹp tựa phố phường!

Lời bình: Niềm vui hăng say lao động

Nhà thơ Nguyễn Trọng Đồng gắn bó tha thiết cuộc đời mình với mảnh đất Tây Nguyên, tắm táp nắng mưa nhưng cũng mênh mang huyền thoại. Phần lớn, thơ anh chân chất, mộc mạc như người nông dân hai sương một nắng làm ra hạt lúa củ khoai. Bài thơ "Bàn tay vàng mở nắng Tây Nguyên" khá thuần thục chữ nghĩa, ca ngợi niềm vui hăng say lao động của người công nhân cao su, qua đó góp phần làm cho đời sống buôn làng ngày thêm giàu đẹp. Đó chính là hình tượng điển hình về tinh thần thi đua lao động sản xuất trong thời đại ngày nay.

Nhan đề bài thơ lấp lánh vẻ đẹp tu từ nên dễ khiến ta bồi hồi suy tưởng. Bàn tay vàng của người công nhân cao su đã mở ra một trang đời thật  ấm nóng, rực sáng như màu nắng Tây Nguyên buổi xuân về. Quả là niềm vui trào dâng từ nhan đề thi phẩm đã dẫn dụ người đọc cảm nhận về một Tây Nguyên huyền tích với những bon làng lớn lên từ đất, từ sự cần mẫn lao động và chắt chiu của con người:

ADQuảng cáo

Những con đường đất đỏ Tây Nguyên
Mở vào tháng năm huyền tích
Bao buôn làng vẫn lớn lên từ đất
Người là hoa chắt chiu nhựa cây đời

Đẹp nhất là hình ảnh người công nhân cạo mủ cao su trong buổi ban mai xanh thẳm. Ta hình dung nghe được điệu tâm tình của tác giả gửi gắm vào đây niềm bâng khuâng xúc động, niềm yêu đời vô biên với mảnh đất Tây Nguyên. Từ sự cần cù lao động của con người, Nguyễn Trọng Đồng đã nâng lên thành vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ. Dòng nhựa trắng tinh khôi chắt ra từ cây cao su chính là dòng nhựa mùa xuân góp nhặt cho đời nên núi đồi, lũng sâu cũng hóa lung linh qua cái nhìn rất đẹp, rất nên thơ của tác giả:

Có những buổi mai
Ôi những buổi mai xanh thẳm
Em lặng lẽ bên hàng cây bầu bạn
Thoắt mở đường cho dòng nhựa trắng trong
Dòng nhựa mùa xuân. Đồi núi lung linh

Thật vậy, cả khổ thơ đầu là một sự ngợi ca, ngợi ca về một vùng đất, ngợi ca tình người gắn với sự lao động bền bỉ sáng trong đã mang lại cuộc sống tươi vui, hạnh phúc. Có lẽ trước niềm vui lớn lao của tâm hồn tác giả mà thơ cũng cất cánh bay cao trên cái nền của hiện thực, nhờ đó nhà thơ có được những câu thơ khá hay, gợi mở làm xao xuyến lòng người: "Dòng nhựa mùa xuân. Đồi núi lung linh".

Khép lại cảm xúc ngợi ca ở khổ thơ đầu, tâm sự của nhà thơ Nguyễn Trọng Đồng lắng sâu hơn với bao điều trăn trở để người đọc hiểu được nỗi niềm của người lao động gieo trồng và khai thác cây cao su vất vả nhường nào. Theo tác giả, đó chính là hai miền hư thực. Cái thực là nỗi thao thức bộn bề giữa cuộc sống nhọc nhằn, vất vả, ngay trong giấc ngủ cũng chập chờn hàng cây biếc lá. Mượn hình tượng cô gái nông trường "có đôi mắt tròn đẹp lạ" để làm nền cho khát vọng hiến dâng sức lực và trí tuệ để từ đó mở ra màu nắng quê hương Tây Nguyên tràn đầy hi vọng sau dòng nhựa tinh khôi từ cây cao su:

Trong giấc ngủ cũng chập chờn hàng cây biếc lá
Ơi cô gái nông trường đôi mắt tròn đẹp lạ
Có phải chăng trong xanh biếc tháng năm
Bàn tay vàng
Em đã mở nắng quê hương?

Có điều trong gian khổ vất vả, niềm tin sáng trong, tình yêu lao động vẫn dạt dào không bao giờ vơi cạn. Có lẽ chính sự vượt qua thử thách bằng niềm vui lao động, niềm tin vào mảnh đất Tây Nguyên tràn trề nhựa sống ấy mà cô gái nông trường cao su đã góp phần bồi đắp nên một miền quê yên ả, thanh bình như một miền thơ cổ tích. Huyền thoại ấy bắt đầu từ bàn tay vàng của em biết chăm lo khơi dòng nhựa trắng cho quê hương. Sau ngày tháng ân cần lao động, phép mầu cuộc sống đã hiện lên bên dòng suối mát:

Những hàng cây cứ theo gió lớn lên
Những nhà máy như đỉnh núi mây vờn
Những dãy nhà ngói đỏ ngói xanh
San sát mọc lên bên dòng suối mát...

Bài thơ khép lại bằng khúc hoan ca dạt dào cảm xúc, thể hiện niềm tự hào trước cuộc sống ấm no, giàu đẹp của buôn làng. Tình cảm chân thành ấy thật tươi sáng và đáng trân trọng qua cái nhìn rất lạc quan và yêu đời của tác giả. Mỗi đời cây cho dòng nhựa trắng thơm là đã mở ra cả một mùa xuân bát ngát:

Và cuộc đời mãi âm vang câu hát
Về dòng nhựa trắng yêu thương
Ta mở đường cây - mở đường xuân tới
Cho buôn làng ta đẹp tựa phố phường!

Bài thơ "Bàn tay vàng mở nắng Tây Nguyên" của Nguyễn Trọng Đồng mang âm hưởng ngợi ca về những con người không quản gian lao, vất vả để phát triển kinh tế, góp phần bé nhỏ sức lực và trí tuệ của mình vào quá trình hội nhập chung của đất nước. Bằng cảm xúc chân thành, lời thơ trong sáng và khá hàm súc về ngôn ngữ, tác phẩm đã khơi gợi cho người đọc niềm tin yêu vào cuộc sống, chiêm ngưỡng vẻ đẹp lao động của con người trên mảnh đất Tây Nguyên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến với bài thơ hay: Bàn tay vàng mở nắngTây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO