Chuyện giữa đại ngàn

15/06/2018 09:46

Truyện ngắn của Thu Đình

ADQuảng cáo

Mới sáng sớm, những tia nắng mới lóe lên từ phía chân trời xa tít và bắt đầu ngập đầy lên khắp khu rừng mênh mông trên ngọn đồi chót vót. Không gian núi rừng trong trẻo dễ khiến bất kì ai cũng muốn được cuộn tròn mãi trong chăn để hưởng thụ cái cảm giác bình yên. Nhưng dẫu đã quá quen thuộc với núi rừng, với tiếng chim, muông thú thì việc dậy sớm với Vàng cũng đã trở thành thói quen từ rất lâu.

Vàng mở choàng mắt, vươn vai, thả từng bước nhẹ nhàng ra khỏi căn nhà be bé giữa rừng, hưởng trọn hương rừng ban mai tinh khiết, dìu dịu. Vàng thấy lòng thật khoan khoái, trái tim như hòa nhịp cùng nhịp đập của rừng. Dưới bóng cây cổ thụ, Vàng lắng nghe và cảm nhận được bản tình ca quen thuộc của rừng. Âm thanh trở mình của cây cối, của suối reo, của những khúc sông đang thong thả xuôi dòng. Rõ nhất vẫn là khúc nhạc của những loài chim cùng hòa giọng. Lạ lắm. Ở rừng lâu, người với rừng như có thần giao cách cảm. Vàng có giác quan đặc biệt, có thể nhận biết khi nào rừng đau, khi nào rừng vui. Ở hạt kiểm lâm này, ai cũng biết đến tài nghe và đoán biết tên các loài chim trong rừng của Vàng. Anh còn có biệt tài bắt chước y chang từng tiếng chim. Sơn ca có giọng hót hay, trong và cao. Giọng của chích chòe vừa to vừa vang. Giọng họa mi thì trong trẻo, líu lo. Chào mào đơn ca lảnh lót… Có tiếng chim vui say, đồng tình; có tiếng chim ghen tuông, giận dữ; cũng có tiếng chim hơn thua, được mất chẳng khác con người. Mỗi thanh âm đều là những thông điệp gửi đến cuộc sống.

Dáng người tầm thước, khỏe mạnh, nụ cười vui vẻ, lạc quan trên gương mặt chàng trai tuổi 30 ấp ủ một niềm tin mãnh liệt đối với cuộc sống. Vàng nhận ra không khí buổi sáng trong veo, mát lành. Tiếng gió quyện trong lá, trong cây rừng, tiếng chim lảnh lót giữa bao la nắng ấm sao mà êm ả, du dương. Vàng hít một hơi thật sâu như để thưởng thức món quà đặc biệt mà mẹ rừng đã ban tặng. Qua những tán lá non tơ, Vàng cảm nhận rõ một sức sống mỡ màu, kì diệu của rừng già. Bỗng có tiếng bước chân sột soạt từ phía sau. Bước chân khiến anh giật mình quay lại nhìn. Trước mắt anh là nụ cười sáng biếc và đôi mắt biết nói của Nhiên, cô nhà báo trẻ tuổi đầy nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Vàng ấp úng:

- Sao… sao Nhiên lại đến đây? Mỉm cười, Nhiên nhẹ nhàng:

- Em đi công tác!

- Ừ… Nhiên lên lấy tin viết bài về rừng hả?

- Vâng. Đợt này, đề tài về rừng đang được nhiều người quan tâm. Em được tòa soạn phân công lên viết bài ở hạt kiểm lâm mình.

Nhiên là con gái của chú Trương, người từng gắn bó với hạt kiểm lâm nơi Vàng đang làm hơn 30 năm. Chính chú đã giúp Vàng thức tỉnh, giúp Vàng đổi nghề từ nghề xấu sang nghề tốt, giúp Vàng sống lương thiện và có ích như hiện tại. Kể ra thì chuyện rất dài. Vàng mãi mang ơn vì chú đã giúp đỡ, hỗ trợ gia đình Vàng giống cao su và còn hướng dẫn cả cách trồng. Rồi chú còn chỉ cho Vàng cách trồng rau, nuôi gà, nuôi heo. Nhờ thế mà gia đình Vàng dần đi vào ổn định, thoát khỏi cái nghèo, biết bảo vệ rừng, coi rừng là tài sản quý giá cần được bảo vệ. Ngày Vàng chính thức trở thành cán bộ kiểm lâm cũng là ngày chú Trương nghỉ hưu. Lâu rồi mới có dịp gặp lại chú, Vàng vui như mở cờ trong bụng.

- Ba Nhiên lên thăm rừng, thăm bạn và cả anh Vàng nữa đấy! Đôi má Nhiên ửng hồng, đôi môi tươi mọng vẻ đằm thắm, dịu ngọt làm Vàng xuyến xao một cảm giác là lạ.

ADQuảng cáo

Nhà Vàng vốn nghèo. Ngày nhỏ, Vàng vẫn thường theo ba vào rừng bẫy chim, bẫy thú mang về bán. Ngày xưa, người dân trong làng của Vàng, ai cũng mưu sinh bằng nghề ấy. Vàng đã từng nói với ba mình khi bắt lũ chim rừng đem về nhà rằng, nhìn chúng tội nghiệp lắm. Chúng cũng có một tổ ấm như một gia đình, cũng muốn được sống như bao loài vật khác, cớ sao mình lại chia rẽ, giết hại chúng. Vàng thấy ba cũng lặng thinh, ngậm ngùi. Nhưng cả làng đều thế cả. Đâu có nghề nghiệp gì ngoài đi rừng săn bắn, hái lượm. Nếu không thế thì không có tiền đong gạo. Vàng thương lũ sẻ, cu đất, le le, chim mía, gầm ghì,… đã trở thành mồi nhậu cho các quán xá. Anh thương cả lũ chích chòe, chào mào, sáo, khướu,… phải rời xa không gian trời xanh mây trắng, đang tha hồ mặc sức vẫy vùng bỗng bị giam cầm trong khoảng không gian tù túng là những chiếc lồng để làm theo sở thích của con người. Chính sở thích quái đản của một bộ phận người trong xã hội đã tạo công ăn việc làm cho những người nghèo khổ như ba con Vàng, để rồi dần dần, chim chóc, muông thú bị tận diệt. Khi luật nghiêm cấm việc săn bắt thú rừng, chim muông ngày càng được thực hiện gắt gao, ba con Vàng chuyển từ việc săn bắt chim rừng đem bán mưu sinh sang nghề hái trái cây rừng. Mùa nào thức nấy, trèo đèo lội suối vốn dĩ đã quá quen thuộc với đôi chân của Vàng. Nhưng rồi cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo.

Vàng từng ước mơ được học đại học. Thế nhưng làm sao có thể thực hiện được ước mơ to tát ấy khi trước mắt, cái ăn, cái mặc vẫn chưa đủ no, đủ ấm. Gắng mãi hết lớp 12, Vàng đành chấp nhận từ bỏ ước mơ của mình để ở nhà phụ ba mẹ lo từng bữa ăn. Những ngày cùng ba rong ruổi trong rừng, Vàng thường đem theo cái võng bắc vào hai thân cây, nằm đong đưa những lúc nghỉ ngơi. Vàng thích nhất cảm giác ngửa mặt lên ngắm rừng, nghe chim hót và tập tành học theo điệu hót của mỗi loài. Những khi ấy, Vàng thường tủm tỉm cười một mình. Trong lòng Vàng rộn lên niềm vui phơi phới. Rồi Vàng thích thú với nghề giữ rừng và mơ ước trở thành người canh giấc bình yên cho rừng. Anh thổ lộ nỗi lòng với ba. Ba Vàng cười bảo, mình từng là người đi phá rừng, nay lại xin đi giữ rừng liệu có ai cho? Vả lại, bảo vệ rừng phải là người thực sự yêu rừng, trung thực và dũng cảm. Nghe ba nói, Vàng cho là chí lí. Thế là ước mơ ấy lại âm ỉ cháy trong lòng Vàng.

Trong một lần đi rừng, Vàng phát hiện một toán người đang khai thác gỗ quý. Điều đáng nói là họ dùng cưa máy có hệ thống giảm thanh để cưa gỗ. Họ còn cắm hệ thống "ống xả" của cưa máy vào nước suối. Chỉ vài phút cưa là cây to ngã xuống nhưng không gây ra tiếng động nào đáng kể. Thế là Vàng bí mật chạy đi báo cho cán bộ kiểm lâm. Đợt ấy, nhờ có Vàng, Ban quản lý rừng đã bắt tại trận cũng như ngăn chặn được hành vi phá rừng có tính chất nghiêm trọng của "lâm tặc". Không những thế, Vàng còn nhiều lần giúp các chú cán bộ kiểm lâm bắt được nhiều vụ săn bắt chim và thú rừng quý hiếm khác. Được chính quyền địa phương tuyên dương nhưng Vàng không nhận. Vàng thật thà kể lại “tội” của mình trước kia và nói lên mơ ước của mình hiện tại. Biết được sở nguyện của Vàng, khi ấy, chú Trương, ba của Nhiên đã xin với cấp trên cho Vàng được vào làm bảo vệ rừng, giúp Vàng học lên đại học rồi trở về làm cán bộ kiểm lâm như hiện tại.

Vàng gặp và quen Nhiên mới 2 lần. Lần đầu là khi các chú trong Ban quản lý rừng bắt gọn bọn người khai thác gỗ lậu với số lượng lớn, Nhiên đang là phóng viên tập sự lên viết bài. Lần hai là khi chú Trương, ba của Nhiên chuẩn bị về hưu. Và bây giờ là lần thứ ba. Đang tò mò không biết lần này cô nhà báo lên đây sẽ viết gì thì anh đã được Nhiên thổ lộ:

- Em lên viết bài về anh, về chiến tích mà anh và ban quản lý hạt kiểm lâm đã lập được hôm vừa rồi. Nghe tin cán bộ kiểm lâm mình vừa cứu được cặp chim trĩ sao lớn rất quý từ tay bọn săn bắt trộm, người lập công đầu lại là anh Vàng. Vả lại em cũng muốn làm một bài phóng sự về nghề giữ rừng của một người có tâm, có trách nhiệm như anh Vàng. Vàng nghe rồi nhìn Nhiên, vừa cười rạng rỡ vừa gãi đầu:

- Anh chỉ làm tròn nhiệm vụ của một người giữ rừng thôi mà.

- Anh xứng đáng được tuyên dương, là tấm gương cho những người đã, đang và sẽ là cán bộ kiểm lâm cũng như cho tất cả mọi người.

- Anh… anh… Vàng ấp úng trước câu nói của Nhiên. Nhiên nhìn Vàng, cô nở nụ cười thật tươi. Giữa lúc đang không biết nói gì thì chú Trương bước đến. Vàng chủ động chạy tới bắt tay, đon đả chào hỏi. Người đàn ông tuổi ngoài 60, giọng ồm ồm, trông thật thân thiện. Vàng định nói ra điều bấy lâu thầm mang trong lòng nhưng lại thôi. Kỳ thực, từ lâu, chú Trương luôn là hình mẫu để Vàng phấn đấu. Chú Trương đặt bàn tay chắc nịch của mình lên vai Vàng, giọng vẫn khỏe khoắn, đầy tin tưởng:

- Tốt lắm! Chú đã không nhìn lầm người. Nhiên nhìn hai người đàn ông, một đã luống tuổi, một còn trẻ; một đã từng kinh qua kinh nghiệm, một đang kế cận nhiệm vụ, lòng cô lâng lâng một cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cả ba người cùng nhau đi giữa tiếng suối chảy, tiếng chim hót, tiếng xào xạc của lá rừng. Những câu chuyện giữa đại ngàn của hai thế hệ cứ thế rủ rỉ, tiếp nối. Chẳng hiểu sao, gặp Vàng lần này, Nhiên có một cảm xúc hết sức đặc biệt. Chân bước, đôi mắt lặng thầm của cô thỉnh thoảng lại liếc nhìn anh. Miệng tủm tỉm cười, hình như cô đang nghĩ đến một đề tài đặc biệt sẽ viết cho số báo sắp tới…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện giữa đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO